- EU tung đòn trả đũa Mỹ
Ngày 9-6 Thượng đỉnh G7 bế mạc tại Ottawa, Canada, trong bầu không khí căng thẳng giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo sáu cường quốc kinh tế còn lại. Canada và Pháp muốn nhân cơ hội này huy động một mặt trận chung đối phó với thái độ áp đặt của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cách ứng phó với một Washington không còn mang lại cảm giác tin tưởng như trước. Không có thái độ thù địch, chỉ dùng ngôn ngữ chừng mực, những người đồng cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy rằng ông tự cách biệt và sai lầm, đặc biệt là họ sẽ không bị Mỹ uy hiếp. Tổng thống Pháp tuyên bố: “Chúng tôi không ngại làm G6 nếu cần”.
Tuyên bố của Hội nghị G7 chống chủ nghĩa bảo hộ, tiếp tục ủng hộ tự do thương mại toàn cầu. Trong đó không có sự đồng ý của phía Mỹ.
Trước đó ngày 7-6 tại Ottawa, Tổng thống Pháp Emannuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ký một bản tuyên bố kêu gọi “hành động chung”. Nhấn mạnh đến “chiến tranh thương mại trong bối cảnh phức tạp liên hệ đến tương lai thế giới”, hai nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước liên kết để đưa ra một giải pháp cho đối đầu với Tổng thống Donald Trump.
Nhiều tín hiệu từ Washington cho thấy trước là tổng thống Mỹ sẽ theo một đường lối cứng rắn trong các cuộc họp với sáu nhà lãnh đạo khác của G7 tại Ottawa, để bảo vệ nền công nghiệp Mỹ mà ông Donald Trump cho là bị quốc tế cạnh tranh bất chính.
Quyết định áp đặt thuế quan phụ trội đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu có thể là phát pháo đầu của Washington, trước khi khai mào chiến tranh thương mại để làm giảm thâm thủng trong cán cân mậu dịch Hoa Kỳ.
Nước Mỹ của Donald Trump có nguy cơ bị dồn vào thế cô lập. Các nguồn tin từ Ottawa cho biết, sáu nước Canada, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nhật trong G7 sẽ đoàn kết và cứng rắn bảo vệ lập trường đa phương.
- EU tung đòn bổ sung thuế trả đũa Mỹ
Trong tháng 7 tới đây, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đáp trả việc nước này áp thuế suất mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu từ EU. Kế hoạch này do Ủy ban châu Âu (EC) đề ra cuối tuần qua và được các nước thành viên EU ủng hộ theo đó đề ra mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,2 tỉ euro (tương đương 3,3 tỉ USD).
Quyết định cứng rắn này được xem là đòn trả đũa khi Mỹ tuyên bố áp đặt mức thuế lần lượt 10% và 25% đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ các nước EU, Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài hai tháng, tức vào ngày 31-5. Điều này khiến các công ty của châu Âu thất thu, nhưng nguy cơ lớn nhất là trật tự thương mại toàn cầu bị tổn hại hoặc thậm chí WTO có thể tan vỡ. Và trong trường hợp cuộc chiến thương mại leo thang, EU sẽ cảm nhận được hậu quả tăng giá đáng kể và bất ổn về tài chính.
Đánh giá tình hình căng thẳng hiện nay, các nhà phân tích cho rằng nếu các nước châu Âu, Canada và cả Trung Quốc đáp trả việc áp thuế của Mỹ bằng cách đánh thuế ngược lại sẽ làm phát sinh một vòng xoáy thương mại, dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) dự đoán trong trường hợp như vậy, tổng lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm 6% và GDP thực tể của Mỹ, châu Âu lẫn Trung Quốc sẽ giảm 2%. Nếu một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra thì lạm phát ở Mỹ sẽ tăng mạnh do phụ thuộc vào nhập khẩu, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dưới sự lãnh đạo mới của ông Jerome Powell sẽ nâng mức lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn.
Vì Fed là động lực thúc đẩy các chu kỳ tài chính trên toàn cầu nên áp lực đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ gia tăng buộc họ phải tăng lãi suất nhanh hơn.
Ngược lại, Fed có thể phản ứng thái quá trước khả năng cao xảy ra lạm phát và có thể bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái tài chính do tăng lãi suất quá mức. Theo các nhà phân tích, một cuộc suy thoái của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump không chỉ có khả năng xảy ra mà gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, nơi mà nợ công sẽ gia tăng do cải cách thuế, sẽ là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như định hướng xuất khẩu của châu Âu.