Xử lý nước thải đô thị là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm tại hội thảo vềVấn đề cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 17-10. Trên cả nước hiện chỉ có một số khu vực đô thị có hệ thống thoát nước gồm mạng lưới ống cống và nhà máy xử lý nước thải. Nhiều đô thị chưa có nhà máy xử lý nước thải hoặc có mà hoạt động không hiệu quả nên nước thải chỉ được xử lý sơ bộ rồi xả thẳng vào các cống chung hay xả trực tiếp vào môi trường. Theo báo cáo từ nghiên cứu về “Triển vọng Phát triển châu Á 2013” thì hiện chỉ có khoảng 10% nước thải đô thị của Việt Nam được xử lý phù hợp. Theo đó, lượng nước thải phát sinh là khoảng 3 triệu m3/ngày mà chỉ xử lý được khoảng 250 ngàn m3/ngày nên tình trạng ô nhiễm ở nhiều nguồn nước, đặc biệt là nước mặt ở một số lưu vực sông, hồ quanh các thành phố lớn như sông Đồng Nai, sông Nhuệ, sông Đáy… không phải là điều khó hiểu.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) đã ứng dụng thành công giải pháp pha loãng nước thải đô thị
Thiếu hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn
Biến đổi khí hậu dẫn đến những hệ quả như lượng mưa tăng, chế độ thủy văn đô thị trái với quy luật… ảnh hưởng lớn đến việc thu gom và tiêu thoát nước thải. Nhưng phải nhìn nhận rằng, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay vẫn là do chúng ta chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến vấn đề xử lý nước bẩn.
Nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố và thường xả trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý. Nhiều công trình ở các khu đô thị mới đã có sự tách riêng nước thải sinh hoạt với nước mưa nhưng do công trình xây dựng không đồng bộ và kết nối kém với cơ sở hạ tầng xung quanh nên sau đó nước thải và nước mưa lại đổ vào một tuyến cống chung.
Hiện nay, việc thu gom và xử lý nước thải ở đô thị được thực hiện bởi các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn. Nước thải từ các tuyến cống lưu vực đưa về tuyến cống chính, sau đó bơm về trạm xử lý nước thải tập trung. Vì nguồn thu từ phí nước thải không đáng kể nên việc đầu tư xây dựng, vận hành và sửa chữa các hệ thống xử lý nước thải khá hạn hẹp. Phần lớn các chính quyền đô thị trên cả nước đều “than” là không đủ nguồn tài chính để đầu tư và quản lý các chương trình môi trường đô thị, trong đó có xử lý nước thải. Còn các chuyên gia thì cho rằng vấn đề nước thải chưa được quan tâm đúng mức vì thực tế hệ thống thoát nước thường phát triển chậm hơn hệ thống cấp nước và cấp điện, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cũng thấp hơn nhiều. Sự phát triển lệch pha của hệ thống hạ tầng càng gây tốn kém hơn so với việc phát triển đồng bộ.
Vài năm gần đây, một số tỉnh thành như Nghệ An, Sóc Trăng… đã áp dụng mô hình quản lý nước thải phi tập trung – Các trạm xử lý nước thải phân tán thường có quy mô nhỏở các lưu vực độc lập của đô thị, hoặc các trạm xử lý nước thải bệnh viện, các công trình công cộng, dịch vụ… Mô hình này giúp giảm chi phí đầu, tận dụng triệt để các điều kiện tự nhiên để xử lý nước thải, dễ quy hoạch và có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Tuy nhiên, hệ thống nước thải phân tán dễ làm mất cảnh quan đô thị do xây dựng các trạm trong nội thành. Việc kiểm soát, quản lý vận hành các trạm phân tán cũng rất phức tạp mà tìm nơi xây dựng trạm trong nội thành thường rất khó khăn. Vì vậy, phương pháp này chỉ có thể áp dụng được ở những đô thị có mật độ dân số vừa phải. Còn ở những nơi “đất chật người đông” như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì e rằng không phù hợp.
Giải pháp nào cho nước thải đô thị?
Hầu hết chúng ta đều thấy rõ rằng trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn thì việc xử lý nước thải là một vấn đề nan giải. Mục tiêu mà chính phủ đặt ra đến năm 2025 là 70% dân số đô thị (hơn 34 triệu người) tham gia vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đủ tiêu chuẩn. Liệu mục tiêu này có quá lạc quan khi mà hiện nay chỉ mới có khoảng 2,5 triệu người tham gia và chi phí tham gia hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh là từ 300-600 USD/người?
Thời gian qua, trong khi chờ đợi đủ kinh phí để triển khai đợt 2, dự án vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đợt 1 đã thực hiện giải pháp xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Sài Gòn. Kết quả là chất lượng nước sông Sài Gòn và các khu vực lân cận không bịảnh hưởng nhiều. Các chuyên gia cũng đang nghĩ đến giải pháp pha loãng nước thải đô thị trong khi chờ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải hoàn chỉnh. Những con sông lớn quanh các thành phố lớn thường là sông nước mặn và có dòng chảy lớn và không yêu cầu độ sạch cao. Chúng ta có thể tận dụng năng lực pha loãng và tự làm sạch của những con sông này để xử lý nước thải đô thị. Nhưng dù sao, đây chỉ là giải pháp tạm thời để cải tạo kênh rạch, hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải còn về lâu dài, những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh rất cần những nhà máy xử lý nước quy mô lớn. Song song với hệ thống xử lý nước thải, chúng ta cũng cần chú ý đến hệ thống thoát nước. Các hệ thống thoát nước truyền thống công suất giới hạn mà chi phí cho xây dựng và vận hành, bảo dưỡng lớn. Các đô thị được khuyến khích áp dụng phương pháp thoát nước bền vững SUDS – hướng tới việc duy trì những đặc thù tự nhiên của dòng chảy về dung lượng, cường độ và chất lượng, kiểm soát tối đa dòng chảy từ nguồn, giảm thiểu những khu vực tiêu thoát nước trực tiếp, lưu giữ nước tại chỗ và cho thấm xuống đất bằng hồ điều hòa, thảm cỏ xanh, đồng thời kiểm soát ô nhiễm.
PGS-TS Nguyễn Việt Anh, Viện khoa học và kỹ thuật môi trường (IESE) đã đưa ra giải pháp xử lý nước thải tại chỗ bằng thùng xử lý Johkasou. Đây cũng là giải pháp đã đạt hiệu quả trong xử lý nước thải tại Nhật Bản. Nước thải sau khi được xử lý bằng thùng Johkasou thì an toàn với môi trường, thậm chí có thể sử dụng lại để làm vệ sinh nhà cửa, sân vườn, tưới cây, nuôi cá… Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Đoan, Vụ hạ tầng đô thị Bộ xây dựng thì chi phí cho việc lắp đặt hệ thống thùng xử lý Johkasou là quá cao so với mức thu nhập của người Việt. Nguồn vốn cho việc xử lý nước thải, thoát nước của nước ta chủ yếu vẫn lấy từ ngân sách nhà nước, chủ yếu là vốn vay ODA. Trong khi giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản chưa chính thức hợp tác, chuyển giao công nghệ đểứng dụng Jokasou và chính phủ cũng chưa có những chính sách hợp lý để hỗ trợ thì việc đưa hệ thống xử lý nước Johkasou vào đời sống đô thị vẫn chỉ là mong ước xa vời.
Thanh Nhã