Lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại chú cà cuống thời thơ ấu của tôi. Chú bay về theo những ngọn mưa thu cuối mùa.
Thời ấy vào những năm 1967, cứ vào cuối hè chớm thu, sau những trận mưa chiều, tôi thường cùng lũ bạn đồng trang lứa rủ nhau lén cha mẹ đi bắt cà cuống, dọc theo những trụ đèn đường đêm. Cà cuống có thân hình quả trám, với hai cánh cứng. Dưới lớp cánh bằng ki-tin là hai chiếc cánh lụa mềm có nhiều đường gân như xương lá khô ép lâu ngày trong quyển vở học trò. Với hai chiếc càng cong hai bên khóe miệng, cà cuống bay liệng khắp bầu trời một cách thản nhiên. Chúng đâu biết bên dưới bầu trời tự do kia là lũ chúng tôi, những đứa trẻ hiếu động ham chơi và cần chút tiền ăn quà vặt.
Ông bà ta nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” quả không sai chút nào. Chúng tôi tìm đủ cách để bắt cho được những chú cà cuống hấp dẫn kia, vì nó là nguồn lợi, dù nhỏ nhoi, giúp chúng tôi có ít tiền ăn quà. Giá cà cuống thời ấy mỗi con cái năm cắc vì chỉ có trứng không có mùi thơm, còn con đực được một đồng. Người ta mua cà cuống để ăn, ăn chơi. Nướng cà cuống trên lửa than, ngọn gió đi qua đó trở thành ngọn gió nồng thơm, kích thích dịch vị của cả những người có khứu giác tệ nhất.
- Xem thêm: Nhớ thời ăn quà vặt
Cà cuống là món ăn dân giả, nhưng cũng khá vất vả săn bắt. Ông bà thường nói: “Cà cuống chết đến đít còn cay”, đó là câu dân gian truyền miệng nói về đặc trưng và lý giải vì sao, người ta thích ăn cà cuống. Sự thật thì chất tinh dầu không cay như đã nói mà thơm the dịu, thịt ngọt ngon, giúp tráng dương bổ thận, dễ tiêu hóa. Ngoài chất tinh dầu dùng chế biến nước mắm, chấm với đậu hũ thịt heo luộc, thịt gà… đặc biệt là ăn bánh cuốn chả lụa. Thịt cà cuống ít chất béo, giàu chất đạm nên được ưa chuộng.
Thường là món hấp, chiên, nướng. Thịt cà cuống hấp, chiên ăn có vị ngọt, còn nướng thì với mùi thơm và vị thịt nguyên chất ngon tuyệt trần. Người ta còn thưởng thức cà cuống với cách xông khói. Đặc biệt với các tay “bợm nhậu” thì dồn đậu phộng, gia vị vào bụng, đem chiên giòn để có một món nhậu khoái khẩu. Bên cạnh những đặc tính kể trên, cà cuống còn là một dược liệu trị bệnh đái dầm của con nít theo cách trị dân gian.
Vì là món thuốc, món ăn, nhậu cà cuống có giá. Chúng tôi tranh nhau tìm bắt, giành giật, bất kể những cái đau điếng, người tê nhức do càng cà cuống kẹp. Bắt được kha khá cà cuống là niềm vui lớn của bọn nhỏ chúng tôi thời ấy. Theo như ông tôi nói: “Cà cuống là một trong các loại sơn hào hải vị của nước ta. Nó thường được dùng làm phẩm vật triều cống cho vua Tàu thời xa xưa, với tên gọi là quế sâm”.
Bây giờ, ở nông thôn, người dân làm ruộng, rẫy, trồng vườn sử dụng quá nhiều phân vô cơ vun bón và thuốc diệt cỏ, trừ sâu nên chúng bị họa lây, nguy cơ sắp diệt chủng. Nhưng may thay vì cà cuống là món ăn ngon được nhiều người yêu thích, nên người ta nghĩ ra cách bảo tồn, duy trì nòi giống chúng bằng cách nuôi cho sinh sản trong hồ xây bằng xi-măng được trồng lục bình bao phủ mặt nước với thức ăn cho chúng là cá con.
Do bảo vệ tránh thất thoát và ảnh hưởng các yếu tố khách quan bên ngoài làm ảnh hưởng quá trình sinh sản, người ta dùng tấm khung có lưới che đậy bên trên mặt hồ. Vì thế, chúng ta hiếm khi thấy cà cuống xuất hiện bay trên bầu trời vào những cơn mưa thu cuối mùa như xưa. Tuy là món ăn dân dã, giờ thì không dân dã chút nào. Cà cuống được nuôi giá không còn rẻ là năm cắc, một đồng của tuổi thơ tôi. Người cung cấp cà cuống bán cho thị trường hay các nhà hàng loại cà cuống đông lạnh, một hộp 20 con với giá 500.000 đồng.
***
Sau những năm tháng xa quê,tôi về lại Cần Thơ, tìm đến quán cà phê xưa. Thật ngỡ ngàng với những đổi thay, mà cũng phải, hơn hai mười năm rồi còn gì. Ngồi nơi quán cũ nhưng chủ mới, hương vị cà phê mới cố chèn ép nỗi lòng hoài niệm cũ. Tự nhiên nghe thèm thèm, lại buồn lại nhớ. Tôi ngồi trông đợi tiếng rao gần gũi thân quen của những ngày tôi vất vả mưu sinh. Thời đó, cứ vào khoảng 15g thì lòng tôi bồn chồn mong đợi tiếng rao quen thuộc: “Ai ăn bánh cuốn chả lụa hôn”.
