Bản sắc sau hội nhập, đi về đâu? Một câu hỏi không dễ trả lời. Thế nhưng câu trả lời “một cơn gió bụi” đã xuất hiện trong bộ ảnh triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam tháng 5.2019. Đặc biệt gây ấn tượng với người xem là bộ ba ảnh chụp hiện trạng trước và sau khi giải tỏa cổng Nghĩa trang Trung Kỳ tại Hà Nội, một dấu vết ký ức có từ thế kỷ XIX.
Vấn đề bảo tồn các giá trị truyền thống giữa bối cảnh biến đổi văn hóa hiện nay, đã từ lâu là mối quan tâm của các lĩnh vực khoa học xã hội, kiến trúc và quy hoạch, nay còn của một lĩnh vực khác: nghệ thuật đương đại.
Truyền thống và nghệ thuật đương đại
Truyền thống và nghệ thuật đương đại, ban đầu, dường như là hai đối cực. Bởi, một bên đại diện cho hằng số của lịch sử, văn hóa, của quá khứ; còn bên kia đại diện cho thời đại mới với chất liệu, kỹ thuật và quan niệm mới, của hiện tại và thậm chí tương lai. Nên, nếu có hoài nghi về sự kết hợp giữa truyền thống và nghệ thuật đương đại, cũng đương nhiên thôi.
Nhưng thực ra nghệ thuật đương đại vốn đã chứa đựng những khả năng kết hợp với truyền thống. Bởi, các thành tố của nó như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật đa phương tiện, nghệ thuật nghe nhìn (audio-visual)… đã tự thân mang những đặc trưng “mở” rất rõ, như không gian đa chiều, tính tương tác thuận lợi… cho việc chuyển tải giá trị truyền thống.
Ý nghĩa lớn nhất của việc đưa truyền thống vào trong nghệ thuật đương đại, chính là mở ra cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa chúng. Thêm nữa, tính chất tương tác của nghệ thuật đương đại cũng giúp xóa bỏ khoảng cách hàn lâm với công chúng, đưa tác phẩm đến gần hơn với mọi người xem. Chính tính chất đó đã tạo nên những hiệu quả xã hội lớn của nghệ thuật đương đại, trong việc phổ biến và giáo dục các giá trị truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ trẻ nói riêng và đại chúng nói chung.
Nếu ở Việt Nam câu chuyện kết hợp còn nhiều bàn cãi, lưỡng lự, thì trên thế giới, sự kết hợp giữa truyền thống và nghệ thuật đương đại đã từ lâu được minh chứng thành công ở cả hai khuynh hướng.
Khuynh hướng thứ nhất, về mặt phương pháp là nghệ thuật đương đại-truyền thống (contemporary-traditional art), họ sử dụng các kỹ thuật cổ điển trong hội họa, điêu khắc để thể hiện chủ đề văn hóa đương đại. Khuynh hướng này được đào tạo rộng rãi tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật lớn trên thế giới như Học viện Nghệ thuật St. Petersburg, Nga và Học viện Nghệ thuật New York, Mỹ.
Khuynh hướng thứ hai, về mặt đề tài, là sử dụng nghệ thuật đương đại như một phương thức bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa truyền thống, mang lại nhiều bài học thành công như ở New Zealand với trường hợp kế thừa văn hóa của người Maori bản địa (giúp quốc gia này “thoát Âu”), ở Mỹ với Bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi thuộc viện Smithsonian, ở Trung Quốc với Học viện Nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh…
Người “giải phân mảnh truyền thống”
Nếu truyền thống giữa bối cảnh hiện đại thường tồn tại ở dạng những phân mảnh rời rạc, thậm chí vỡ nát (nằm trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc…), thì cách làm của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là giải phân mảnh truyền thống. Nôm na là họa sĩ đã tích hợp chúng (các mảnh) trong một logic, chỉnh thể mới, thuật ngữ gọi là “giải phân mảnh truyền thống”, và tổ chức chúng lại để hình thành những tổ hợp chỉnh thể nghệ thuật đương đại. Đây, dường như cũng là một cách khả thi để bảo lưu truyền thống giữa những tác động biến đổi và tiếp biến. Sự thích nghi của văn hóa truyền thống, thông qua nghệ thuật thể nghiệm, chính là nhận diện và đồng dạng với những yếu tố tương thích đến từ văn hóa hiện đại, trong khi vẫn giữ lại những giá trị đặc sắc riêng của nó (truyền thống).
