Đó cũng là nội dung lời cảnh báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một tài liệu đề cập đến triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Theo tổ chức này, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc (TQ) sẽ ảnh hưởng bất lợi cho sự hồi phục kinh tế chung, mặt khác các hàng rào mậu dịch sẽ tác động lên đời sống của mỗi gia đình, của hoạt động kinh doanh ở nhiều khu vực trên thế giới.
Hệ quả đầu tiên được ghi nhận từ cuộc xung đột về thương mại Mỹ – Trung là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn 3,7% trong hai năm 2018-2019 thay vì ở mức 3,9% như dự báo của IMF hồi tháng 7-2018. Tình trạng giảm sút này cũng phản ánh sự phát triển chậm của khu vực eurozone, cũng như sự rối loạn của một số nền kinh tế đang lên. Riêng nền kinh tế Venezuela được dự báo là sẽ tiếp tục đà suy thoái từ sáu năm qua, với tỷ lệ lạm phát dự kiến ở mức 10.000.000% (mười triệu phần trăm) trong năm 2019! Argentina vừa nhận một khoản hỗ trợ của IMF, cũng được dự báo là nền kinh tế sẽ đi xuống các năm 2018-2019.
Tuy nhiên, không riêng gì các nước thứ ba, hai nước trực tiếp tham gia cuộc chiến thương mại là Mỹ và TQ cũng không thoát khỏi những hậu quả mà họ đã gây ra. Maurice Obstfeld – chuyên gia kinh tế cao cấp của IMF – khẳng định thế giới sẽ trở nên “nghèo hơn và là nơi có nhiều nguy cơ hơn”, trừ phi các nhà lãnh đạo làm việc với nhau để nâng cao mức sống, cải tiến giáo dục và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội.
Nền kinh tế thế giới sẽ khó nâng mức phát triển nếu chính quyền Washington thực hiện lời đe dọa áp mức thuế suất 25% cho tất cả ôtô nhập khẩu, và cũng từ đó, niềm tin của giới kinh doanh và đầu tư cũng sụt giảm theo. Nếu kịch bản xấu nhất diễn ra, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động đáng kể, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của TQ sẽ xuống dưới mức 5% vào năm 2019, so với dự báo 6,2% gần đây.
Nền kinh tế Anh ước đạt tỷ lệ tăng trưởng 1,4% trong năm 2018 và 1,5% trong năm 2019. IMF tin rằng Brexit sẽ làm thay đổi nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của nước này và một số người lao động Anh sẽ bị mất việc. Trước tình hình đó, chính phủ Anh sẽ phải tái cơ cấu lực lượng lao động trong những ngành công nghiệp có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các rào cản kinh tế sẽ cao hơn sau Brexit.
(Tổng hợp)