Tiếng rao khàn đục của dì Hai như tiếng một cánh cò thúc gọi giữa ban ngày. Tiếng rao ấy đã trở thành điệp khúc thân quen của bà con lao động nghèo sống trong con hẻm nhỏ của thành phố nằm ven sông Hậu hiền hòa “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”, nhưng mà rất nhiều lo toan. Thật vậy, như một cánh cò, dì đã quảy chiếc gánh trên vai. Với đôi chân bước vào tuổi gần năm mươi, dì đã đi qua không biết bao nhiêu ngả đường, con hẻm đến nỗi đã thuộc làu như bài học thuộc lòng thời còn tiểu học”.
Thời giờ ngựa chạy tên bay, hết khuya lại sáng hết ngày lại đêm. Ban ngày, dì gánh đi bán khắp nơi, về đêm từ 23g-2g khuya, dì trở về nơi quen thuộc của mình như một lô bán hàng đã được đăng ký hẳn hoi. Như thói quen không cần yêu cầu, dì làm cho tôi một dĩa bánh. Tôi nhớ giá thời ấy là 2.000 đồng, cũng có rau giá, bánh cuốn nhân thịt và thêm miếng chả lụa. Hôm nào, trong túi tôi có tiền khá hơn thì kêu dì làm dĩa 3.000 đồng. Quả thật, dĩa 3.000 đồng thì no lắm.
Lòng tôi thắc mắc, hỏi thăm dì, thì ra để có được dĩa bánh cuốn ngon cũng mất nhiều thời gian và sự khéo tay. Dì nói: “Nhân bánh phải xào trước sau đó mới tráng bánh. Nhân cũng đơn giản, không cầu kỳ, nấm mèo khô, rửa sạch, ngâm nước nóng cho nở, bằm nhỏ, thịt bằm, trộn với cũ hành bằm, ướp tiêu, muối, tí đường, bột nêm, trộn đều, xào chín. Sau đó, cắt củ hành tím từng lát mỏng, phi vàng.
Bánh ướt được làm từ 2 loại bột: bột gạo và bột bắp. Trước tiên, cho hai loại bột vào chiếc tô lớn, khuấy đều, để chừng một tiếng đến một tiếng rưỡi cho bột lắng xuống. Chắt bỏ lớp nước trong trên mặt tô, cho vào lượng nước khác bằng với lượng nước đã chắt; cho chút muối vào, khuấy đều, chịu khó làm như vậy giúp bánh sẽ trong, dẻo, thơm ngon hơn.
Bởi vì sử dụng bột gạo, bắp khô mua từ các tiệm tạp hóa, nên nếu lỡ mua nhầm bột cũ sẽ có mùi hôi. Tùy theo mỗi người có thể dùng chảo hay nồi để tráng, nhưng theo kinh nghiệm bánh tráng bằng nồi hơi nước ngon hơn. Cho nước vào nồi, bắc lên bếp, phủ lên mặt nồi miếng vải, căng cứng như mặt da của chiếc trống, đậy nắp. Khi nước sôi, vải nóng, mở nắp nồi, dùng cọ nhúng dầu ăn, thoa đều lên mặt vải.
- Xem thêm: Quà quê
Dùng vá múc bột nhẹ nhàng, đổ lên giữa tâm mặt vải, trở mặt vá dùng phần dưới tráng đều tay theo chiều kim đồng hồ cho bột lan dần ra bên ngoài thành hình tròn như ánh trăng rằm. Đậy nắp lại, hấp chừng 2-3 phút là bánh chín, dùng miếng tre dài như chiếc đũa bếp, nhúng vào nước lạnh, nhẹ nhàng gỡ bánh ra xếp lên dĩa, cho nhân thịt vào, khép hai bên bánh lại, cuốn bánh theo hình trụ giống như cuốn chả giò, rồi múc bột đổ vào khuông vải, tráng bánh tiếp”.
Tôi ăn xong dĩa bánh “nghe” bụng mình no nê. Miệng hít hà, mắt cay cay của tỏi, ớt lẫn niềm vui, nỗi buồn. Buồn cho những thân phận nghèo, vui vì hàng ngày còn gặp dì, ăn dĩa bánh cuốn.
Đó là cảm xúc của tôi thời đó. Còn nay trở về, bỡ ngỡ, vui với những đổi thay của bộ mặt thành phố quê nhà. Chiếc gánh ngày xưa không còn quằng nặng trên vai của dì, giờ nó tiếp tục trên vai cô con gái thứ ba. Lòng tôi chạnh buồn, ngùi thương khi hỏi thăm, biết dì hai vì dầm mưa dãi nắng, đã bị bệnh qua đời.
Vẫn hương vị bánh ngày xưa, nhưng tôi không còn cơ hội, tìm lại cảm giác, thưởng thức dĩa bánh cuốn ngon, giá rẻ của dì Hai cũng như tìm lại những hoài niệm tuổi trẻ tôi. Hàng ngày, vẫn còn đó những bước chân băng qua các đường, hẻm của thành phố trên vai quằn nặng gánh hàng rong và lời rao những món ăn khác với thanh âm khàn đục đau nhói tim.