Ý nghĩ về cuộc một khủng hoảng đến bất chợt vào tuổi tứ tuần dường như đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người. Vào giai đoạn này của cuộc đời, chúng ta sẽ buồn rầu hơn và ít hài lòng hơn về sự tồn tại của mình. Nhưng về mặt tâm lý, mọi thứ lại có xu hướng cải thiện.
Tuổi chín chắn thường được xem là trụ cột của sự tồn tại. Một khi đã lên đến đỉnh đồi, nhìn qua bên kia đồi dốc, sẽ có cảm giác hụt hẫng. Nhà văn Victor Hugo có câu nói: “40 là hoàng hôn của tuổi trẻ, nhưng 50 là thanh xuân của tuổi già” (Quarante ans, c’est la vieillesse de la jeunesse, mais cinquante, c’est la jeunesse de la vieillesse).
Ý tưởng về một đêm tối đổ ập lên tâm hồn của những người tuổi 40 – hoặc họ đang tuyệt vọng tránh né nó, những sợi tóc cấy trên đầu bay cuốn theo gió của chiếc xe hơi tháo mui – đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người. Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số chúng ta tin vào cái gọi là “cuộc khủng hoảng trung niên”, còn gọi là “khủng hoảng tuổi tứ tuần” hay “khủng hoảng giữa cuộc đời”, và gần một nửa số người trưởng thành trên 50 tuổi nói đã từng trải qua nó. Vậy cuộc khủng hoảng giữa đời có thật sự tồn tại?
Có nhiều bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ ý tưởng rằng mức độ hài lòng về cuộc sống giảm xuống vào tuổi tứ tuần. Những cuộc điều tra dân số thường tiết lộ rằng phụ nữ và nam giới tuổi tứ tuần ít hài lòng nhất về cuộc sống của họ. Theo một khảo sát thực hiện bởi tổ chức HILDA (Household, Income and Labour Dynamics in Australia) của Úc, ở tuổi 45, mức độ hài lòng là thấp nhất và Cục Thống kê Úc chỉ ra rằng nhóm tuổi 45-54 là ảm đạm nhất.
Tuổi trung niên có thể khiến một số người bị nhiễu loạn, nhưng không đủ bằng chứng để kết luận rằng đây là thời kỳ khủng hoảng và chán nản lan rộng.
Về mặt tâm lý, mọi thứ có xu hướng cải thiện. Nếu có cuộc khủng hoảng tuổi tứ tuần, một sự bi quan, lệch hướng trong cách đánh giá số phận của mình, cũng là điều dễ hiểu. Trong giai đoạn này của cuộc sống, sự chú ý của chúng ta chuyển từ thời gian đã trôi qua sang thời gian còn lại, và điều này đòi hỏi một quá trình điều chỉnh.
Khi nào đến tuổi trung niên?
Rõ ràng là có nhiều lý do để không hài lòng với cuộc sống khi bạn bước qua ngưỡng nửa cuộc đời. Nhưng liệu điều này có làm cho cuộc khủng hoảng trung niên trở thành hiện thực hay đó chỉ là một bóng ma trực giác cảm nhận được không hơn không kém? Có nhiều lý do để hoài nghi vấn đề này.
Một mặt, khó có thể khẳng định khi nào khủng hoảng trung niên xảy ra. Khái niệm về tuổi trung niên là không cố định, thay đổi khi tuổi chúng ta ngày càng cao. Một nghiên cứu cho thấy người trẻ tuổi nghĩ rằng nó dao động từ đầu 30 đến 50 tuổi, trong khi những người từ 60 tuổi trở lên cho rằng nó bắt đầu từ cuối những năm 30 đến giữa 50 tuổi.
Trong khuôn khổ một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ, 1/3 những người ở tuổi thất tuần được hỏi xác định họ là những người ở độ tuổi trung niên. Nghiên cứu này đã chứng thực nhiều công trình nghiên cứu khác phát hiện ra rằng những người tuổi chín chắn có xu hướng cảm thấy trẻ hơn 10 tuổi so với tuổi trong giấy khai sinh của họ.
Dù định nghĩa tuổi trung niên thế nào, các cuộc khủng hoảng có đặc biệt tập trung vào giai đoạn này không? Một nghiên cứu khác chứng minh là không. Thay vào đó, nó chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng do chính mình tự tuyên bố trở nên phổ biến hơn khi chúng ta già đi. Trong số những người tham gia nghiên cứu ở trong độ tuổi ngoài 20, có 44% ghi nhận họ đã từng trải qua khủng hoảng như thế, so với 49% trong độ tuổi 30 và 53% trong độ tuổi 40.
- Xem thêm: Để trẻ mãi, không già
Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia càng lớn tuổi càng cho rằng khủng hoảng tuổi trung niên xảy ra trễ hơn. Những người trên 60 tuổi nhớ lại rằng họ trải qua khủng hoảng trung niên ở tuổi 53, trong khi những người trong độ tuổi 40 thì cho rằng với họ, khủng hoảng trung niên xảy ra năm 38 tuổi.
Vì vậy, chúng ta có thể cho rằng không có cuộc khủng hoảng đặc thù ở tuổi 40 mà thay vào đó là những cuộc khủng hoảng xảy ra trước hoặc sau tuổi 40.
Những nhà lý luận nghĩ gì về vấn đề này?
Nhà phân tích tâm lý học Elliot Jacques, người đã đặt ra thuật ngữ “khủng hoảng tuổi trung niên” vào năm 1965, đã nghĩ rằng nó biểu hiện bước đầu nhận thức về cái chết của chính mình. Ông viết: “Cái chết không còn là một ý tưởng chung chung, hay sự ra đi của người khác, mà đã trở thành một vấn đề thuộc về cá nhân của chính mình”.
