Tam thích các việc tỉ mỉ đúng kiểu con gái nữ công gia chánh. Ngày còn bé bà ngoại dạy cho Tam biết làm đủ thứ, nấu ăn, may vá, thêu thùa, mỗi ngày một chút nên khi lớn lên Tam như tự nhiên biết làm những việc đó, không gặp khó khăn gì và cũng không thắc mắc sao những cô gái trạc bằng mình bây giờ không biết làm những việc này.
Bởi Tam mồ côi mẹ từ lúc mới lọt lòng. Bởi như bà ngoại nói Tam học chữ chậm hơn người ta nên được ông trời bù cho năng khiếu khác. Còn bởi Tam hiền lành, an phận nữa. Nhà ngoại nghèo, Tam học hành trầy trật nhưng cũng qua được lớp 10. Mùa hè chuẩn bị lên lớp 11 Tam bị trái rạ nổi đầy người, mắc cỡ vì bị bà ngoại thoa nước vỏ cây me vàng ệch khắp người nên Tam trốn học rồi từ từ nghỉ luôn. Khi ngoại hay thì chỉ còn cách lắc đầu, cái số mày nó vậy con ơi. Giọng ngoại bùi ngùi, Tam không biết là ngoại đang trách hay thương đứa cháu khờ sớm mồ côi mẹ.
Tam không phải hỏi ba mình là ai bởi ba Tam cũng hay qua nhà thăm, đôi khi là vài nải chuối, bọc nylon cá. Những lần như vậy thưa dần khi Tam lớn lên. Ba còn có gia đình riêng với nhiều lo toan khác, đứa con gái không tự tay nuôi dưỡng chắc cũng chỉ được ba nhớ đến khi tâm trí có chút thảnh thơi.
Ngày Tam cưới chồng, mang cái thiệp lên nhà gửi cho ba, nghĩ bụng cứ thấy sao mà là lạ, ai đời đám cưới con gái mà ba ruột được mời. Ngoại nói thôi thì gửi cho tiện lời, chứ lên đó nói dông dài cũng không biết nói cái chi. Tam đi lấy chồng bằng một cái đám cưới nhỏ, nhỏở một cái xóm nhỏ tức là nhỏ lắm. Tam cũng không buồn dù nghe phong thanh ai đó nhắc lấy chồng thành phố mà sao không làm đám cưới rình rang cho nở mày mặt. Nhà chồng Tam cũng không khá mấy nên tiền vàng cưới cũng cho đủ lệ.
Hôm rước dâu ba Tam dúi vào tay con gái một cái bao thư đã nhàu, chắc ba đã cất nó kỹ lắm để lựa lúc chỉ có hai cha con thì mới đưa. Tam không có nhiều thời gian để nói chuyện với ba mà cũng không biết nói gì, thấy lòng nghèn nghẹn, chỉ biết siết chặt bàn tay chai cứng của ba. Trong nhà ai đó giục Tam ra làm lễ vì nhà trai đang chờ, ngoại dặn một đi là không trở lại nữa nên Tam bước ra khỏi cửa buồng là không được quay vô, lén nhìn lại thấy ba cũng luống cuống sửa vội cái cà vạt ngường ngượng vì không quen, ba cũng ra ngồi sui chứ bộ.
Sau này chồng Tam có hỏi sao bà con bên em ít vậy. Lần nào Tam cũng cười, ở quê chỉ vậy thôi, Tam đâu có nhiều bạn bè, có hai đứa bạn sát nhà chơi thân hồi nhỏ nhưng đám cưới Tam tụi nó cũng ở thành phố không về được. Nghe Tam lấy chồng thành phố đứa nào cũng háo hức hỏi thăm, chắc không ai ngờ con bé hiền lành nhút nhát như Tam lại có ngày rời cuộc sống ở quê để đến cái thành phố nổi tiếng phồn hoa như Sài Gòn sống lâu dài. Người ta làm mai, rồi như một cơ duyên chồng Tam cũng không chê nên cứ thế thành vợ thành chồng.
Chồng Tam làm cho một công ty chuyên về in ấn, ngày nào cũng đi từ sáng sớm có khi đến nửa đêm mới về. Lắm lúc buổi tối phải ngủở công ty để chạy hàng cho kịp, những mùa cao điểm như cuối năm thì phải túc trực ở nhà in để xem mẫu in nên chẳng mấy khi Tam được chồng đưa đi đây đó. Tam giết thời gian nhàn rỗi bằng các xấp hàng chồng mang về, gấp nếp, rọc phách, nói chung là các việc thủ công. Dù không thú vị nhưng Tam cũng cố gắng vì thấy giúp được cho chồng, mẹ chồng Tam nói đó cũng là cách để kiếm thêm thu nhập dành dụm tiền nuôi con sau này.
