Những nhà nghiên cứu tại các quốc gia có thu nhập thấp đang đối diện với nhiều trở ngại. Họ đã làm thế nào để vượt qua được những khó khăn về tài chính cũng như các phương tiện hạn chế? Một tầm nhìn bao quát về vấn đề cũng như những hệ lụy kèm theo của nó.
Kathleen Wang đi từ Mỹ sang châu Phi. Wang là nhà sinh vật học nghiên cứu ADN, mang theo các hướng dẫn đã được mã hóa để nói với các tế bào biết phải làm gì.
Cô muốn biết sự khác biệt về di truyền có thể liên quan đến chứng bệnh như thế nào ở thận, một cơ quan phụ trách lọc các chất thải ra khỏi máu.
Các nhà khoa học đã không thể nghiên cứu nhiều về những mối liên kết này nơi cơ thể những người sống bên ngoài châu Âu hay Hoa Kỳ.
Wang bắt đầu làm việc ở Tây Phi. Phòng thí nghiệm của cô thuộc Viện Nghiên cứu y học Noguchi Memorial ở Accra, thủ đô của Ghana. Accra là một thành phố hiện đại và viện có thiết bị tiên tiến. Các nhà khoa học khác cũng rất giỏi.
Tuy nhiên, Wang lại gặp phải những vấn đề. Cô cho biết: “Vấn đề không phải ở chỗ thiếu niềm đam mê hay kiến thức khoa học. Nhưng vấn đề là các nguồn cung cấp”.
Wang cần một hóa chất tên là bisacrylamide. Hóa chất này được sử dụng trong các thí nghiệm để xác định các đoạn ADN cụ thể trong một mẫu, chẳng hạn như máu của một bệnh nhân.
Tại Mỹ, Wang có thể đặt mua một chai với giá khoảng 100 USD. Chỉ trong hai ngày, cô đã nhận được nó, nên chẳng bao giờ phải lo chạy ra ngoài.
Nhưng ở Ghana, mọi thứ đều khác. Mới đây, Viện đã đặt mua bisacrylamide, một chai giá khoảng 1.000 USD. Nhưng phải mất nửa năm mới có được. Lý do là hóa chất này được sản xuất tại Mỹ. Người ta tính nhiều phí chuyên chở nó đến Ghana.
Thêm nữa, các nhà nghiên cứu đã phải mua hầu hết các nguồn cung cấp thông qua một công ty châu Phi thay vì đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất Mỹ và công ty châu Phi tính giá cao.
Wang phải tìm ra cách giải quyết. Viện không có đủ hóa chất cho các thí nghiệm của cô. Cô đối diện với một tình huống khó xử: “Đó là một thử thách để có được những gì bạn cần. Loại rào cản này thực sự làm trì hoãn tiến trình”.
Wang đã gặp một rào cản mà các nhà khoa học trên khắp thế giới phải đối phó với chúng hằng ngày. Ở các quốc gia giàu, chẳng hạn như Mỹ, việc tiến hành nghiên cứu dễ dàng hơn nhiều. Nhưng nhiều quốc gia không có nhiều tiền. Các quốc gia này được gọi là các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Phần lớn các chính phủ không chi nhiều tiền cho nghiên cứu khoa học. Các phòng thí ngihệm thường thiếu thốn các trang thiết bị. Hoặc các nhà nghiên cứu có thể gặp vấn đề khi tìm hóa chất để thí nghiệm. Các hóa chất này được gọi là những thuốc thử.
“Nếu tôi ở Mỹ và trong đêm tôi nằm mơ về một thử nghiệm, ngày hôm sau hoặc chỉ trong 48 giờ tôi có thể lấy được thuốc thử và thử nghiệm ý tưởng của mình”, Abdoulaye Djimdé nói. Ông chuyên nghiên cứu gien trong các sinh vật được gọi là ký sinh trùng.
Djimdé làm việc tại Đại học Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Bamako ở Mali, một quốc gia khác ở Tây Phi. “Nếu tôi cũng có một giấc mơ như vậy ở châu Phi, tôi phải chờ đợi ba tháng mới có thể có được mọi thứ để thử nghiệm”.
Đó không phải là những sự cố duy nhất. Ở một số khu vực, internet không ổn định hoặc khó truy cập. Điều đó làm cho việc giao tiếp với các nhà khoa học với nhau trên toàn thế giới trở nên khó khăn hơn khi cần thu thập dữ liệu.
Một số trường đại học không có khả năng đăng ký các tạp chí nơi những nhà khoa học công bố các kết quả. Nếu các nhà nghiên cứu không được đọc những tạp chí này, họ có nguy cơ lặp lại những gì người khác đã làm rồi.
Các quốc gia có tài chính eo hẹp rất tuyệt vọng khi họ cần có thêm những nghiên cứu khoa học. Ở một số khu vực, người dân có bệnh cần được điều trị bằng những loại thuốc mới hay các nhà nông không thể trồng trọt đủ các thực phẩm dinh dưỡng cùng nhiều vấn đề khác.
Luc Soete là một chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Maastricht ở Hà Lan, ông nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tài chính. Ông tuyên bố: “Đó là một nghịch lý tuyệt đối”. Theo ông, những quốc gia có thể hưởng lợi được nhiều nhất từ khoa học và nghiên cứu chính là những quốc gia đã gặp khó khăn nhất khi thực hiện khoa học và nghiên cứu.
