Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam đến năm 2011, tăng trưởng GDP đã đạt 31 năm liên tục, chỉ thua kỷ lục 33 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ. Chưa dừng ở đó, quy mô kinh tế năm 2011 gấp khoảng 5,5 lần năm 1985 và trên 4,4 lần năm 1990, trên 2,1 lần năm 2000. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số, bởi thực tế “ngược chiều” với những kỳ vọng từ các chỉ số tăng trưởng chính là thất nghiệp tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra, giá cả ngày càng đắt đỏ… Theo báo cáo của Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2010 được 68.292 tỉ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỉ đồng và dự kiến năm 2012 là 120.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các đầu tàu kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, cùng các tỉnh khác cũng đã ồạt kiến nghị phát hành trái phiếu địa phương trong năm tới.
Nếu Việt Nam theo xu hướng sử dụng “chỉ số thu nhập quốc gia như là cách duy nhất để đánh giá sự phát triển” và trái phiếu địa phương là một công cụ huy động vốn nhằm “lấp đầy” ngân sách, thì mục đích quan trọng nhất trong việc phát hành trái phiếu địa phương chính là thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ đời sống con người sẽ bất thành. Đó là chưa kể đến hai kịch bản xấu nhất xảy ra: i) Tiền huy động không được lưu thông trên thị trường do thiếu kế hoạch, dự án sẽ dẫn đến những vấn đề khó giải quyết “ì” vốn, gây tổn thất cho nền sản xuất; ii) Tiền huy động đổ vào các dự án thiếu hiệu quả, thiếu chính sách nên không thể sinh ra lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ. Cả hai kịch bản đều dẫn đến sự “bất lực” của chính quyền địa phương trong khâu thanh toán nợ, và “con nợ” suy cho cùng vẫn là Chính phủ – chủ thể đã phải gồng gánh lượng nợ công có thể lên đến 65% GDP năm 2015.
Dường như nền kinh tế hiện nay đang theo xu hướng sử dụng “chỉ số thu nhập quốc gia như là cách đánh giá duy nhất để đánh giá sự phát triển”. Cuộc chạy đua “lấp đầy” ngân sách bội chi bằng việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi thông qua trái phiếu địa phương là một minh chứng cụ thể. Điều này vào những thập niên 30 của thế kỷ trước, lý thuyết tổng quát của Keynes lý giải là do hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm thay đổi quan niệm của các nhà kinh tế. Hơn thế nữa, rất nhiều nhà kinh tế nổi tiếng điển hình là Richard Stone (đoạt giải Nobel 1984) đã cho thấy cách đánh giá GDP chỉ là những con số còn “thiếu thông tin”. Thế nên, quan điểm GDP là “thước đo” sự phát triển đã khiến hiện tượng “chủ nghĩa GDP” kèm theo những hệ lụy khó lường đang manh múng diễn ra tại Việt Nam qua trường hợp trái phiếu địa phương.
Bài học vỡ nợ do trái phiếu địa phương thực tế đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm 2011, địa phương này đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm một cách ồạt theo kiểu “chủ nghĩa GDP”. Điều này không chỉ không cứu được nền kinh tế đang gặp suy thoái mà trái lại, gánh nặng nợ ngày một “phình to” khiến chính quyền địa phương mất kiểm soát.
Hiện nay, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ nợ công ngày càng cao khi nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2011 chiếm 55% GDP trong khi con số này chỉ khoảng 30% ở các nước châu Á. Việc chạy theo “chủ nghĩa GDP” và tận thu vốn nhàn rỗi thông qua kênh trái phiếu địa phương không chỉ làm tăng nguy cơ vỡ nợ, mà còn hạn chế khả năng sản xuất hàng hóa của một bộ phận lớn các nhà đầu tư. Đứng trước lợi ích và rủi ro của trái phiếu địa phương Việt Nam phải đưa ra những sự lựa chọn mang tính chiến lược, dài hơi.
Sự thất bại của “chủ nghĩa GDP” ở Trung Quốc và những bài học liên quan về trái phiếu địa phương có lẽ là quá đủ để Việt Nam cẩn trọng hơn trong những giải pháp “nói và làm” phù hợp nhất.
Trương Minh – Đỗ Thiện