Chồng Tam thích có con trai. Lấy nhau rồi thì có con luôn, chồng Tam nói vậy nên Tam cũng không thắc mắc, không suy nghĩ nhiều, có chồng rồi thì sống cho chồng con, ngoại Tam luôn nhắc vậy. Gần hai năm, Tam thấy lo lắng, mẹ chồng cũng lo lắng, chồng Tam càng nôn nóng hơn. Rồi Tam có thai, nó đến ở thời điểm chín muồi của sự mong đợi nên ai cũng vui mừng. Tam ở nhà nấu ăn, đó là một công việc nhẹ nhàng với Tam bởi chồng Tam không còn đem hàng về cho Tam làm nữa, mẹ chồng cũng giành phần đi chợ rồi.
- Xem thêm: Cuống rốn
Đến tháng thứ tư Tam hay thấy hay bị đau ở bụng dưới, ngực hơi khó thở nhưng Tam không thấy mệt, Tam thích nhất thời gian đó. Tam đi chợ mua vải về tỉ mẩn cắt để may đồ cho con. Con Tam sinh năm này thì mạng mộc nên nó thích hợp với màu xanh, Tam may đủ thứ nào gối, nón rồi áo và bao tay, thứ nào cũng nhỏ nhỏ xinh xinh như đồ của búp bê mà Tam hay chơi hồi bé. Tam cẩn thận cắt từng mối chỉ thừa, làm khuy rồi đơm nút, áo cho con nít phải đơm nút bóp để khi con nằm không bị cấn. Tam cũng nhờ bà xin vỏ đậu xanh làm giá từ nhà hàng xóm gửi lên cho Tam, nghe nói gối vỏ đậu không chỉ hút mồ hôi mà còn giúp cho em bé ngủ không bị giật mình. Ngày nào Tam cũng ngồi may rồi thêu mấy cái bông hoa xinh xinh lên ngực áo bé xíu, tên con chắc để cho bà nội đặt nên sau này có tên rồi Tam sẽ thêu lên áo cho con.
Tam ước ao con sẽ mặc những chiếc áo Tam may rồi lớn nhanh như trái bầu trái bí, Tam sẽ phải may nhiều mới kịp cho con thay. Tam còn may thêm mấy cái đồ treo nôi để nhìn cho vui mắt, khi nào con lớn thì sẽ may cho nó cái túi đựng sách vở như hồi còn nhỏ bà ngoại đã may cho Tam… Nằm trên giường bệnh, Tam vẫn còn nhớ rất rõ những giấc mơ của mình, trong đó con của Tam chạy tung tăng trên cỏ đuổi theo đám chuồn chuồn, ngực con còn phập phồng cái yếm của Tam may, triền đê phủ đầy hoa bìm bịp màu vàng quen thuộc y chang bờ ruộng sau nhà Tam, chợt bóng con Tam xa dần xa dần rồi chỉ còn lại một vùng trắng vàng đục của tấm ga giường cũ dưới chân Tam đang nằm. Ở đây lạnh lắm mà sao người ta còn mở máy lạnh, Tam nằm lặng yên nghe ê ê ở thân dưới, môi và cổ họng khô khốc, mắt Tam nằng nặng mở không lên dù Tam biết có thể mình đã mê đi một giấc dài…
Ngoại khóc, lần nào gọi cho Tam ngoại cũng như muốn khóc. Không khóc sao được khi Tam nói con của con không được mặc đồ con may rồi ngoại ơi. Ngoại an ủi thôi đồ còn đó, rồi con sẽ có đứa con khác, mai mốt đẻ nhiều quá rồi may không kịp cho tụi nó bận đâu. Tam cười cho ngoại vui chứ làm sao có thể nói cho ngoại biết những điều bác sĩ đã nói với Tam. Má chồng Tam nói gần sinh người ta mới mua đồ cho em bé, Tam mới có thai mà đã bày biện may vá suốt ngày, cái điềm không tốt mà không biết nghĩ để kiêng.
Chồng Tam im lặng. Chồng Tam bình thường vốn đã ít nói, giờ lại càng ít nói hơn, đi về cứ như chiếc bóng, Tam không còn nhiều việc để làm vì chồng Tam không mang hàng về nữa. Mỗi ngày đi lên xuống cái gác nhỏ gần chục lần, buổi trưa thì trên gác nóng hừng hực nên Tam ở dưới nhà, nhà dài chưa đến chục mét nên đi tới đi lui lại đụng mẹ chồng. Mẹ chồng Tam dạo này ít đi chùa, trưa nào cũng nằm trên cái ghế bố cũ xem tivi, thỉnh thoảng lại chép miệng phải chi nhà có đứa con nít bi bô cho đỡ buồn.
Mỗi lần như vậy Tam lại thấy mình như người có lỗi, tìm cách lau cái này chùi cái kia để tránh đi chỗ khác.Má chồng Tam cần cháu, Tam không biết chồng Tam cần gì, cần con hay có cần vợ không, Tam chưa bao giờ hỏi cho đến một ngày chồng Tam nói là có người đã sắp sinh con cho anh ta thì Tam đã tự trả lời được, chắc chồng Tam cần con hơn, mà Tam thì không làm được điều đó.
