Hơn 25 năm qua, thực phẩm chức năng (TPCN) đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản, Australia… Ở Mỹ, cứ 100 người thì có khoảng 72 người sử dụng TPCN, còn ở Nhật, trung bình mỗi người chi một khoản tiền tương đương 2,6 triệu đồng cho TPCN mỗi năm. Tại Việt Nam, tuy chỉ mới phát triển trong chục năm nay nhưng TPCN đã được sử dụng khá phổ biến từ thành phố đến nông thôn. Ông Trần Đán – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết hiện nay, trong số 100 người lớn thì đã có khoảng 48 người sử dụng loại thực phẩm này. Tính đến năm 2011, cả nước có khoảng 1.600 cơ sở sản xuất với 3.700 sản phẩm TPCN các loại.
Kết quả khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy người dân hiện nay chủ yếu sử dụng TPCN theo quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, theo lời khuyên truyền miệng, rất ít người dùng được bác sĩ tham vấn, do đó đã có những trường hợp sử dụng TPCN không có lợi, mà lại tạo ra ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Một số trường hợp sử dụng TPCN vô tội vạ ngay trong quá trình điều trị một bệnh mãn tính như viêm khớp, đái tháo đường… khiến cho việc điều trị không hiệu quả do xảy ra tương tác giữa TPCN và thuốc. Có người còn tự ý ngưng dùng thuốc và dùng TPCN để thay thế, hậu quả là bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt loại thực phẩm này so với thực phẩm truyền thống và thuốc để sử dụng hợp lý hơn.
Phân biệt thực phẩm chức năng với thực phẩm truyền thống và thuốc
Thực phẩm chức năng và thực phẩm truyền thống (TPTT) đều là những loại thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên (thịt, cá trứng, rau, củ…) và đều có chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng hai loại thực phẩm này có một số điểm khác nhau như sau:
Thứ nhất, TPCN mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn TPTT như: giảm cholesterol, giảm huyết áp, chống táo bón, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột…
Thứ hai, TPTT được chế biến thô (không loại bỏ các chất bất lợi cho sức khỏe) còn TPCN được chế biến tinh (bổ sung thành phần có lợi, loại bỏ bớt chất bất lợi), được khoa học chứng minh và cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Thứ ba, so với TPTT thì TPCN tạo ra ít năng lượng (calorie) hơn nhưng lại chứa nhiều dưỡng chất hơn. Vì vậy mà TPCN luôn được sử dụng với liều dùng rất nhỏ (thường tính bằng gram hoặc miligram). Chẳng hạn, chỉ một viên vitamin tổng hợp vài miligram có thể cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho hoạt động hằng ngày.
Thứ tư, hầu hết TPTT sử dụng được cho mọi đối tượng còn TPCN cần phải có định hướng cẩn thận với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, các đối tượng bệnh mãn tính…
Thực phẩm chức năng giúp giảm cân được quảng cáo tràn lan trên internet
Theo Luật Dược năm 2005, thuốc là chất hoặc hỗn hợp dùng mục đích chẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế. Còn TPCN là sản phẩm dùng để hỗ trợ (phục hồi, duy trì và tăng cường) các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Chúng ta có thể phân biệt TPCN với thuốc dựa trên các yếu tố sau:
Thứ nhất, thuốc có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, sử dụng theo từng đợt điều trị còn TPCN chỉ có nguồn gốc tự nhiên và có thể sử dụng thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, thuốc chỉ sử dụng cho người bệnh còn TPCN có thể sử dụng cho cả người bệnh và người bình thường. Khi sử dụng thuốc phải có chỉ định, kê đơn của bác sĩ, dược sĩ còn TPCN thì được bán công khai ở nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trên mạng…
Một số lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng
Trên thực tế, sử dụng TPCN đã trở thành một nhu cầu khá phổ biến. Theo các nghiên cứu ở Mỹ, hầu hết chúng ta đều bị thiếu các vi chất dinh dưỡng, một số người bị thiếu trầm trọng, ngay cả những người trẻ tuổi và ăn đủ tiêu chuẩn năng lượng mỗi ngày cũng vẫn bị thiếu. Nhiều người chọn sử dụng TPCN nhằm bổ sung cho cơ thể những vitamin và khoáng chất là những nhóm chất hữu cơ cần thiết mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Một số sản phẩm TPCN có bán tại Việt Nam hiện nay là:
– Thực phẩm chức năng giúp chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ (chiết xuất vitamin A, E, D từ trái nhàu, tỏi, măng cụt, việt quất, sắn dây, cỏ ba lá…).
– Thực phẩm chức năng tạo sức khỏe sung mãn (cung cấp vitamin, khoáng chất, acid amin và các hoạt chất sinh học nhằm tăng cường cấu tạo các cơ quan trong cơ thể và thúc đẩy sự nhanh nhạy của quá trình trao đổi chất).
– Thực phẩm chức năng giúp tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật.
– Thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa bệnh tim mạch.
– Thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa bệnh ung thư.
– Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, gout, thiếu máu, suy nhược cơ thể, bệnh nội tiết…
– Thực phẩm chức năng hỗ trợ làm đẹp: da, tóc, toàn cơ thể…
– Thực phẩm chức năng dành cho người có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt (như sản phẩm dành cho người ăn uống qua ống thông dạ dày…).
Các loại TPCN thường được sản xuất và bày bán trong bao bì giống chai lọ thuốc, còn dạng bào chế là viên nén, viên nang giống như viên thuốc. Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các loại TPCN đều phải ghi rõ trên bao bì dòng chữ “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc” để tránh sự nhầm lẫn. Thế nhưng mọi người vẫn truyền cho nhau những lời đồn đại không chính xác, thậm chí trên một vài kênh truyền hình vẫn tràn lan những quảng cáo nói quá sự thật nên nhiều người vẫn xem TPCN là thuốc chữa bá bệnh. Vì vậy mà vẫn có nhiều người vẫn tự ý sử dụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, dẫn đến những tác hại với sức khỏe. Triệu chứng thường gặp là nổi mề đay, mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đỏ mắt, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, trụy tim… Các tác dụng phụ đó càng dễ gặp và cũng nghiêm trọng hơn ở phụ nữ có thai hay trong thời gian cho con bú, ở các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
Thực phầm chức năng không thể dùng chung cho mọi lứa tuổi. Trên thị trường hiện có hai loại TPCN, một dành cho người trung niên, lão niên và một dành cho thanh thiếu niên. TPCN cũng không thể dùng chung cho mọi thể trạng. Với các loại TPCN giúp giảm cân thì không thể đạt hiệu quả nếu không kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý.
Hiện nay, các sản phẩm TPCN rất đa dạng và phong phú nên hiển nhiên, trong đó có khá nhiều sản phẩm làm giả, không đảm bảo chất lượng. Trong năm 2011, Hội TPCN Việt Nam đã phát hiện và xử lý ba cơ sở vi phạm trong số gần 1.700 cơ sở sản xuất không đạt chất lượng và vệ sinh an toàn. Trước tình trạng hàng kém chất lượng có xu hướng tràn lan, nếu có nhu cầu, người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin trên những kênh thông tin chính thống và tìm mua những sản phẩm đảm bảo chất lượng của các nhà sản xuất có uy tín hoặc những hiệu thuốc có đăng ký, tránh mua từ các nhà phân phối trên mạng. Cũng theo TS Trần Đán, trước khi dùng TPCN, chúng ta cần kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát về mỡ máu, đường máu, huyết áp… Sau khi sử dụng từ ba tháng trở lên, nên kiểm tra xem TPCN có thực sự có hiệu quả với sức khỏe hay không.
T.N