Chương trình “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á” (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây đăng bài phân tích lên án những hoạt động cải tạo của Trung Quốc tác động đến môi trường biển tại Biển Đông. Trong bài viết, chuyên gia Abhijit Singh, Giám đốc chương trình “Sáng kiến An ninh Hàng hải” thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên” tại Ấn Độ khẳng định Đông Nam Á là khu vực có hệ sinh thái biển phong phú, nơi cư ngụ của 76% loài san hô và 37% loài cá sống ở rạn san hô trên thế giới.
Trong hai thập niên qua, ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa và khu vực biển lân cận, sử dụng cyanure, chất gây nổ, dây nổ. Các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng rất lớn, gồm rùa biển, trai, hàu khổng lồ, cá mập, lươn và san hô.
Dư luận dường như bỏ sót sự tàn phá nặng nề mà Trung Quốc gây ra đối với hệ sinh thái biển từ các hoạt động khai phá của họ tại Trường Sa. Quá trình xây dựng đảo của Trung Quốc đã gây ra những tổn thất lâu dài và không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái.
Điều 192, 194 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy trách nhiệm cho các quốc gia không làm tốt việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, nhưng hiện nay Trung Quốc đang thực hiện những hành vi hủy hoại hệ sinh thái ở Biển Đông.
Hoạt động tàn phá nhất của Trung Quốc tại Biển Đông là đánh bắt trộm trai khổng lồ, hủy diệt hơn 40 dặm vuông những rạn san hô đa dạng nhất thế giới. Họ thường dùng vật cứng để mở miệng những con trai khổng lồ mà vỏ của chúng được bán như những món hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Việc đào lên một rạn san hô không chỉ phá hoại hệ sinh thái ở đó do bản chất liên kết giữa các khu vực biển tại Biển Đông, mà sự hủy hoại ở một nơi còn dẫn tới hậu quả ở những nơi khác.
Bất chấp những chứng cứ trên, Trung Quốc vẫn khẳng định các hoạt động của họ mang lại điều tốt đẹp qua việc thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của họ, gồm cả việc bảo vệ môi trường. Nếu có gì xảy ra, giới phân tích nước này sẽ viện cớ rằng sự phá hủy môi trường trên diện rộng là do những hoạt động đánh bắt trái phép không thể ngăn chặn của các quốc gia khác trong khu vực. Những tuyên bố kiểu như vậy nhằm làm xao lãng sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động phá hoại môi trường của Trung Quốc.
Theo AMTI, đối mặt với những thảm họa môi trường nói trên, các nước Đông Nam Á phải cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Trước tiên, cần thảo luận về nghề đánh bắt cá, cụ thể là điều phối các luồng cá di cư, đồng thời cần minh bạch hơn trong các hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng hệ sinh thái được gìn giữ một cách tốt nhất và được khai thác bền vững.
Năm 2012, trong tài liệu “Tương lai mà chúng ta mong muốn”, Liên Hiệp Quốc đã xác định bảo vệ san hô tại châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề trọng tâm và là một mục tiêu phát triển bền vững cần đạt được đến năm 2020.
Nguồn tài nguyên tại Biển Đông là trọng tâm đối với nền kinh tế quốc gia, kế sinh nhai của rất nhiều người dân ven biển, đồng thời cũng là nguồn thực phẩm rẻ và giàu chất dinh dưỡng.
Đ.N (DNSGCT)