Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết các thảm họa tự nhiên do tình trạng biến đổi khí hậu như lũ lụt và dông bão khiến các quốc gia nghèo chịu thiệt hại hàng trăm tỉ USD/năm do cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Theo WB, tình trạng cắt điện, cắt nước và rối loạn giao thông do thời tiết khắc nghiệt cộng thêm sự quản lý và duy tu yếu kém đối với hệ thống cầu đường, trạm điện khiến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chịu thiệt hại 390 tỉ USD (350 tỉ euro)/năm.
Theo dự báo, khoảng 66% dân số thế giới sẽ sống tại các thành thị vào năm 2050, tăng so với mức 55% hiện nay. Trước yêu cầu cần xây dựng thêm nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư đang tập trung vào các dự án ưu tiên, để đảm bảo chống chọi được các cú sốc do khí hậu gây ra trong tương lai.
WB dự báo đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tiêu tốn của các nước đang phát triển khoảng 4.200 tỉ USD trong dài hạn. Trong khi đó, WB ước tính sự gián đoạn về mạng lưới giao thông, cắt nước do thời tiết cực đoan khiến các nước đang phát triển thiệt hại khoảng 18 tỉ USD/năm.
Thiệt hại tập trung tại châu Phi và Đông Nam Á, nơi dân số thành thị gia tăng và thời tiết ẩm ướt đặt ra thách thức ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp tại Tanzania thiệt hại trung bình 668 triệu USD/năm, tương đương 1,8% GDP, do tình trạng cắt điện, cắt nước vào gián đoạn giao thông.