Năm lý do nên đẩy mạnh hợp tác công – tư
Trước hết, PPPs có thể giúp Nhà nước xác định lại rõ hơn vai trò trực tiếp của mình trong nền kinh tế. Hợp tác PPPs giúp Nhà nước tập trung vào đúng chức năng của mình, đó là đại diện cho người dân quản lý các dịch vụ không thể được chuyển giao hoàn toàn cho các doanh nghiệp tư nhân (điện, năng lượng, môi trường…). Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, đây là yếu tố cốt yếu giúp Nhà nước chia sẻ khó khăn tài chính, quản lý và cũng là tạo cơ hội vực dậy của nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, PPPs có thể tác động mạnh mẽ, tích cực đến tài chính công: i) tạo ra nguồn thu nhập mới, cơ sở hạ tầng mới và dịch vụ mới từ yếu tố tư nhân; ii) cho phép tăng cường phát triển các dịch vụ có khả năng thu về lợi nhuận (các phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ xử lý vệ sinh môi trường); iii) thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua việc xúc tiến các dự án năng lượng, điện, môi trường, dẫn đến tăng thu nhập tài chính quốc gia; iv) tăng tính minh bạch, hiệu quả trong việc quản lý, điều chỉnh và sử dụng ngân sách nhà nước bắt nguồn từ việc hạn chế tối đa cơ chế “tự đá bóng tự thổi còi” trong quản lý dự án nhà nước.
Thứ ba, PPPs là điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam có việc làm ở trung và dài hạn. Đồng thời, PPPs còn được xem là giải pháp quan trọng trong các chương trình của quốc gia nhằm chống khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, gói kích thích tăng trưởng nền kinh tế trị giá 900 tỉ USD của Hoa Kỳ năm 2009 nhằm mục đích cứu vớt 2,5 triệu việc làm trong giai đoạn 2009-2011 thông qua các dự án hợp tác công – tư về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cầu cống, trường học, công nghệ sinh thái, môi trường… Khi dân có việc làm ổn định, kinh tế đi vào đà phát triển thì nguồn thu ngân sách không chỉ tăng lên mà lượng chi ra cho các chương trình phúc lợi vì người nghèo, người thất nghiệp sẽ giảm đi.
Thứ tư, hình thức PPPs giúp bảng cân đối ngân sách Chính phủ cân bằng hơn. Nếu nhìn ở góc độ ngân sách nhà nước và các quy tắc tài chính công, PPPs có thể mang lại lợi ích bằng việc tối thiểu hóa các rủi ro trong quá trình xây dựng, về gánh nặng tài chính bằng cách chia sẻ đầu tư đến với các doanh nghiệp tư nhân. Tại các nước khối Liên minh châu Âu (EU), điều này thể hiện khá rõ ràng thông qua bảng cân đối ngân sách nhà nước bởi các tài sản liên quan đến một dự án PPPs sẽ không được đăng ký trong bảng cân đối ngân sách của chính phủ. Động thái này sẽ giúp Nhà nước loại những khoản chi phí đầu tư ra khỏi bảng cân đối ngân sách, đảm bảo ngân sách không thêm phần thâm hụt.
Cuối cùng, PPPs có thể kết hợp với các nguồn hỗ trợ vốn ODA bên ngoài để mang về hiệu quả tốt nhất. Ở khối EU, nhiều nước áp dụng hình thức kết hợp giữa PPPs và các quỹ trợ cấp của EU, được gọi là PPPs hỗn hợp. Nhiều ý kiến cho rằng EU sẽ bảo vệ PPPs (gồm nhà nước và tư nhân) khỏi những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính. Bởi vì trợ cấp tài chính đó có: i) Tác động nhanh chóng đến khả năng tài chính của các dự án bằng cách giảm chi phí (hoặc tăng doanh thu); ii) Tác động đến ngân sách chính quyền địa phương qua việc giảm nhu cầu về tài chính và cho phép chuyển giao phần ngân sách đó nhằm tiến hành các nhu cầu khác của địa phương (giáo dục, y tế, trợ cấp thất nghiệp); iii) Tác động tích cực đến nhận thức lạc quan, khuyến khích các nhà thầu tư nhân tham gia dự án nhờ việc đảm bảo nguồn vốn từ ODA.
Thiết nghĩ, khi ngân sách còn nhiều khó khăn và nhiều nhà nghiên cứu phải đau đầu với các chính sách tài khóa, tiền lệ linh hoạt đồng thời hạn chế đầu tư công; tại sao giải pháp PPPs lại chưa được đưa vào như một liều thuốc “giảm cân” cho gánh nặng ngân sách hiện nay?
Đỗ Thiện