Họ đều là những giảng viên đại học như: TS Lê Quang Nguyên, TS Tạ Văn Quang, ThS Phan Quốc Tâm, ThS Nguyễn Thị Ngọc Tuyết… (gọi chung là nhóm Gen-Viet), nhiều năm quen với công việc ở giảng đường và phòng thí nghiệm. Nhưng vì không muốn các công trình khoa học bị “đắp chiếu”, họ đã không ngại trực tiếp cuốc đất trồng rau, phủ xanh hàng chục hécta đất đồi để ứng dụng các nghiên cứu về công nghệ sinh học vào thực tế.
Tiếc nguồn tài nguyên bị lãng phí
Qua tiếp xúc nhiều với khoa học công nghệ từ các hội thảo khoa học quốc tế, các đề tài nghiên cứu khoa học ở trường hay các đề tài nghiên cứu của đồng nghiệp ở các viện, trường khác, các thành viên của Gen-Viet đều nhận thấy một sự lãng phí rất lớn khi hầu hết các đề tài được nghiên cứu xong thì đều “cất” vào thư viện hoặc làm tài liệu cho các nghiên cứu tiếp theo. Có rất ít đề tài được đưa ra ứng dụng, chuyển giao sản xuất ra sản phẩm trong khi nhu cầu thị trường của chúng ta là rất lớn. Vì vậy, nhóm đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Công nghệ Gen-Viet Tất Thành, mang khoa học ứng dụng vào đời sống, để từ đó sản xuất ra những sản phẩm Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Sản phẩm thành công nhất của Gen-Viet hiện nay là trà khổ qua Karantina, một loại trà hỗn hợp, có đắng, có cay, nhưng có cả ngọt bùi và thơm ngon hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, thành viên sáng lập của Gen-Viet, chia sẻ: “Tôi vốn đã biết về lợi ích của khổ qua từ những kinh nghiệm dân gian. Nhiều tác dụng đối với sức khỏe bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, kháng virus, ngừa ung thư hay giải độc gan đều đã có công trình nghiên cứu khoa học thế giới chứng minh. Hơn nữa, có một sự trùng hợp thú vị là chồng tôi cũng có thời gian dài nghiên cứu lai tạo giống khổ qua nên tôi gần như bị “ám ảnh” bởi loại cây leo độc đáo này. Thuận lợi hơn là khổ qua khá phổ biến và dễ trồng tại Việt Nam, mà lại rất đắt đỏ tại các nước ôn đới”.
Quả khổ qua vốn có vị đắng khó ăn. Các thành viên của Gen-Viet đã cùng nhau ngày đêm túc trực ở phòng thí nghiệm cải tiến công thức, thêm vào lá bạc hà để có vị cay ấm, thêm vào lá cỏ ngọt để làm dịu vị đắng, sấy khô rồi sấy lạnh, cân đo tỷ lệ từng nguyên vật liệu để ra một công thức hoàn hảo. Nhóm đã mất hàng năm trời để lựa chọn các loài thảo mộc phù hợp, để tối ưu hóa các quy trình trồng trọt, thu hái, xử lý, chế biến nguyên liệu cũng như mất rất nhiều thời gian để xác định được công thức giúp tạo ra sản phẩm với hương vị và tác dụng hiệu quả như hiện tại. Trong suốt ba năm nghiên cứu ròng rã, họ đã phải đổ bỏ không biết bao nhiêu lần, viết nhật ký thí nghiệm hết vài cuốn sổ tay và do đó cũng đã tiêu tốn hết rất nhiều tiền của công ty.
Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, họ quyết định tự trồng khổ qua, lá bạc hà và cỏ ngọt. Mong muốn xây dựng một công ty mà các sản phẩm cũng như dịch vụ đều đạt chất lượng cao và được thế giới chấp nhận, Gen-Viet đã chọn GlobalGAP là tiêu chuẩn cho nguyên liệu đầu vào mà công ty cần phải đạt đến và được công nhận. Do đã đặt ra mục tiêu rõ ràng, nên phần còn lại chỉ là tìm hiểu, học hỏi, thực hiện và hoàn thiện quy trình và nộp hồ sơ để được đánh giá và công nhận.
