Thống kê mới đây nhất của Tổng cục Du lịch cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1-2017 đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 12,3% so với tháng 12-2016 và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó ngoài khách Trung Quốc tăng 67,9%; khách Nga tăng 36,5% thì khách Tây Âu, Bắc Âu cũng tăng đáng kể: Bỉ tăng 27,6%; Thụy Điển tăng 27,3%; Tây Ban Nha tăng 27,2%; Hà Lan tăng 24%; Phần Lan tăng 18%…
Đây là mở đầu thuận lợi cho kế hoạch đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2017. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, khách du lịch quốc tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 3 – 4% trong năm 2017, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể đạt mức tăng trưởng 5 – 6%. Nghiên cứu của UNWTO cho thấy mức độ cởi mở của chính sách visa có tác động trực tiếp đến lượng khách quốc tế đến mỗi quốc gia. Đó cũng là lý do hiện nay nhiều nước châu Á như Indonesia, Ấn Độ đang ngày càng nới lỏng chính sách thị thực. Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã triển khai việc cấp thị thực trực tuyến cho công dân của trên 100 quốc gia nhằm khai thác tiềm năng du lịch của nước này.
Tại Việt Nam tính đến ngày 9-2-2017, sau một tuần triển khai Nghị định về thí điểm cấp thị thực điện tử (TTĐT) cho người nước ngoài, đã có 490 người nước ngoài đề nghị được cấp TTĐT, trong đó Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã cấp TTĐT cho 210 trường hợp. Du khách xin e-visa nhiều nhất là từ những nước có mức chi trả cao như Mỹ, Pháp. Hiện có khoảng 30 nước trên thế giới áp dụng hình thức cung cấp TTĐT. Ưu điểm của hệ thống cấp TTĐT là người nước ngoài có thể trực tiếp đề nghị cấp TTĐT, nhận kết quả, tự in thị thực qua hệ thống giao dịch điện tử, không qua khâu trung gian. Người nước ngoài thuộc diện được cấp TTĐT đến Việt Nam không phải lăn tay, chụp ảnh, hay trả lời phỏng vấn. Với hệ thống này, người nước ngoài có thể nhận thị thực truyền thống tại cơ quan đại diện, hoặc có thể được cấp TTĐT tại 28 cửa khẩu của Việt Nam.
Nhiều người làm du lịch nhận xét thực hiện TTĐT là một bước cải tiến về thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách nước ngoài đến Việt Nam. Hiện đã có một số doanh nghiệp du lịch đăng ký làm thủ tục để được cấp tài khoản nhằm xin TTĐT cho khách. Loại visa này có nhiều tiện ích, ví dụ như không cần có mặt trực tiếp, không cần bảo lãnh, thời gian xem xét chỉ mất ba ngày. Ngoài ra người nước ngoài du lịch bằng TTĐT có thể khai báo tạm trú thông qua hệ thống điện tử thay vì thực hiện yêu cầu này thông qua các cơ sở lưu trú.
Theo báo cáo của UNWTO, hiện nay trung bình 18% dân số thế giới đi du lịch mà không phải xin thị thực, khoảng 15% có thể nhận thị thực khi đến và 6% được nhận TTĐT. Dù đã áp dụng TTĐT, chính sách visa ở Việt Nam vẫn bị coi là khắt khe hàng đầu ở Đông Nam Á và chưa hỗ trợ nhiều cho ngành du lịch so với các nước trong cùng khu vực. Chẳng hạn, khách Nga đến nước ta đang tăng mạnh. Tuy đối tượng khách này được miễn thị thực trong hai tuần nhưng nhiều người Nga có nhu cầu nghỉ dưỡng đến ba tuần hoặc hơn nên các công ty lữ hành vẫn phải xin thị thực cho khách. Một trường hợp chính sách visa gây thiệt hại cho ngành du lịch nữa là từ cuối tháng 8-2016, du khách Mỹ đến Việt Nam một lần trong thời gian ngắn cũng phải đóng lệ phí thị thực là 135 đôla Mỹ thay vì 25 đôla như trước đó. Dù bị nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhưng chính sách bất hợp lý (và không có thông báo trước) này đến tận tháng 1-2017 mới có sự điều chỉnh, sự chậm trễ đó đã gây khó khăn không ít cho các công ty lữ hành chuyên thị trường khách Mỹ.
- Cẩm Tú