Mua Metro và Family Mart, BJC đang cùng với Central thực hiện những bước chắc chắn để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam!
Bước chắc chắn của BJC
Từ giữa tháng 8-2014, mười chín trung tâm bán sỉ và danh mục bất động sản liên quan của Metro Việt Nam đã được Tập đoàn Metro “trao” cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd. Với giá chuyển nhượng 655 triệu euro (869 triệu USD), đến giữa năm 2015, mọi hoạt động của Metro Việt Nam sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho BJC. Đây thật sự là thương vụ “sốc” nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam mấy năm qua.
Theo các chuyên gia, bằng việc mua lại Metro Việt Nam, BJC có những bước chắc chắn để xâm nhập và xác định vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ vốn được đánh giá là rất tiềm năng của Việt Nam. Điều này là hoàn toàn có cơ sở vì trước Metro, tập đoàn này cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng Family Mart – một liên doanh của Tập đoàn Phú Thái với Nhật khi phía đối tác này rút khỏi Việt Nam. Ngay khi mua Family Mart, BJC đã nhanh chóng đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này theo thương hiệu của mình là B’s mart.
Với việc mua lại Metro và Family Mart, BJC đã có hai loại hình bán lẻ là phân phối sỉ và cửa hàng tiện lợi. Tuy chưa có đầy đủ các loại hình mua sắm hiện đại (bán sỉ, bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) nhưng với hệ thống 40 cửa hàng Family Mart và 19 trung tâm bán sỉ của Metro, BJC đã tạo được thế mạnh trước các đối thủ khác.
Và đây cũng chính là lợi thế để nhà đầu tư bán lẻ Thái vươn lên trong thị trường phân phối hiện đại. Chưa biết, sau Metro và Family Mart, những thương hiệu nào sẽ nằm trong tầm ngắm của BJC? Theo phân tích của một nhà bán lẻ trong nước, nếu muốn chiếm thị phần chi phối, nhà đầu tư phải có đầy đủ các loại hình, từ bán lẻ, bán sỉ cho đến cửa hàng tiện lợi và một mạng lưới với số lượng lớn để chiếm kênh phân phối. Tham vọng của nhà đầu tư này là mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam là “điểm đến” lý tưởng nhất.
Không chỉ có BJC, một thương hiệu bán lẻ lớn khác của Thái là Central cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc ra mắt trung tâm thương mại Robins tại Hà Nội trong tháng 4 vừa qua. Không dừng lại ở một trung tâm, Central đang thực hiện các công đoạn cần thiết để khai trương trung tâm thứ hai tại TP.HCM vào tháng 11 tới.
Theo ông Tos Chirativat, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Central Group, với 90 triệu dân, trong đó, hơn 60% thuộc về lực lượng lao động với sức mua cao, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ. Và Robins sẽ mang đến hàng ngàn mặt hàng chất lượng được tuyển chọn kỹ từ các thương hiệu hàng đầu của Thái.
Thực ra, cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ Thái đã được dự báo từ năm 2009, khi Việt Nam cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phân phối hàng hóa tại thị trường trong nước. Và đến nay, làn sóng này càng phát triển mạnh mẽ hơn vì đến năm 2015 Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ và cộng đồng kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực. Đón đầu các cơ hội này, các nhà kinh doanh muốn xây dựng Việt Nam thành trung tâm, làm bàn đạp tốt để phát triển ra những thị trường lân cận.
Và làn sóng đầu tư châu Á
Cùng với tham vọng của nhà đầu tư Thái, các nhà đầu tư bán lẻ các nước châu Á cũng đã đổ bộ vào Việt Nam. Gần như tất cả các tên tuổi lớn của ngành bán lẻ ở châu lục này đã hiện diện ở đây. Đầu năm 2014, Aeon – nhà đầu tư đến từ Nhật đã mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP.HCM với vốn đầu tư 100 triệu USD.
