Riêng mảng đấu thầu, gần 42% cho rằng việc gửi quà biếu cho các cán bộ là rất phổ biến.
Việc đưa “phong bì” cho các cán bộ nhà nước, trước hay sau, dù mục đích là cảm ơn hay do “ngả giá” là khá phổ biến và xem như thông lệ được chấp nhận trong kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tham nhũng cũng được nhận diện dưới các quà tặng, cổ phần, cổ phiếu, mời đi du lịch…
Biếu tiền, mời tiệc chiêu đãi, mời đi du lịch, lại quả giá trị hợp đồng… là nhiều hình thức khác nhau mà doanh nghiệp phải sử dụng khi làm việc với cán bộ hay cơ quan quản lý nhà nước. Với tổn phí đầu tư không chính thức này, nhiều doanh nghiệp tự cho mình là nạn nhân của tham nhũng. Tuy nhiên, suy cho cùng thì trong mối quan hệ “cung – cầu” này không có ai là nạn nhân mà cả hai bên “đối tác” đều là thủ phạm, như dân gian vẫn thường ví von tại anh tại ả, tại cả đôi bên.
Năm 2011, Tổ chức minh bạch quốc tế đã xếp hạng ViệtNamđứng thứ 112/183 nước được khảo sát về nạn tham nhũng.
Góp phần giải quyết quốc nạn này, sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh (ITBI) đang được xem là dự án tiên phong trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, với mục tiêu huy động cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động.
Đây là dự án do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SDforB), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai với sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Tập đoàn Siemens và Công ty Ericsson Việt Nam, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) thuộc Tổ chức Minh bạch Thế giới (TI), Diễn đàn Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Quốc tế (IBLF), Baker&McKenzie và đại diện một số cơ quan Chính phủ Việt Nam.
Dự án này dựa trên bối cảnh là mối quan hệ doanh nghiệp – cơ quan công quyền, trong đó doanh nghiệp được coi như bên “cung” (đưa hối lộ) còn cơ quan công quyền như bên “cầu” (bên có điều kiện nhận hối lộ).
Bài toán mà dự án này đưa ra là phải chủ động giảm nguồn cung bằng cách nâng cao năng lực cho doanh nghiệp giúp họ nhận biết được các hành vi làm gia tăng tham nhũng. Khi đã nhận biết thì doanh nghiệp sẽ có thể thay đổi. Từ chỗ đưa hối lộ thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt dần việc này, đồng thời cũng sẽ chủ động đưa ra kế hoạch, chương trình hành động, bộ quy tắc ứng xử phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp mình.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc SDforB trong bài trả lời phỏng vấn trên VNEconomy đã cho rằng “phong bì” đã trở thành phản xạ của doanh nghiệp khi đến nơi công quyền. Tình trạng này tồn tại một phần là do năng lực của chính doanh nghiệp còn hạn chế. Họ không nắm vững các quy định về các văn bản pháp quy, không nhận biết được các hành vi tiếp tay cho tham nhũng.
Do đó một trong những vấn đề đi đầu của dự án phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp là tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực, xây dựng và phổ biến những bộ công cụ, tài liệu cho doanh nghiệp.
NGUYỄN NAM