Theo các số liệu do Eurostat (Cơ quan Thống kê châu Âu) công bố thì trong quý IV-2015, tỷ lệ tăng trưởng của 28 nước châu Âu tăng hơn 0,3% so với quý III, đưa tỷ lệ tăng trưởng chung của cả năm là 1,8%. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng của 19 nước thuộc khu vực đồng euro (eurozone) chỉ là 1,5%. Trong lúc giá dầu còn ở mức thấp, tình trạng giảm phát đang diễn ra ở mức 0,2% vào tháng 2-2016 có thể làm tổn hại các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro. Tại 19 nước này, giảm phát khiến cho giá cả sụt giảm, người tiêu dùng ngưng mua hàng vì tin rằng giá cả còn tiếp tục xuống nữa. Điều này tác động mạnh lên hoạt động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với trách nhiệm phải giữ mức lạm phát ở khoảng 2%. Tháng 3 vừa qua, tỷ lệ lạm phát chỉở mức 0,9%, hơi cao hơn tháng 2 (0,8%), nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức giao cho ECB (gần 2%). Trong những ngày đầu tháng 3-2016, ngân hàng này đã đề ra biện pháp cứu vãn nền kinh tế khu vực đồng euro là giảm lãi suất từ 0,05%/năm xuống còn 0%/năm và cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngân hàng từ -0,3% xuống -0,4%, đồng thời mở rộng chương trình nới lỏng định lượng bằng cách tung thêm tiền vào nền kinh tế EU từ 60 đến 80 tỉ euro/tháng.
Tuy vậy, những biện pháp của ECB cũng không làm sáng sủa hơn những dự báo được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra gần đây, theo đó trong năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế 19 nước thuộc khu vực đồng euro chỉ còn 1,7% thay vì 1,8% như đã dự báo vào tháng 11-2015. Theo Phó chủ tịch EC là Valdis Dombrovskis, mức tăng trưởng của châu Âu đang phải đối đầu với những làn gió ngược chiều, từ mức phát triển chậm của những nền kinh tế đang lên như Trung Quốc, đến một nền thương mại toàn cầu suy yếu và những căng thẳng về địa chính trịở nhiều nước lân cận châu Âu. Do đó, cũng theo ông Dombrovskis, điều quan trọng là cần phải tiếp tục cải tổ cơ cấu để giúp cho các nền kinh tế EU tăng trưởng, đối phó với những biến động trong tương lai và tăng cường khả năng tìm kiếm công ăn việc làm cho người dân của khu vực này.
Lê Cẩn theo BBC, Telegraph… (DNSGCT)