Người bệnh rất cần nghỉ ngơi để sớm hồi phục sức khỏe. Nhưng nếu điều kiện cho phép thì không nên nằm nhiều mà hãy đứng dậy đi lại, vận động.
Nằm quá nhiều có thể gây những tác động tiêu cực lên cơ thể bệnh nhân.
Cơ thể con người được tạo ra để di chuyển. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo sau những ngày nằm liệt giường, bệnh nhân nên tìm cách vận động khi sức khỏe đã cho phép. Nếu lười vận động và nằm quá lâu, cơ thể người bệnh sẽ chịu những tác động sau:
Cơ xương
Chức năng cơ xương sẽ ở trạng thái tốt nhất khi chống đỡ toàn bộ cơ thể ở tư thế đứng thẳng. Các cơ ở cổ, lưng, đùi, bụng dưới, mông và bắp chuối có vai trò đặc biệt cho mục đích này. Nếu nằm quá nhiều trên giường bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhóm cơ trên.
Khi không vận động, cơ sẽ bị yếu và teo lại. Sức mạnh cơ sẽ giảm từ 20 đến 30% sau khi nằm trên giường bệnh chỉ 1 tuần. Thế nhưng, để hồi phục lại như bình thường thì mất rất nhiều thời gian.
Nằm trên gường nhiều cũng làm giảm mật độ xương, ảnh hưởng đến cấu trúc thần kinh, khiến cơ thể khó giữ thằng bằng và dễ bị té, theo Health24.
Tim và máu huyết
Giống như hệ cơ, hệ tim mạch hoạt động tốt nhất trong tư thế đứng thẳng. Sau vài ngày nằm trên giường bệnh, máu huyết lưu thông không đều khiến người bệnh có thể chóng mặt, té ngã khi đứng dậy.
Nằm nhiều cũng khiến tim bơm máu yếu hơn, làm giảm lượng máu bơm khắp cơ thể, từ đó làm giảm lượng ô xy mà cơ thể hấp thụ. Ngoài ra, máu cũng sẽ đặc hơn, làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, đặc biệt là ở chân và phổi.
Phổi và máu huyết
Nằm lâu trên giường sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm phổi và xẹp phổi. Cơ không hoạt động nên sẽ không bài tiết chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, các chất lỏng này có xu hướng tích tụ nhiều hơn trong phổi, theo Health24.
Tư thế nằm thẳng khiến phổi không thể mở rộng tối đa khi thở, trong khi máu sẽ tích tụ nhiều ở vùng ngực khi nằm một chỗ lâu. Tình trạng này làm giảm dung tích phổi. Hơi thở sẽ nông hơn dẫn đến sự trao đổi ô xy và carbon dioxide kém hơn. Vì cơ bụng và cơ ngực yếu nên ho sẽ không đủ mạch để tống hết chất nhầy bên trong, dễ gây tích tụ chất nhầy trong phổi.
Tiêu hóa và bài tiết
Chứng táo bón rất hay xuất hiện ở những bệnh nhân nằm nhiều trên giường. Nguyên nhân là do ruột hoạt động ít lại, lượng nước uống vào giảm và ruột không thể tống hết chất thải ra ngoài.
Nằm nhiều cũng khiến tiểu tiện gặp vấn đề. Bàng quang khó tống hết nước tiểu ra ngoài. Việc đọng lại nước tiểu trong bàng quang làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thần kinh
Nằm một chỗ quá lâu kết hợp với những căng thẳng, lo lắng do bệnh tật gây ra sẽ làm tăng rủi ro mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…
Những nguy cơ này hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng cách vận động. Nó có hiệu quả ngay cả khi bệnh nhân chỉ đi được vài bước. Thậm chí, một số bài tập vẫn có thể thực hiện được khi nằm, theo Health24.
– Theo ThanhnienOnline