Ở lớp học làm bánh không ai biết Tam đã có chồng. Tam trẻ nhất, lấy chồng năm mười chín tuổi, giờ hăm ba nhìn như đứa sinh viên gốc tỉnh. Mấy chị mấy dì trong lớp đi học lớp bánh gia đình để về làm bánh cho chồng con, còn Tam thì chồng cũng hay hỏi đi học làm gì mấy cái thứ đó. Nói vậy nhưng chồng Tam dạo này bận lắm, chồng Tam mới có con nhỏ nên không thường xuyên ở nhà, Tam đi học mang bánh về cũng chẳng có ai ăn vì mẹ chồng bị bệnh tiểu đường, mà dạo này bà cũng siêng đi chùa trở lại để cầu bình an. Từ ngày có cháu bà vui ra mặt. Tam như chiếc bóng trong căn nhà nhỏ, chỉ có niềm vui duy nhất là mỗi ngày đến lớp làm bánh.
- Xem thêm: Áo sứt chỉ
Lần đầu gặp Sang ở lớp làm bánh Tam không khỏi ngạc nhiên, đàn ông mà sao đến mấy chỗ này. Nhưng chỉ có mình Tam là thấy lạ chắc vì ở nhà chồng Tam chưa bao giờ phụ dọn chén lên bàn ăn chứ nói gì đến những việc khác.
Có Sang trong lớp cô giáo tiết kiệm được cái máy nhồi bột bởi có cái máy nào khỏe bằng hai bàn tay to bè, rắn chắc của Sang. Lúc nhồi bột trông Sang như mấy ông đầu bếp chính hiệu, thoăn thoắt, say mê với tác phẩm của mình. Mấy chị học chung hay đùa hai đứa này lấy nhau về đứa đánh trứng, nhồi bột đứa bắt bông kem cũng mau giàu phết, khỏi tốn máy móc gì hết. Nghe vậy Sang nhìn Tam cười háy mắt về quê với tui nhe, tui sẽ làm cái máy nhồi bột cho Tam suốt đời. Những lúc đó cây vét trên tay Tam cứ bị cuống lên, vét hết vòng này đến vòng khác quanh vành cái thố đã sạch bột tự bao giờ, muốn nói với Sang thôi đừng đùa nữa, đừng nhìn đôi mắt ngường ngượng cứ như cười của Tam mà nhầm chết, bởi sau đấy là cả một câu chuyện dài…
Cô giáo nói học xong ai muốn ở lại làm với trung tâm thì làm, ai muốn mở tiệm bánh nhỏ thì trung tâm sẽ giúp vốn và kinh nghiệm buôn bán. Tam chưa biết mình có nên mở tiệm không bởi chưa có chút kinh nghiệm buôn bán nào. Nhưng Tam tự tin vào khả năng làm bánh của mình, Tam thấy tiếc vì đã không được học nghề này sớm hơn, mà cũng chẳng biết chỉ vậy thôi hay còn tiếc điều gì nữa nhưng mỗi lần nghĩ lại cái cơ duyên đến được lớp học này lòng Tam lại cứ thấy nôn nao, hơn cả lần đầu tiên rời quê lên thành phố theo chồng. Cái cảm giác đổ những khay bột lỏng vào khuôn lần đầu sẽ không thể nào tưởng tượng ra hình thù của chiếc bánh mình đang nướng, cảm giác đó chỉ rộn lên trong lòng khi kéo chiếc khay ra khỏi lò, những nếp bánh nâu vàng thơm lừng là cảm hứng cho người ta tô điểm thêm lên nó đủ thứ kiểu trang trí khác.
Cảm giác mình giống như các nghệ nhân trên tivi, Tam có thể vẽ những bông hoa lên bánh y chang như trong trí tưởng tượng của Tam, làm riết rồi mê, Tam còn vẽ thêm nhiều kiểu mới ra giấy cho mấy chị học chung lấy mẫu, mỗi lần vẽ lại thử trên các chất liệu khác nên cảm giác luôn háo hức, không bao giờ chán. Tam nhận ra có lẽ bao nhiêu năm qua chưa bao giờ Tam dám bước ra khỏi cái lối mòn quen để xem con đường khác có gì hấp dẫn, giờ vô tình được lạc sang lối mới thì chợt nhận ra trong Tam cũng có những đam mê và khát khao của riêng mình…
Tam nói ngày ngoại gả con đi cửa trước, lấy chồng bốn năm, giờ một mình xách túi đồ về nhà chắc con phải vòng ngõ sau. Ngoại mắng nhẹ hều, cha mày, chẳng lẽ cả đời này phải về thăm ngoại bằng cửa sau mãi sao con. Mười hai bến nước, Tam chẳng biết bến mình chọn là đục hay trong, chỉ thấy lòng hoang hoải sau chuyến ra khơi đầy sóng gió. Như con thuyền đang chơi vơi mà bến cũ vẫn xa vời, không biết tự bao giờ thuyền Tam và bến ấy đã đứt dây neo…