Nếu trong quan niệm thông thường của mọi người, chuột là loài vật phá phách, gây nhiều mối hại cho cuộc sống, thì như ngược lại, hình tượng của nó trong văn học gần như được bù đắp, đó là: Dễ mến. Đáng thương. Vui vẻ. Tinh nghịch… Trong một bài viết về chuột ở một mùa xuân năm Tý, nhà nghiên cứu Đặng Tiến cũng từng có chia sẻ tương tự: “… Có lẽ vì vậy mà chuột đứng đầu trong hàng can chi, và nhiều người tin năm Tý là năm may mắn. Ở đời, không có gì may mắn bằng chuột sa chĩnh gạo. Đón mừng xuân năm Tý, mình cứ chúc nhau dân dã như thế…”.
O Chuột của Tô Hoài
Trong bộ sách phê bình văn học Nhà văn hiện đại, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nêu nhận định về tập truyện ngắn O chuột của Tô Hoài (1920-1914): “Tô Hoài tỏ ra không giống một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông… Những con vật trong tập truyện ngắn này của Tô Hoài lại là những loài ở gần người nên những tập tục, những cảnh vui buồn của loài người đều ảnh hưởng ít nhiều đến chúng. Chính vì lẽ ấy mà với tập O chuột này ta nên đọc với con mắt riêng, không nên phân biệt người với vật, vì ở đó, vật cũng là người, và nếu có người, thì người cũng gần như vật.
Trong hồi ký của mình, nhà văn Tô Hoài cũng cho biết, O chuột là truyện ngắn đầu tiên, mở màn cho loạt truyện viết về loài vật của ông. Tập truyện ngắn O chuột in trong tủ sách Những tác phẩm hay, nhà Tân Dân (1942), do Vũ Ngọc Phan đề tựa. Một điều thú vị, là nội dung truyện ngắn O chuột viết về con mèo và nhiều con chuột nhắt, nhưng mới nhìn vào tựa đề, bạn đọc rất dễ nhầm tưởng truyện viết về một “cô” hoặc một “thím” chuột nào đó, cho đến khi gặp ở đoạn kết “cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột”, thì mới hiểu ra “o” ở đây là “rình”, tức là “rình chuột” chứ không phải là cô chuột, thím chuột nào cả.
Ngoài truyện ngắn O chuột, Tô Hoài còn có nhiều truyện ngắn, bút ký khác về chuột. Và điều đáng nói, cũng tương tự như họa sĩ Walt Disney (cha đẻ của nhân vật phim hoạt hình Mickey nổi tiếng thế giới), Tô Hoài thường viết về chuột bằng sự quan sát tinh tế và cái nhìn trìu mến, thương cảm, thậm chí ông còn lồng vào đấy những thân phận người cùng biết bao nỗi đời cơ khổ, tù túng.
Sinh thời, trong đời thực nhà văn Tô Hoài cũng “ưu ái” với loài chuột như những điều ông đã phơi trải trên trang giấy. Có lần một nhà báo đến nhà ông thăm chơi đã hỏi: “Thưa nhà văn, tại sao ông lại “nương nhẹ” với loài chuột như vậy, trong khi mọi người…?”. Ông trả lời: “Chuột là giống nhỏ bé, lành hiền, hay bị các loài vật khác ăn thịt. Bản thân nó cũng chẳng ăn thịt con vật nào bao giờ. Riêng tôi, tôi đã phát biểu rồi, tôi rất có cảm tình với loài chuột, vì chuột đã… “nuôi tôi”. Truyện O chuột in lần đầu, tiền nhuận bút đã giúp tôi được bao nhiêu việc. Cho đến tận bây giờ, cuốn sách vẫn còn tiếp tục được tái bản”.