Không ít người nghĩ rằng thực phẩm chức năng là cuộc chơi của những nước giàu. Việt Nam chỉ nên xuất khẩu nguyên liệu thô qua cho nước ngoài họ làm, rồi nhập lại thành phẩm. Nhưng Gen-Viet không nghĩ như vậy. Việt Nam có lợi thế rất lớn về cây cỏ mang tính dược, chúng ta cũng có rất nhiều nhà khoa học được đào tạo bài bản, có năng lực nghiên cứu về dược liệu cũng như bào chế hay công nghiệp dược. Hiện nay, chúng ta cũng không còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với hệ thống, dây chuyền và thiết bị sản xuất hiện đại trên thế giới thông qua việc mở cửa giao thương, thông qua các hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học hay chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Gen-Viet tin rằng Việt Nam vẫn có thể nghiên cứu và sản xuất được các sản phẩm tốt cho sức khỏe với chất lượng hoàn toàn ngang tầm với các nước trên thế giới. Việc xuất khẩu nguyên liệu thô qua nước ngoài rồi lại nhập lại thành phẩm sẽ không tạo ra giá trị gia tăng cao cho Việt Nam.
“Khổ” rồi sẽ “qua”…
Chị Ngọc Tuyết và bảy thành viên đầu tiên của Gen-Viet đều là những người trẻ thuộc thế hệ 8X khởi nghiệp với số vốn ít ỏi. Sản phẩm ban đầu là rượu vang làm từ vỏ quả khổ qua chín chưa thành công, vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu tại công ty. Liên tiếp một số công trình khác ứng dụng sản xuất cũng chưa cho ra thành phẩm sau đó. Nhưng họ không nản chí. “Với nghiên cứu khoa học, bạn cần có kiến thức, đam mê, nhưng đôi khi bạn cần có cả may mắn. Nhiều nghiên cứu chưa thành công là do chưa đủ thời gian và cũng như nhiều nghiên cứu chưa có duyên may. Rượu vang từ khổ qua có thể là chúng tôi chưa phân lập được đúng chủng vi sinh lên men phù hợp nên đến giờ vẫn chưa thành công”. Đáng mừng nhất là “có công mài sắt” nên cuối cùng trà khổ qua Karantina cũng trở thành sản phẩm hoàn chỉnh, mặc dù vẫn… chưa bán được nhiều.
Để lấy ngắn nuôi dài, Gen-Viet kinh doanh dịch vụ khảo sát, chọn giống, hướng dẫn cách sử dụng các chế phẩm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp cây con… Họ còn nhận các đơn hàng trồng nông sản tươi cho đối tác phục vụ nhu cầu xuất khẩu hay cung cấp cho hệ thống siêu thị, các showroom rau sạch… Là những người đã thành danh từ giảng đường, từ phòng thí nghiệm; các cử nhân sinh học, thạc sĩ, tiến sĩ bước ra cuộc sống thực tế cuốc đất trồng rau như những nông dân thực thụ. Với những hiểu biết về tiêu chuẩn GlobalGAP, các bạn tiến hành trồng rau sạch, xà lách, bầu bí, dưa leo, cà chua… phủ xanh cả chục hécta đất xung quanh nhà máy và bán sản phẩm này để duy trì hoạt động công ty, tái đầu tư vào những hộp trà khổ qua. Có những lúc, nhóm tổ chức sản xuất gần 15ha rau quả sạch cho cả nhu cầu xuất khẩu và nội địa. Một thành viên trong nhóm nhớ lại: “Sau hơn ba năm lập nghiệp từ gian nan, vất vả, nhiều thứ chưa đạt đến thành phẩm cuối cùng đã giúp chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm quý giá từ thực tế. Từ cách tiết kiệm chi phí cho đến việc nâng cao năng suất sản xuất, quản trị đồng vốn… Chúng tôi tưởng như mình đã hoàn thành khối lượng công việc tính bằng mười năm của một doanh nghiệp ổn định khác”.
Hiện nay thì khổ vẫn chưa qua hết, nhưng đủ cho nhóm Gen-Viet tin rằng khởi nghiệp là lộ trình tất yếu của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhất là những người nắm trong tay khoa học và công nghệ cũng như xây dựng được lối đi riêng trong một thế giới phẳng. Bài học từ Israel cho thấy, một vùng đất sa mạc khô cằn, điều kiện tự nhiên không hề thuận lợi vẫn có thể là một quốc gia giàu mạnh nhờ tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Việt Nam với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng tiến sĩ, thạc sĩ hiện có hẳn sẽ làm nên những bước phát triển bất ngờ nếu biết chấp nhận thất bại để thành công.
Thanh Nhã (DNSGCT)