Kinh tế Pháp đã bị sụt giảm trong quý IV-2012 và quý I-2013 nên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này được IMF dự báo là có thể sẽ giảm đi 0,2% trong năm nay so với năm ngoái, sang năm 2014 sẽ tăng nhẹ khoảng 0,8%.
Cụ thể hơn, IMF kêu gọi Chính phủ Pháp tăng khả năng tạo thêm giá trị và tăng năng suất lao động bằng cách gia tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, tiếp tục thực hiện cải cách các quy định cứng về thị trường lao động, cố gắng cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp và thời gian thất nghiệp cho người lao động.
Sau Đức, Pháp là nền kinh tế đứng thứ hai trong số 17 thành viên của Eurozone nhưng có tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 11%, cao hơn gấp đôi so với Đức (5,4%) và tăng trưởng cũng kém hơn. Ngoài ra, mức chênh lệch về cạnh tranh giữa Pháp và các thành viên khác trong Eurozone ngày một rộng hơn.
Tổng thống François Hollande đã bắt đầu đề ra các biện pháp nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường lao động Pháp. IMF rất tán thành các biện pháp đó nhưng cho rằng thành công hoàn toàn tùy thuộc vào quá trình thực hiện.
Liên quan đến chính sách thắt lưng buộc bụng đang gây nhiều tranh cãi, IMF cho rằng các cố gắng của Chính phủ Pháp đến nay “đã kiềm chế ở mức chấp nhận được” và kêu gọi Pháp tiếp tục củng cố tài chính công trong trung hạn, đồng thời nhất trí với ý kiến của Ủy ban châu Âu gia hạn cho Pháp và một số nước khác trong khối Eurozone thêm thời gian để đáp ứng chi tiêu thâm hụt ngân sách bắt buộc. Các ngân hàng Pháp đã cải thiện đáng kể được tình hình tài chính và không còn mối lo về khả năng sụp đổ tài chính, nhưng vẫn phải tiếp tục cải thiện về cơ cấu nguồn vốn.
Thiên Bảo theo NYT, 4-6-2013