Chuột trong truyện ngụ ngôn La Fontaine
Trong nhiều truyện thơ ngụ ngôn của La Fontaine (phần lớn do Trương Minh Ký và Nguyễn Văn Vĩnh chuyển ngữ), có khá nhiều truyện viết về chú chuột rất quen thuộc và thú vị như Chuột tỉnh và Chuột đồng, Hội đồng Chuột, Sư tử và Chuột…
Bài thơ Chuột tỉnh và Chuột đồng bắt đầu câu chuyện bằng lời kể “ngày xưa” đơn giản: “Ngày xưa, anh Chuột tỉnh/ Mời chú bạn Chuột đồng/ Một cách rất lịch thiệp/ Dự tiệc thừa nem công”. Thế nhưng, gã Chuột nhà quê lên tỉnh còn đang ngơ ngác trước những phút giây long trọng: “Trên khăn bàn thổ cẩm/ Bát đĩa bày xênh xang” và tiệc tùng thịnh soạn: “Chè chén tươm ra phết/ Cao lương chẳng thiếu gì” thì chỉ với một tiếng động ngoài cửa là Chuột đồng đã phải nhanh chóng phóng theo anh bạn Chuột tỉnh chuồn lẹ… Câu chuyện kết thúc nêu ra một chân lý bình dị: Miếng ăn đạm bạc vẫn hạnh phúc hơn là cao lương mĩ vị nhưng cứ phập phồng lo sợ. Câu chuyện Chuột tỉnh và Chuột đồng về sau còn được biết nhiều qua một bức tranh của họa sĩ Gustave Dore và các loại hình nghệ thuật khác.
Còn Sư tử và Chuột mở đầu bằng lời dẫn dắt: “Với mọi người vui lòng giúp đỡ/ nhiều khi cần kẻ nhỏ hơn ta”. Câu chuyện kể sư tử trong một lần sa cơ lọt vào tấm lưới, không ngờ đã được chính chú chuột nhỏ bé ngày xưa mình đã tha mạng, xông vào gặm nhấm lưới để Chúa sơn lâm thoát thân. Song thú vị và được truyền tụng nhiều nhất có lẽ là bài thơ Hội đồng Chuột, bởi sự phê phán về thói nói nhiều làm ít và vô trách nhiệm của tập thể vẫn xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Sự việc đầu tiên để hình thành nên Hội đồng Chuột, đó là sự xuất hiện của một gã mèo hung dữ đang gieo rắc tai họa cho loài chuột: “Một con mèo là Trạng Mỡ/ Bắt chuột nhiều long lở hầm hang/ Mèo đâu dữ dội lạ dường/ Để cho đến nỗi sạch quang trong ngoài/ Họa còn sót lại hai chú lỏi/ Đố dám thò ra khỏi cửa hang/ Chú nào cũng đói họng gang/ Trông thấy Trạng Mỡ coi dường yêu tinh”.
Thừa cơ một buổi Trạng Mỡ đang bận việc đi tìm “mèo mỡ”, bọn chuột rủ nhau lập hội đồng để tìm mưu, tính kế, đưa ra giải pháp để cứu nhà họ Tý. Và giải pháp đề xuất sáng giá nhất đã được Hội đồng thông qua: “Liệu mau mau trong nước hiểm nghèo/ Đem chuông mà buộc cổ mèo/ Để cho khi hắn leo trèo tìm ta/ Leng keng nghe hiệu là ta chạy”. Hội nghị sắp đến hồi thành công tốt đẹp, thế nhưng lúc đưa ra giải pháp thực hiện thì chỉ thấy bàn bạc dăm ba lời là hội đồng lập tức giải tán: “Duy còn một việc đeo chuông/ Nghe hơi khó tìm phương thi hành/ Hỏi lũ chuột thì anh từ cáo/ Anh lại rằng: – Đây lạo dại gì?/ Đã đành nơi chết ai đi/ Ngẩn ngơ một lát rồi thì hội tan”.
Chuyện Despereaux – Kate DiCamillo
Chuyện Despereaux là tác phẩm của nhà văn Kate DiCamillo (NXB Hội Nhà văn, 2016) là một trong 8 cuốn sách viết về động vật bán chạy nhất trong những năm gần đây. Tác giả mở đầu câu chuyện như sau: “Ngày xửa ngày xưa, có một chú chuột tên là Nỗi Thất Vọng. Chú bé nhỏ một cách buồn cười trong khi hai tai thì to đến kỳ dị. Thay vì mải mê kiếm tìm vụn bánh, tất cả những gì chú quan tâm là âm nhạc, ánh sáng và những câu chuyện cổ. Và chú còn đang yêu nữa, yêu một nàng công chúa…”.