Một trong những dự án hàn gắn đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại, chính là dự án Từ truyền thống tới truyền thống (do Nguyễn Thế Sơn làm giảng viên hướng dẫn và giám tuyển, sinh viên chuyên ngành lụa và sơn mài, Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện), với kết quả là triển lãm tranh lụa kết hợp với tranh Hàng Trống tổ chức tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống – Hà Nội, thờ năm vị thượng đẳng thần và công chúa Hà Duy), tháng 10.2020.
Nhắc đến tranh Hàng Trống, là nhắc đến một trong những di sản cổ truyền độc đáo của xứ sở kinh kỳ với lịch sử trên 400 năm, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đặc trưng. Nhưng bởi biến động lịch sử và xê dịch sinh kế, dòng tranh này đã mai một, chỉ còn được lưu giữ trong trí nhớ những vị cao niên và tại một số gia đình hay viện bảo tàng. Trước nguy cơ rơi vào quên lãng, tranh Hàng Trống chỉ có thể tồn tại nếu được thổi vào sức sống mới và đưa vào đời sống đương đại. Ông Sơn làm việc đó.
Như một nỗ lực đối thoại và tiếp biến, các sinh viên tham gia dự án với sự dẫn dắt của ông Sơn, đã được tiếp xúc với nghệ nhân chân truyền cuối cùng của tranh Hàng Trống, Lê Đình Nghiên. Bằng nền tảng được đào tạo về tranh lụa và sơn mài, đồng thời được tiếp thu các kỹ thuật cơ bản của tranh Hàng Trống, các tác giả trẻ tham gia dự án đã ứng tác những tác phẩm thể hiện motif, tinh thần tranh Hàng Trống trên những chất liệu mới, cách thức mới, và quan trọng hơn, mang một tư duy mới. Hơn nữa, những tác phẩm được trưng bày trong không gian đình Nam Hương không chỉ đơn thuần mang giá trị nghệ thuật tự thân của mình, mà chúng còn tương tác với những thành phần, cấu kiện khác (điêu khắc, kiến trúc..), để biến không gian ngôi đình cổ trở thành một chỉnh thể nghệ thuật công cộng hoàn chỉnh, mang tính chất của nghệ thuật tích hợp, tổng hòa.
Ngoài ra, triển lãm tiếp nối về tranh lụa mang tên Chuyển dịch mong manh vừa qua tại Manzi Art Space (Hà Nội) cũng là một phần trong kế hoạch ươm mầm phát triển các nghệ sĩ trẻ của ông Sơn, song song với việc tạo dựng một bộ phận công chúng trẻ yêu nghệ thuật, tìm hiểu, biết trân trọng các giá trị truyền thống. Ông Sơn cho rằng, trên chiếc cầu nối bắc ngang giữa truyền thống và hiện đại mang tên “nghệ thuật đương đại”, thế hệ trẻ là một nhân tố quan trọng, chuyên chở và tiếp nối ký ức.
