Chỉ riêng ứng dụng giải trí đa phương tiện iTunes của hãng này đang có khoảng 425 triệu người sử dụng. Google đang là công cụ hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin và quảng cáo trên mạng, phần mềm Android của họ đang được sử dụng trong ba phần tư số điện thoại thông minh (smartphone) bán ra trên thế giới. Amazon thống trị thị trường bán lẻ trên mạng và thị trường sách điện tử (e-book) tại nhiều nước, còn Facebook là mạng xã hội có 1 tỉ người sử dụng, chiếm gần 15% dân số toàn cầu.
Facebook đang có 1 tỉ người sử dụng trên toàn thế giới
Cuộc cách mạng kỹ thuật số của những gã khổng lồ này đã mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tự do ngôn luận và góp phần quảng bá tinh thần dân chủ trên toàn thế giới. Nhưng bên cạnh những điều kỳ diệu họ làm được, còn có những nỗi sợ hãi gieo rắc cho mọi người. Quy mô và tốc độ phát triển của họ nếu không được kiểm soát, sẽ là trở lực cho sự cạnh tranh toàn cầu, và chính điều này đang buộc các nhà quản lý trên thế giới phải chú tâm đến hoạt động của họ. Google là tập đoàn bị săm soi kỹ nhất. Cả Ủy ban châu Âu (EC) và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra về dư luận cho rằng Google đã vận dụng một cách không chính đáng cỗ máy tìm kiếm thông tin để làm lợi cho riêng mình. Họ muốn công ty này phải thay đổi cách hoạt động. Nếu những cuộc thương thảo bất thành, Google có nguy cơ đối mặt với những cuộc chiến pháp lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện có ba xu hướng đáng báo động khi các đại gia internet kể trên ngày càng phát huy quyền lực của họ. Thứ nhất là hiện tượng người thắng thế gồm thâu gần toàn bộ thị trường internet. Dù hãng Microsoft đã rót tiền cho cỗ máy tìm kiếm Bing, Google vẫn có trên 2/3 số người sử dụng ở Mỹ và khoảng 90% số người sử dụng ở nhiều thị trường châu Âu. Facebook thì gần như độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội. Các đối thủ của họ sợ rằng cả bốn đại gia sẽ tận dụng ưu thế sẵn có để thủ đắc thêm những mối lợi không chính đáng ở các lĩnh vực khác. Xu hướng thứ hai là các đại gia sẽ lôi cuốn ngày càng nhiều người tiêu thụ vào “sân chơi” của họ bằng cách kết hợp tốt nhất các dịch vụ online với các ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Các “sân chơi” này có thể rất lôi cuốn, nhưng người ta sợ rằng họ sẽ tạo ra những “khu vườn có tường vây quanh” khiến người sử dụng khó chuyển dịch dữ liệu từ sân chơi này sang sân chơi khác. Cuối cùng, xu hướng đáng báo động thứ ba là thói quen “cá lớn nuốt cá bé” của những người khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số. Họ sẽ nuốt chửng những công ty nhỏ tiềm năng trước khi chúng kịp trưởng thành và phát triển. Để sân chơi toàn cầu được bình đẳng hơn, tạo điều kiện cho mọi thực thể kinh tế có cơ hội phát triển, các nhà nghiên cứu đề xuất Google chia ra thành hai doanh nghiệp độc lập, tách rời chức năng tìm kiếm với các hoạt động khác. Bên cạnh đó, cần buộc các thế lực độc quyền về truyền thông như Apple và Google phải chọn lựa giữa việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật số với việc sản xuất phần cứng hay cung cấp thông tin. Thế giới công nghệ đang có những chuyển biến nhanh chóng, điện thoại thông minh trang bị hệ điều hành Android của Google xuất hiện như “từ trên trời rơi xuống”, làm lu mờ iPhone của Apple. Máy tính bảng Kindle của Amazon đang so kè với iPad, Google+ cũng đang sẵn sàng đấu đá với Facebook; còn Facebook, cùng với Apple và Microsoft, đang lăm le cạnh tranh với Google trong công nghệ tìm kiếm thông tin. Tất cả tạo thành một bát quái trận đồ, ai tính sai bài toán cạnh tranh, sơ sẩy, thì có thể thân bại danh liệt.
Lê Nguyễn tổng hợp