Tháng 5-2010, Hy Lạp được cấp 110 tỉ euro và một khoản 130 tỉ euro khác cũng được chuẩn y vào tháng 2-2012. Nhiều nước lo ngại là Hy Lạp sẽ không trả nổi những khoản nợ khổng lồ và cơn lốc nợ nần sẽ lây lan trên khắp khu vực đồng euro. IMF lạc quan hơn và cho rằng một trong những việc phải làm sớm là tái cơ cấu nợ của Hy Lạp, giúp cho khu vực đồng euro có “thời gian thiết lập một bức tường lửa nhằm bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương khác và ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng và tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu”. Theo tổ chức này, thành công đáng kể nhất của chương trình hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp là đạt được một chế độ thuế khóa vững chắc, Hy Lạp vẫn tiếp tục là thành viên của khu vực đồng euro và tất cả những tác động nguy hại cho nền kinh tế toàn cầu có thể kiềm chế được. Nhưng IMF cũng phải thừa nhận những thất bại quan trọng của chương trình hỗ trợ mà họ tham gia, chủ yếu là không phục hồi được niềm tin vào thị trường, hệ thống ngân hàng bị thiệt mất 30% khoản tiền gửi và nền kinh tế Hy Lạp trải qua một cuộc suy thoái trầm trọng hơn dự liệu. So với năm 2009, GDP năm 2012 của Hy Lạp giảm 17%, trong khi theo dự báo ban đầu của IMF và EU, tỷ lệ sụt giảm này chỉ ở mức 5,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp cũng thế, dự kiến 15% nhưng lên đến 25% trong năm 2012.
Bàn về hướng khắc phục trong thời gian tới, IMF chỉ trích việc trì hoãn tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp bằng cách buộc người sở hữu trái phiếu phải chịu thiệt. Theo họ, biện pháp tái cơ cấu nợ một cách dứt khoát, rõ ràng sẽ có lợi cho Hy Lạp, nhưng điều này sẽ khó được các nước thành viên EU chấp nhận, vì một số nước có ngành ngân hàng hiện là chủ nợ rất lớn của chính phủ Hy Lạp. Bản báo cáo của IMF cũng nêu rõ rằng không có sự phân hóa trong công tác phối hợp giữa IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Mặc dù có những khác biệt về quan điểm trong nội bộ ECB, nhưng trong điều kiện hiện nay, sự phối hợp vẫn có thể mang lại những kết quả tốt đẹp.
Lê Cẩn tổng hợp