Bước thứ nhất, khi mới ra trường được nhận vào làm việc trong một cơ quan công quyền, có lần người ta gửi cho anh một phong bì sau khi nhờ giải quyết xong một thủ tục khá rắc rối, anh từ chối phắt mà còn nói làm như vậy là xúc phạm anh. Đúng là một công chức mẫu mực.
Một khu đất dự án còn bỏ hoang
Bước thứ hai, anh cũng gặp trường hợp tương tự, anh cũng lại từ chối sau một phút suy nghĩ.
Bước thứ ba, lần này thì cũng suy nghĩ vài giây rồi anh nhận phong bì. Anh yên tâm rằng mình giải quyết công chuyện tốt đẹp cho người ta thì có nhận chút tiền “biết ơn” có sao đâu.
Bước thứ tư, lần này thì anh nhận phong bì nhưng không cần suy nghĩ và cảm thấy yên lòng vì mình chẳng gây phiền hà gì mà cũng chẳng đòi hỏi ai.
Bước thứ năm, cách đó không lâu, ai đến nhờ anh giải quyết công việc mà không mang theo gì cả là anh cảm thấy khó chịu ra mặt.
Chắc chúng ta dễ hình dung anh cán bộ nhà nước này đi thêm khoảng chục bước và sống nhiều năm trong cơ chế xin cho sẽ trở thành con người như thế nào.
Đó là “cung cầu hối lộ” của buổi bình minh đổi mới. Còn bây giờ thì sao?
Giữa tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp mà kết quả không hề gây bất ngờ cho giới làm ăn lẫn quần chúng. Dựa trên cuộc khảo sát 270 doanh nghiệp, bảy cuộc thảo luận nhóm và 12 cuộc phỏng vấn sâu tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Cần Thơ, nội dung cuộc khảo sát tập trung vào thực trạng tham nhũng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan công quyền và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều thừa nhận, họ vừa là tác nhân vừa là nạn nhân gây ra tham nhũng.
Những số liệu sau đây là một dẫn chứng đầy thuyết phục: có đến 67% ý kiến doanh nghiệp cho rằng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Số đông tin rằng, việc gửi quà, phong bì bày tỏ lòng cảm ơn với cán bộ là “thông lệ chung”.
Có tới 40% ý kiến cho biết chi phí không chính thức thường chiếm khoảng 1% trong tổng số chi phí hằng năm của doanh nghiệp; 13% doanh nghiệp cho rằng khoản này chiếm tới hơn 5%.
Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39,9% doanh nghiệp tin rằng phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất. Hơn 18% cho biết họ được cán bộ giải quyết gợi ý đưa phong bì khi làm các thủ tục trong lĩnh vực này.
Lâu nay chúng ta thường nghe nói đến tình trạng “lại quả” trong việc vay vốn ngân hàng, ngay cả trong một số chương trình của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Sẽ rất khó tiếp cận đồng vốn nếu không có được mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng. Gần 50% doanh nghiệp khẳng định, phải có tiền bồi dưỡng cán bộ tín dụng thì mới được vay vốn.
Còn vay vốn từ các ngân hàng thương mại, muốn được ưu tiên thì bắt buộc phải “lại quả” một khoản phí, nhiều khi phải trả theo tỷ lệ phần trăm, khiến lãi suất trên thực tế tăng cao hơn nhiều so với quy định.
Trong lĩnh vực cung cấp điện, nước cũng có tham nhũng, khi 8,55% doanh nghiệp cho biết ngoài thanh toán theo hóa đơn còn phải trả thêm chi phí không chính thức cho đơn vị cung cấp điện và 4,1% phải trả thêm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp cung cấp nước.