Cứ như thế, câu chuyện cổ tích về Despereaux lãng mạn đáng yêu về nàng công chúa và chàng hiệp sĩ; câu chuyện đầy chất phiêu lưu giữa ánh sáng lâu đài và bóng tối hầm ngục; câu chuyện khiến ta rung động từ sâu thẳm tâm hồn về một chú chuột đã dám trở nên khác biệt và nhờ đó, trở thành anh hùng… Chuyện Despereaux đã giành Huân chương Newbery 2003 và được hãng Universal Pictures dựng thành phim hoạt hình năm 2008, với sự tham gia lồng tiếng của hai diễn viên nổi tiếng Dustin Hoffman và Emma Watson.
Của chuột và người của John Ernst Steinbeck
Đây là một cuốn tiểu thuyết mỏng, lấy bối cảnh nước Mỹ thời Đại suy thoái, kể một câu chuyện chân thực và hấp dẫn, dù bi kịch, về hai kẻ bên lề cố gắng tìm lấy một chỗ cho mình trong một thế giới nghiệt ngã. Lang thang khắp nơi tìm việc, George và Lennie, người bạn to lớn ngờ nghệch của hắn, chẳng có gì ngoài một giấc mơ chung: rằng một ngày nào đó họ sẽ kiếm đủ tiền để mua một trang trại. Truyện có vẻ chẳng liên quan gì đến loài chuột, ngoại trừ chi tiết: gã Lennie khờ khệch kia thường thích chơi với những con vật nho nhỏ, mềm mềm như thỏ, chuột… và hầu như lúc nào cũng giấu trong người một con chuột để vuốt ve thỏa thích.
Đầu tiên, Steinbeck (1902-1968) đặt tên Something That Happened (Một điều gì đã đến) cho cuốn tiểu thuyết này, nhưng ông đổi lại là Of Mice and Men sau khi đọc bài thơ “To A Mouse” của nhà thơ xứ Scotland, Robert Burns (1759-1796). Câu thơ nói về nỗi hối tiếc của một nông dân khi lưỡi cày của ông ta phá vỡ ổ chuột: “Nhưng chuột nhỏ ơi, mày không đơn độc/ Khi cho thấy lo xa có thể hão huyền/ Vì các toan tính kỹ nhất của chuột và người/ Thường sai lệch/ Và chỉ để lại cho chúng ta nỗi đau buồn/ Thay vì niềm vui mong đợi!”. Và câu chuyện trong tác phẩm ấy đã diễn ra như trong chính cuộc đời này, những dự định tốt nhất thường đổ bể, những giấc mơ đẹp nhất thường không thành, mọi hy vọng của họ đã bị kết liễu ngay khi số phận đẩy Lennie ngờ nghệch đến chỗ gây ra một tội lỗi không thể sửa chữa, để rồi từ đó hy vọng lao thẳng tới thất vọng và tất cả rơi vào một kết cục bi thảm không thể vãn hồi…
SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái
SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái (NXB Trẻ, 2011). Sách gồm 11 chương giữa mang nội dung chính xoay quanh chuyện tiêu diệt chuột, lấy bối cảnh là một thành phố lớn. Mở đầu là một trận lụt. Kết thúc bằng một trận hạn hán.
- Xem thêm: Văn học Việt Nam rất đáng đọc
Qua ngòi bút tài hoa của mình, bằng giọng văn giễu cợt, trào lộng, hài hước, tác giả đã thể hiện một bức tranh hiện thực huyền ảo về cuộc chiến giữa Chuột và Người với tất cả sự hổn độn, xấu xa hiện hữu trong cuộc sống đầy sâu cay và lôi cuốn. Từ chuyện buôn đất, làm sân golf, phá biệt thự cổ, ma túy đến chuyện xã hội đại gia và chân dài, nữ doanh nhân ham việc quên lấy chồng…
Toàn bộ các tuyến nhân vật trong SBC là săn bắt chuột hầu như đều xa, gần liên quan đến cuộc đấu giữa người với băng đảng Chuột Trùm. Ở đó, có những huyền ảo: chuột thành tinh, đi lại nói năng như người và những người liên quan đến vụ xâm lấn lãnh thổ chuột bị mất trọng lượng, cứ chực tuột ra bay lên không như quả bóng… Phía sau những bi hài, hiện thực, huyền ảo ấy, hai nhân vật chính là Chàng (một nhà báo) và Nàng (một nữ doanh nhân) cũng dẫn dắt người đọc đến hồi kết với những chiều hướng thuận tình và có hậu.