Từ ngày 26-8, tại Bảo tàng Tate ở London diễn ra một triển lãm hết sức đặc biệt với tên gọi “Tate Sensorium” (tạm dịch “cảm nhận ngũ giác ở Tate”) nhằm trả lời một câu hỏi đã được đặt ra lâu nay: “Liệu thị giác, vị giác, xúc giác, khứu giác và thính giác có làm thay đổi trải nghiệm của chúng ta về nghệ thuật?”.
Dự án mỹ thuật này sẽ dẫn dắt người tham dự đi vào một chuyến du hành với đa giác quan, được gợi ý từ bốn bức tranh trong sưu tập của Bảo tàng Tate, đó là bức Nhân vật giữa một phong cảnh của Francis Bacon (vẽ năm 1945), Nội thất II của Richard Hamilton (1964), Trong thành lũy của David Bomberg (1913) và bức Dấu chấm của John Latham (1961). Bằng cách tạo âm thanh 3D – kết hợp âm thanh nổi và âm thanh định hướng, công nghệ tiếp xúc bằng xúc giác mà không cần sự va chạm nhờ ứng dụng máy tính (touchless haptics technology) nhằm tạo ra ấn tượng về sự tiếp xúc trực tiếp và đi cùng là một hệ thống phát ra mùi hương tự nhiên sống động và một món ăn nhằm kích thích sự trải nghiệm vị giác, tất cả nhằm khởi động một quá trình cả về hồi ức lẫn sự tưởng tượng nơi người xem tranh, từ đó thiết lập một cách tiếp cận mới với tác phẩm, để thấu hiểu tác phẩm.
Dự án Tate Sensorium được hình thành từ một công trình nghiên cứu của ba tác giả, một người là bậc thầy làm sô-cô-la, một người là chuyên gia về hương thơm và người còn lại là chuyên gia về âm thanh. Công trình đã nhận được giải thưởng IK 2015 – một giải thưởng được Bảo tàng Tate trao hằng năm cho các ý tưởng sử dụng công nghệ mang tính phát minh nhằm giúp công chúng đến với bảo tàng có thể khám phá và thưởng thức những tác phẩm ở đây theo những cách mới mẻ. Ông Tony Guillan, người phụ trách giải thưởng IK nói: “Theo ý tưởng đó, các giác quan của chúng ta cùng hoạt động, không tách rời nhau. Khi vẽ, các họa sĩ hiển nhiên dùng các phương tiện thị giác, song có lẽ họ còn lấy cảm hứng từ nhiều thứ không thuộc về thị giác.Francis Bacon chẳng hạn, có lẽ ông lấy cảm hứng từ những gì mình nghe, nếm hay tiếp xúc”. Với bức Nội thất II của Richard Hamilton, Tony Guillan phân tích: “Ở bức tranh này, chúng ta đang nô đùa với mùi hương; đó là một bức tranh dán giấy thể hiện một nhân vật nữ, một diễn viên của thập niên 1940, và chúng ta tái tạo hương thơm của thời kỳ đó”. Còn với bức Trong thành lũy của David Bomberg, Tony Guillan dẫn giải: “Dù là tranh trừu tượng nhưng tên tác phẩm thì cụ thể, tác giả vẽ một xưởng đóng tàu ngay trước Thế chiến I. Mùi hương và âm thanh (khi xem bức tranh này) sẽ giúp ta gợi nhớ mùi hương và thanh âm của xưởng đóng tàu lúc đó”.
Triển lãm Tate Sensorium – lần đầu tiên dạng này trên thế giới – sẽ kéo dài đến 20-9-2015.
- Lê Bản