Theo Elliot Jacques, thành tựu chính của người trung niên là vượt qua chủ nghĩa lý tưởng của tuổi trẻ để đạt được điều mà ông gọi là “chủ nghĩa bi quan chiêm nghiệm” (pessimisme contemplatif) và “sự cam chịu mang tính xây dụng” (résignation constructive). Ông tin rằng tuổi trung niên là lúc chúng ta đạt được sự chín muồi bằng cách vượt qua việc từ chối cái chết và sự hủy diệt nhân loại.
Carl Jung, nhà phân tích tâm lý học Thụy Sĩ, lại có quan điểm khác. Ông lập luận rằng tuổi trung niên là thời kỳ mà các khía cạnh tâm lý đã bị loại trừ trước đó, có thể được tích hợp lại. Nam giới có thể phục hồi lại phần nữ tính vô thức của họ hay bản ngã cá nhân (anima) bị chôn vùi trong thời trai trẻ, và ngược lại, nam tính trong người phụ nữ (animus) bị chôn vùi trước đây, nay được đánh thức.
Nhiều lời giải thích bình thường cũng được cải tiến và trưng ra để giải thích về sự không hài lòng của tuổi trung niên. Đây là thời gian con cái rời khỏi gia đình và người lớn thuộc “thế hệ sandwich”, phải vừa dạy dỗ con cái, vừa chăm sóc bố mẹ đã lớn tuổi. Những căn bệnh mãn tính bắt đầu xuất hiện và số người chung quanh bị tử vong tăng lên. Đây cũng là thời kỳ mà các yêu cầu chuyên môn có thể đạt đỉnh cao.
Nhưng cũng có thể có nhiều lý do nền tảng hơn, thiên về sinh học hơn. Những lo lắng hiện sinh, “hội chứng tổ chim trống” hay căng thẳng nghề nghiệp dường như không liên quan gì đến nỗi sợ hãi của loài tinh tinh và đười ươi. Tuy nhiên, đến tuổi trung niên, loài động vật này cũng trải qua sự suy giảm cảm xúc hạnh phúc tương tự như họ hàng của chúng là loài người.
- Xem thêm: Cười và chữa bệnh với yoga cười
Một nghiên cứu cho thấy loài tinh tinh vào cuối những năm 20 tuổi và loài đười ươi ở giữa thập niên 30 tuổi đều ít vui vẻ hơn, ít hài lòng hơn với các hoạt động xã hội và ít có khả năng đạt được mục đích sống. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng xu thế này có thể phản ánh những thay đổi liên quan đến tuổi tác bất ngờ diễn ra trong cấu trúc của não bộ liên quan đến hạnh phúc. Loài động vật linh trưởng đều chia sẻ xu thế này.
Tuổi trung niên, thời kỳ phát triển chứ không phải khủng hoảng
Khủng hoảng tuổi trung niên không nhất thiết phải gắn liền với những thử thách đã trải qua. Thật vậy, các nghiên cứu thường không chứng minh được sự liên quan rõ ràng giữa khủng hoảng với những biến cố đã vượt qua được.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc bày tỏ đã trải qua khủng hoảng trung niên không liên quan gì đến việc ly hôn vừa mới đây, mất việc làm hay mất người thân, nhưng chủ yếu là liên quan đến tiền sử trầm cảm.
Các kết quả khoa học cũng kịch liệt công kích ý tưởng cho rằng tuổi trung niên là thời kỳ u ám về tâm lý. Dù cho sự hài lòng về cuộc sống phải đi qua một khúc quanh hình chữ U, nhưng hầu hết những đổi thay trong thời kỳ trung niên là tích cực.
Lấy một ví dụ: thay đổi tính cách. Một nghiên cứu dài hạn trên hàng ngàn người Mỹ tuổi từ 41 đến 50 cho thấy càng cao tuổi hơn, họ ít bị rối loạn thần kinh và ít phức cảm hơn. Những thay đổi tính cách này không có liên quan gì đến những khó khăn đã trải qua trong tuổi trưởng thành: chuẩn mực thực tế là sức bền chứ không phải khủng hoảng.
Một nghiên cứu khác theo dõi nhóm phụ nữ tuổi từ 43 đến 52 chứng minh rằng càng có tuổi, họ càng có xu hướng trở nên ít phụ thuộc hơn, ít tự phê phán hơn, tự tin hơn, có trách nhiệm hơn và quyết đoán hơn. Không có mối liên hệ nào giữa những thay đổi này và thời kỳ mãn kinh hay hội chứng tổ rỗng, được chứng minh.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh điều tương tự. Nói chung, những thay đổi xảy ra trong thời kỳ trung niên là tích cực. Tính cách trở nên ổn định và khoan dung hơn với chính bản thân, trong khi mức độ cảm xúc tích cực tăng dần đều đều trong suốt thời gian tồn tài.
Ngay cả những cuộc khủng hoảng tuổi trung niên tự thừa nhận cũng có thể có mặt tích cực. Một nghiên cứu ghi nhận những người càng trải qua khủng hoảng, họ càng đồng cảm với người khác. Do đó, có thể không có gì đáng ngạc nhiên khi được hỏi họ thích giai đoạn nào nhất của cuộc đời, họ đã đáp rằng đó là thời kỳ trung niên.
Thách thức đã chạy trốn tuổi trung niên bằng cách tìm lại sự hài lòng với cuộc sống, như trường hợp của đa số người. Một lần nữa, Victor Hugo đã giải thích rất rõ: “Khi nét duyên dáng pha trộn với nếp nhăn, nó càng đẹp hơn”.