Nghệ thuật của nơi chốn
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, các dự án của ông chịu sự ấn định của nơi chốn. Nơi chốn, vừa là không gian vật lý để thiết lập tác phẩm, vừa là không gian văn hóa khởi sinh chủ đề của tác phẩm. Những tác phẩm nổi bật thực hiện tại không gian công cộng (nơi chốn) của ông có thể kể tới: Máy nước thời gian và Những người chở, sắp đặt và bích họa, trên phố Phùng Hưng (Hà Nội, 2018); tác phẩm sắp đặt Hành trình lịch sử, hai tác phẩm nhiếp ảnh Hà Nội – Huế – Sài Gòn, Đình Bảng tại đường hầm tòa nhà Quốc hội, 2018; Gánh hàng rong từ vật liệu tái chế inox gương và phiên bản hai tấm phù điêu Nông nghiệp và Ngư nghiệp tại phường Phúc Tân (bên sông Hồng Hà Nội, 2020). Với mục tiêu hướng tới cộng đồng, khơi dậy ký ức cộng đồng về văn hóa và lịch sử, thậm chí còn góp phần cải tạo cảnh quan và nâng cao nhận thức về giữ gìn môi trường, các dự án và tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn đã nhận được sự đề xuất và ủng hộ từ chính những cơ quan quản lý văn hóa.
Còn triển lãm nghệ thuật ECO-SUS mang chủ đề Phát triển bền vững, do Nguyễn Thế Sơn làm đồng giám tuyển, bắt đầu từ ngày 8.4.2021, diễn ra tại khuôn viên Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), như một minh chứng thành công bước đầu về một không gian tư nhân được khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng sang phục vụ nghệ thuật.
Trung tâm ICISE do giáo sư Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) – đầu tư xây dựng đặt tại Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Tổ hợp này nằm trên diện tích 20ha, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 10km, phía Đông là bãi biển dài 300m, phía Bắc là một khu rừng dừa và phía Nam là các vách đá. Hằng năm, Trung tâm là địa điểm tổ chức hai mươi sự kiện khoa học quy mô trong nước và quốc tế, tiếp đón hàng nghìn nhà khoa học nước ngoài đến với Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra khiến các hội thảo quốc tế của Trung tâm ít nhiều bị đình trệ, lại tạo cơ hội cho một cuộc gặp gỡ giữa khoa học và nghệ thuật.
Dự án Nước Mặn Làng Sông trưng bày trong khuôn khổ triển lãm ECO-SUS của ông Sơn, là kết quả của sự say mê hai địa danh cổ – cảng Nước Mặn và Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có dấu chân của những giáo sĩ Dòng Tên Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristophoro Borri, những người nghiên cứu và sáng chế chữ quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất ở Bình Định. Và sâu xa hơn, nó là một hành trình lịch sử – văn hóa nhằm tìm về cội nguồn chữ quốc ngữ, khám phá một chặng quan trọng trong sự vận động ngôn ngữ Việt từ chữ Hán Nôm đến quốc ngữ.
Bằng những dự án của mình, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho thấy, truyền thống có thể được bảo tồn và mở rộng thông qua nghệ thuật đương đại. Truyền thống, lúc này, được tái cấu trúc, không những đồng hiện với hiện đại, còn góp phần phát triển không gian nhân văn của cộng đồng. Ông Sơn thuộc số ít người đã có tư tưởng và phương pháp thực hành của mình.
Liệu đây có phải là một kiến giải cho các ngành khoa học xã hội khác về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống trong bối cảnh hiện đại?
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành hội họa của Đại học Mỹ thuật Hà Nội và chuyên ngành Trung – Anh của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; thạc sĩ nghệ thuật chuyên ngành nhiếp ảnh nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA). Hiện Nguyễn Thế Sơn làm giảng viên tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Một số triển lãm gần đây: Đô thị và ký ức, triển lãm cá nhân (AGOhub, Hà Nội, 2018); Núi liền núi, sông liền sông, triển lãm cá nhân (Lumenvisum Art space, Hongkong, 2019); Collective City – thành phố tập thể, triển lãm cá nhân (Seoul Biennale, Hàn Quốc, 2019); Bản sắc và hội nhập, triển lãm nhóm (Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 2019); Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, 2020); Từ truyền thống tới truyền thống, giám tuyển (đình Nam Hương, Hàng Trống, Hà Nội, 2020); Chuyển dịch mong manh, giám tuyển (Manzi Art Space, Hà Nội, 2021); ECO-SUS – Phát triển bền vững (Trung tâm ICISE, Quy Nhơn, 2021)…