Dần dần mọi người đang tìm kiếm các giải pháp. Các nước giàu đang tài trợ tiền hoặc gửi các thiết bị để trợ giúp khoa học đến các các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Các chương trình mới đang giúp các nhà khoa học trong các lĩnh vực này thực hiện những dự án của họ.
Một khoảng cách to lớn
Sự khác biệt giữa vấn đề tài chính cho những cuộc nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp và các nước có thu nhập cao là rất lớn. Một dữ liệu gần đây đã cho thấy khoảng cách này.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu Soete đã công bố một báo cáo về khoa học trên toàn thế giới. Những nhà nghiên cứu đã tìm hiểu số tiền mà các chính phủ và các công ty chi cho công việc nghiên cứu ở mỗi quốc gia.
Các nước giàu nhất thế giới chiếm 18% dân số thế giới. Nhưng gần 70% chi tiêu toàn cầu dành cho nghiên cứu ở những quốc gia giàu có này. Và họ có 64% trong số các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Ngược lại, 12% dân số thế giới sống ở các nước thu nhập thấp. Nhưng chỉ có 0,3% số tiền nghiên cứu toàn cầu được chi tiêu vào việc đó. Và chỉ có 1% trong số tất cả các nhà nghiên cứu toàn cầu hiện đang sống ở các quốc gia này.
Chảy máu chất xám
Tình trạng thiếu tài chính ở các nước thu nhập thấp gây ra một vấn đề khác. Những quốc gia này có nhiều người tài giỏi muốn trở thành nhà khoa học và kỹ sư.
Thông thường, họ chuyển đến các nước giàu có để lấy bằng tiến sĩ của họ. Nếu sau đó quay về quê nhà, họ sẽ thấy khó khăn hơn khi muốn thực hiện những cuộc nghiên cứu tiên tiến so với khi họ ở trong những quốc gia giàu.
Họ cũng được trả lương thấp hơn nhiều tại quốc gia của họ. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà nghiên cứu không trở về nhà. Quá trình này được gọi là “chảy máu chất xám”.
Một khi các nhà khoa học đã ra đi, họ ít có khả năng làm việc trên các dự án giải quyết các vấn đề ở đất nước của họ.
Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia có thu nhập thấp hơn có ít những nhà nghiên cứu hơn, và sẽ có ít trẻ em được truyền cảm hứng để trở thành những nhà khoa học tương lai.
Darren C. Ong đã thấy được vấn đề này. Anh sống ở Malaysia. Có rất nhiều nhà khoa học và kỹ sư người Malaysia đã chuyển đến sống tại các nước giàu có. Anh nói: “Chúng ta có rất nhiều nhân tài đã bỏ đi.”
Ong là một nhà toán học. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Rice ở Houston, Texas. Nhưng ông không muốn ở lại Mỹ. “Tôi cảm thấy rằng rốt cuộc tôi vẫn muốn trở lại (Malaysia). Tôi cảm thấy mình có thể tạo ra sự khác biệt ở đây nhiều hơn so với lúc tôi ở Hoa Kỳ”.
Anh đã có một công việc tại Đại học Hạ Môn Malaysia ở Sepang. Thêm nữa, anh còn đảm trách dạy các lớp toán. Anh muốn đảm bảo rằng những sinh viên Malaysia có thể có được nền giáo dục tốt đẹp tại đất nước của họ.
Tuy vậy, việc trở về nước đã mang lại cho anh những thử thách. Có rất ít nhà toán học ở Malaysia. Phần lớn những người làm việc trên cùng một chủ đề như Ong sống ở Mỹ hoặc châu Âu. Điều đó sẽ gây khó khăn khi cần nói chuyện với nhiều người về công việc nghiên cứu của mình.
Trao đổi trực tiếp với các nhà toán học khác là điều quan trọng vì nó giúp anh khám phá các kết nối thú vị giữa các ý tưởng. Anh nhận định: “Ở đây chúng tôi hơi bị cô lập”.
Nếu muốn đi dự những cuộc hội thảo ở Mỹ hay châu Âu, những chuyến đi như vậy không hề rẻ. Dù sao, Ong muốn ở lại Malaysia. Anh cho rằng toán học là một lĩnh vực mà các nước thu nhập thấp có thể cạnh tranh ngang hàng với các nước giàu.
Các nhà toán học không cần thiết bị lạ mắt. Anh nói: “Bạn chỉ cần cây bút chì và tờ giấy. Chúng ta có thể sản xuất được nghiên cứu, đó là cấp độ cao nhất trên thế giới”.
Giúp một tay
Một chương trình tên PEER đang giúp các nhà nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, kể cả những người trở về nước của họ.
Dalal Najib nói: “Họ quay trở lại và không nhận được nhiều hỗ trợ”. Najib là một viên chức chương trình lâu năm tại Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia ở Washington D.C, hiện đang điều hành PEER. Đây là chương trình quan hệ đối tác để thúc đẩy tham gia nghiên cứu.
Chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình kết hợp với các nhà khoa học tại Hoa Kỳ. Các đối tác giúp đỡ lẫn nhau, và PEER tài trợ cho các nhà nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp để hoàn thành công việc của họ.