Đến hẹn lại lên, bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối tháng 3 vừa qua đã ghi nhận sự tiến bộ của nhiều địa phương đứng ở các vị trí hàng đầu, nhờ những sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành quản lý hỗ trợ doanh nghiệp.
Đây là kết quả tổng hợp thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh thành và gần 1.600 doanh nghiệp FDI tại 14 tỉnh thành trên cả nước.
Đà Nẵng, thành phố hơn 1 triệu dân, nơi hoạt động kinh tế thuộc vào hàng năng động, được đánh giá vượt trội nhất khi năm thứ ba liên tiếp đứng vững ngôi đầu bảng với số điểm 68,34 và cũng là lần thứ sáu dẫn đầu cả nước, kể từ khi Chỉ số năng lực cạnh tranh được công bố lần đầu tiên cách đây 10 năm.
Đồng Tháp xếp ở vị trí thứ hai sau Đà Nẵng với 66,39 điểm và Quảng Ninh ở vị trí thứ ba với 65,75 điểm, là những địa phương có nhiều tiến bộ trong việc đổi mới chất lượng điều hành.
Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm) – vốn là những tỉnh thành từng đạt được kết quả tốt trong PCI những năm trước, nay vẫn còn giữ được “phong độ”.
Trong số 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 còn có TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa. Những địa phương này đều nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh.
Đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm 2015 lần lượt là các tỉnh Lai Châu, Hà Giang và Đắk Nông vẫn chưa vươn lên được so với các năm trước.
Đáng chú ý là trong khi TP. Hồ Chí Minh nằm ở vị trí thứ 6 thì Hà Nội chỉ cải thiện được hai bậc, xếp ở vị trí 24 với 59 điểm. Một số địa phương được kỳ vọng nhưng vẫn có kết quả thấp như Nghệ An, Hưng Yên, Bình Dương (những năm đầu công bố chỉ tiêu thường ở vị trí cao), Hà Tĩnh, Hải Dương… đều lận đận ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do đó, sự năng động, tiên phong và mẫn cán của bộ máy công chức địa phương đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh thành tiếp tục xu hướng cải thiện, nhất là về thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến, cùng với môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là một trở ngại chính.
Về môi trường kinh doanh, điều tra PCI 2015 cũng ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc: quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng cao, khoảng 16,5 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của mười năm trước.
Một đánh giá tích cực khác là tình hình thu hút lao động, ít nhất 12% doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động, tăng gấp đôi so với 2012. Năm 2015, gần một nửa doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, mức cao nhất trong vòng năm năm qua.
Điều chưa phấn khởi thuộc về doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 90% doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và tạo 51% việc làm) khi kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp này chưa có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường tốt, phần lớn vẫn quẩn quanh trong thị trường nội địa và kết quả kinh doanh tương đối ảm đạm.
Những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực vốn, đất đai, cập nhật thông tin về pháp luật… trong khi lại phải chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp.
Điều tra PCI 2015 cũng cho thấy mức độ nhận biết và ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên so với điều tra 2014. Tỷ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% lên 78% và mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước có mức độ nhận biết về TPP thấp hơn các doanh nghiệp FDI.
Trong lúc năng lực cạnh tranh trong nước tăng cao thì cạnh tranh ở nước ngoài của chúng ta rất đáng lo. Cụ thể là gạo Việt Nam hiện thua Lào, Campuchia, chỉ xuất đi Trung Quốc là chủ yếu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm 2016 đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là chất lượng và định vị cho thương hiệu gạo Việt Nam. Ngoài Thái Lan, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Campuchia, Myanmar.
Được biết, năm 2015 gạo Việt Nam chiếm trên 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc nhưng tại các siêu thị, cửa hàng lại không tìm ra gạo mang thương hiệu Việt. Trong khi đó, gạo Campuchia lại chễm chệ trên các quầy hàng.
Gần 30 năm xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới. Cùng đó, chè, cà phê, hạt tiêu… là những mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhưng vị thế cũng tương tự.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng, nhận xét hiện nay gạo Việt Nam đang thua Lào, Campuchia về chất lượng và giá cả. Theo ông, Campuchia dùng giống lúa mùa, 1 hécta thu được 1,5-2 tấn gạo, còn chúng ta 1 hécta trồng hai vụ nên có thể đạt 8 tấn gạo nhưng thua họ về giá bán. Gạo Campuchia bán giá 900 USD/tấn, còn gạo Việt Nam chỉ 500 USD/tấn gạo.
Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung vào phân đoạn gạo cấp thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Gạo Việt mập mờ trên thị trường Trung Quốc vì bán theo đường tiểu ngạch. Các doanh nghiệp được quyền xuất khẩu thường mua qua thương lái và không thể truy nguyên xuất xứ. Thương lái thu gom từ nhiều nơi, nhiều loại giống, đem đi chế biến, xuất khẩu nên gạo Việt Nam xuất đi pha tạp, không có tên, không có thương hiệu, không nói rõ đây là loại gạo gì.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhà nước nên khá thụ động, chủ yếu xuất các loại gạo tẻ có chất lượng thấp. Với cách làm như hiện nay thì người nông dân với 5-7 công đất nhỏ lẻ không thể làm thương hiệu được. Muốn có thương hiệu phải xây chuỗi giá trị, từ trang trại đến bàn ăn, phải có hai yếu tố là nông dân lớn và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đóng vai trò nhạc trưởng, tổ chức lại sản xuất của nông dân như cung cấp giống, ký hợp đồng mua gạo và yêu cầu nông dân thực hiện đúng quy trình, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Gia Minh (DNSGCT)