Ngay sau khi ra mắt trung tâm này, tập đoàn Aeon chuẩn bị cho sự ra đời của trung tâm thứ hai tại Bình Dương vào cuối năm. Chưa dừng lại ở đó, tham vọng bành trướng ngành bán lẻ Việt Nam của Aeon càng chắc chắn hơn khi tháng 4 vừa qua nhà đầu tư này đã khởi công xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 tại quận Long Biên, Hà Nội. Chiến lược của Aeon là mở rộng hệ thống lên đến 20 điểm bán vào năm 2020 với vốn đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD.
Cùng với Aeon, từ đầu năm đến nay, Lotte Mart, đại gia đến từ Hàn Quốc đã liên tiếp khởi công xây dựng và khai trương một loạt các đại siêu thị tại Bình Dương, Bình Thuận, Hà Nội. Theo ông Hong Won Sil, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam, mục tiêu của Lotte là sẽ khai trương 60 trung tâm thương mại đến năm 2020.
Bên cạnh việc mở chuỗi siêu thị, Lotte còn đầu tư xây dựng “Khu phức hợp thông minh” gồm trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng và căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Dự án có mức đầu tư khoảng 2 tỉ USD, sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết trong năm nay và sẽ triển khai nhiều giai đoạn phù hợp theo hạ tầng cơ sở của Thủ Thiêm. Không những thế, Lotte còn đẩy mạnh việc mua lại các khách sạn, trung tâm thương mại sẵn có tại Việt Nam để cụ thể hóa con số 60 đại siêu thị đồng thời với việc phát triển theo hướng đa phong cách, mua sắm kết hợp giải trí nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Trước đó, Parkson – nhà bán lẻ đến từ Malaysia cũng đã mở đến chín trung tâm mua sắm tại Việt Nam. Theo kế hoạch của Parkson, trong năm 2014, sẽ có 10 trung tâm mới được mở ra ở Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Trong khi đó, một nhà bán lẻ khác đến từ Nhật Bản là Zen (thương hiệu Zen Plaza) cũng hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay. Zen không có ý định mở rộng mạng lưới nhưng liên tục cải tạo cơ sở vật chất để thu hút khách hàng. Thương hiệu cửa hàng đồng giá Nhật Bản là Daiso cũng liên tiếp khai trương hệ thống và hiện đã có bảy cửa hàng tại Việt Nam.
Công bố của Công ty Tư vấn AT Kearney (Mỹ) vào cuối năm 2013 cho thấy, dù Việt Nam lọt khỏi top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á (với 23%), vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%). Công bố này cũng trùng với báo cáo về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014” của CBRE mới đây.
Việt Nam hiện là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu tăng cao. Sau thời gian dài trụ ở top 5, bán lẻ đã quay trở lại là ngành đầu tư hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Với dân số trẻ, mức thu nhập sau thuế tăng trưởng đang là những yếu tố hấp dẫn của thị trường này. Đây là những lý do khiến ngành bán lẻ Việt Nam có thêm những tên tuổi mới đến từ châu Á.
Theo giới kinh doanh, sự góp mặt của các nhà đầu tư trong khu vực sẽ tạo một áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi hiện nay, mặc dù các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 6 – 7% số lượng tại các điểm bán như các trung tâm thương mại, khu mua sắm, siêu thị… nhưng mỗi tập đoàn lại có doanh thu lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam.
Với tiềm lực kinh tế mạnh, trung bình mỗi điểm đầu tư mới họ đều có quy mô gấp ba, bốn lần các siêu thị trong nước. Hơn nữa, kinh nghiệm hàng trăm năm kinh doanh, mối quan hệ với các đối tác trong lĩnh vực bán lẻ, các thương hiệu ngoại có lợi thế hơn rất nhiều trong cuộc chiến giành thị phần. Trong đó, các nhà bán lẻ Thái Lan mặc dù mới “gia nhập thị trường” nhưng lại là một đối thủ đáng gờm cho các doanh nghiệp trong nước!