Một số doanh nhân hiện có con em bị nôn ói dữ dội đến kiệt sức, phải vào cấp cứu ở hai Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 (TP. Hồ Chí Minh). Sau khi kiểm tra, bác sĩ chuẩn đoán trẻ bị hội chứng ói chu kỳ, phải điều trị nhiều ngày ở bệnh viện. Chỉ vài ngày sau khi trở về nhà, trẻ được cho uống thuốc đều đặn theo toa nhưng tình trạng nôn ói vẫn tái phát tương tự như trước, đôi khi còn nghiêm trọng hơn là ói khan hoặc ói ra máu.
Có khoảng hơn 100 ca bị hội chứng này nhập viện rải rác trong năm qua ở hai Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 và không thể điều trị dứt điểm. Các bậc cha mẹ có con bị bệnh cảm thấy vô cùng lo lắng vì đứa trẻ cứ vật vã với từng đợt ói mà ngay cả bác sĩ cũng không biết rõ nguyên nhân và bao giờ tình trạng này sẽ chấm dứt? Qua những thông tin do độc giả doanh nhân phản ánh, chúng tôi đã trao đổi với TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, Giảng viên Bộ môn Nhi khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với hy vọng phần nào giải tỏa thắc mắc về hội chứng này.
Hội chứng ói chu kỳ có liên quan đến đau nửa đầu migraine
Hội chứng ói theo chu kỳ (Cyclic Vomiting Syndrome – CVS) đặc trưng bởi những đợt nôn ói dữ dội kéo dài từ một tiếng đến mười ngày, mỗi giờ trẻ ói ít nhất bốn lần; các đợt ói cách nhau từ một tuần trở lên, có khuynh hướng khởi phát vào cùng một thời điểm trong ngày, kéo dài trong cùng khoảng thời gian, các triệu chứng nôn ói dữ dội tương tự nhau ở các đợt; tình trạng nôn ói nặng dẫn đến bệnh nhi gần như kiệt sức nhưng giữa các đợt thì bé vẫn khỏe mạnh, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Bệnh có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ em từ ba đến bảy tuổi, bé gái hay bị hơn bé trai. Thời gian của một đợt ói và khoảng cách giữa các đợt ói không giống nhau ở các bệnh nhân. Bệnh nhân có thể gặp các đợt ói mỗi tuần, mỗi tháng nhưng cũng có khi chỉ bị vào một tháng nào đó trong năm.
Hội chứng ói chu kỳ thường có bốn giai đoạn như sau: giai đoạn không triệu chứng (giữa hai đợt nôn ói); giai đoạn tiền triệu với triệu chứng chính là cảm giác buồn nôn kéo dài từ vài phút đến vài giờ, có thể kèm theo đau bụng; giai đoạn ói dữ dội và giai đoạn phục hồi. Một số bệnh nhân không có tiền triệu, bị nôn ói đột ngột khi vừa thức dậy vào buổi sáng. Nhiều trường hợp dùng thuốc trong giai đoạn tiền triệu có thể ngăn chặn sự tiến triển của tiền triệu thành tình trạng nôn ói dữ dội.
Hiện nay, y khoa chưa tìm ra các nguyên nhân gây bệnh ói chu kỳ nhưng có một số bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa hội chứng ói chu kỳ với hiện tượng đau nửa đầu migraine và đau bụng từng cơn migraine. Hai hội chứng migraine này đều xảy ra theo từng đợt với triệu chứng đau dữ dội, kèm theo nôn ói, giữa các đợt thì sức khỏe bệnh nhân hầu như bình thường. Ngoài ra, khá nhiều bà mẹ bị đau nửa đầu migraine hoặc bị hội chứng ói chu kỳ sinh ra đứa trẻ cũng bị hội chứng này. Trong số các bệnh nhi bị hội chứng ói chu kỳ có những trường hợp trẻ tự hết bệnh khi đến tuổi dậy thì, có 1/3 trường hợp phát triển thành bệnh đau nửa đầu migraine hoặc đau bụng từng cơn và một số ít trường hợp vẫn bị ói chu kỳ đến lúc trưởng thành.
Có nhiều yếu tố gây khởi phát đợt ói như: stress, yếu tố thực thể (nhiễm trùng, thiếu ngủ, tập luyện gắng sức, chấn thương), yếu tố tạo cảm xúc hồi hộp, lo âu, vui mừng (sinh nhật, nghỉ hè, lễ hội, cắm trại, học tập quá sức, xung đột trong gia đình, mệt mỏi), dịứng thức ăn, cảm lạnh, viêm xoang, cúm, kiệt sức, say tàu xe…
Hội chứng ói chu kỳ có thể gây biến chứng nghiêm trọng
Bệnh nhân ói chu kỳ thường cảm thấy đau bụng, tiêu chảy, sốt, chóng mặt và nhạy cảm với ánh sáng trong những đợt nôn ói. Nôn ói dữ dội kéo dài có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau đây: mất nước, mất cân bằng điện giải, viêm thực quản (do chất acid từ dạ dày trào ngược lên khi nôn ói), nôn ra máu (do thực quản bị kích thích gây xuất huyết hoặc do đoạn cuối thực quản, dạ dày bị trầy xước khi ói khan), sâu răng (do acid trong chất nôn làm hư tổn men răng). Việc mất nước, chất điện giải và nôn ra máu kéo dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nên khi trẻ bị dữ dội và tái phát nhiều lần thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để xác định các nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra những bệnh về đường tiêu hóa có cùng triệu chứng nôn ói như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, viêm thực quản… Các yếu tố liên quan đến độc chất cũng phải chú ý khi có tình trạng ói ở trẻ. Một số bệnh thần kinh cũng gây tình trạng nôn ói như viêm não màng não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, rối loạn tiền đình… Sau khi chẩn đoán trẻ không bị các bệnh trên thì mới điều trị theo hướng trẻ bị hội chứng ói chu kỳ.
Việc điều trị chỉ nhằm hạn chế cơn nôn ói hoặc ngăn chặn ở giai đoạn tiền triệu vì y khoa thế giới hiện vẫn chưa có phương pháp chủ động điều trị dứt điểm hội chứng ói chu kỳ. Cha mẹ cần giúp trẻ thay đổi lối sống bên cạnh sử dụng thuốc để việc điều trị phòng ngừa đạt hiệu quả.
Điều trị phòng ngừa những cơn khởi phát nôn ói bằng cách thay đổi lối sống: ăn uống điều độ (không ăn quá no, không bỏ bữa), tránh những yếu tố tác động mạnh đến cảm xúc, tránh học tập hoặc làm việc gắng sức, tránh các loại thức ăn chứa chất kích thích như chocolate, cà phê, pho mát, bột ngọt, đặc biệt là tìm cách duy trì giấc ngủ ngon cho trẻ mỗi ngày.
Việc điều trị hỗ trợ sẽ giúp bệnh nhân giảm nôn, an thần, giảm đau, điều trị triệu chứng chuyên biệt (tiêu chảy, cao huyết áp…), điều trị biến chứng (rối loạn nước – điện giải, rối loạn chuyển hóa, ói ra máu, sụt cân…), bổ sung nước, chất điện giải và chất dinh dưỡng. Nếu điều trị trong hai đợt ói bằng thuốc theo toa bác sĩ mà bệnh nhân cảm thấy khó dung nạp thuốc hoặc thấy không hiệu quả thì nên nhờ bác sĩ đổi thuốc khác. Trong giai đoạn phục hồi, phụ huynh cần bổ sung những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho con em mình.