Một truyền thống văn hóa không có thế hệ trẻ để truyền lại cũng là một điềm báo đáng lo ngại khác về nhân khẩu học đang già đi ở Nhật Bản. Nhưng đang có một sự hồi sinh mới đây của nghệ thuật uống trà cổ xưa. Một làn sóng mới, được cập nhật hóa để phản ánh xã hội hiện đại, đã lặng lẽ hình thành trong 10 năm qua.
Nghệ thuật uống trà xưa và nét văn hóa hiện đại
Hiện nay, một số văn phòng ở Nhật Bản đang nét văn hóa hiện đại vào nghệ thuật uống trà (trà đạo) cổ kính và tinh túy ngày xưa. Khi nói đến một buổi trà đạo Nhật Bản (sado), người ta suy nghĩ ngay về một người phụ nữ lịch sự mặc kimono, ngồi trên chiếu rơm tatami và pha trà bột (matcha), thận trọng làm theo hướng dẫn chi tiết cổ xưa. Theo điều tra dân số năm 2016 của Cục Thống kê Nhật Bản, 80% người tham gia trà đạo là phụ nữ. Tuy nhiên, ý nghĩ trà đạo được gán cho nữ giới thực ra là một sự phát triển gần đây. Vào 800 năm trước, khi văn hóa uống trà bột lần đầu tiên được du nhập từ Trung Quốc, các nghi thức dùng trà được thực hiện bởi các chiến binh và nhà sư: nói tóm lại là nam giới.
Etsuko Kato, nhà nhân chủng học văn hóa, người đã viết về chủ đề này, giải thích rằng sự hiểu biết của phụ nữ về trà đạo là một kỹ năng nâng cao địa vị xã hội của họ. Theo Kato, sau sự Phục hưng triều đại Minh Trị năm 1868, những người phụ nữ có học đã chuyển sang trà đạo với hy vọng nâng cao nữ tính và sự tao nhã của họ trước khi kết hôn. Học sinh rèn luyện không ngừng để có được sự hoàn hảo về otemae – tức quá trình pha trà và thực hành nghi thức trà đạo. Khi khách được mời tham dự buổi trà đạo thì sự thành thạo của chủ nhà về nghệ thuật này được thể hiện.
Ở thời kỳ mà trách nhiệm của phụ nữ chỉ hoàn toàn trong việc nội trợ thì có một buổi trà đạo thanh lịch là một cách quan trọng để phụ nữ có văn hóa được xã hội thừa nhận. Với vị thế xã hội của phụ nữ ở nơi làm việc tăng tiến hơn, đã có sự sụt giảm đáng kể trong việc tham gia vào trà đạo. Theo điều tra dân số, phần lớn phụ nữ học việc này nay đều đã 50 tuổi trở lên. Kyuto-Ryu là một loại trà đạo mới hình thành năm 2010. “Kyuto” có nghĩa là phòng bếp nhỏ hoặc một nồi nước nóng và phản ánh địa điểm chọn – là căng tin văn phòng. Khái niệm của nó chỉ đơn giản là cách dùng trà của nhân viên văn phòng luôn bận rộn. Người đứng đầu phong trào này là bà Hankyu Tanida, người đã làm việc trong một văn phòng hơn 20 năm.
Cuộc tiếp cận đầu tiên của bà với trà đạo là qua bộ truyện tranh trẻ em “Hyougemono” (một người ngớ ngẩn, hoặc, một vật thể có hình dạng ngộ nghĩnh) của Yoshihiro Yamada. Lấy bối cảnh thời kỳ Sengoku bị chiến tranh tàn phá, bộ truyện tranh manga được ưa thích này mô tả các chiến binh đam mê trà đạo. Tanida cho biết: “Trước khi đọc manga, tôi luôn nghĩ rằng nghi thức trà đạo là một sự kiện nhàm chán, trong đó các phụ nữ ăn diện uống trà. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh samurai đau khổ, nơi người ta có thể đối mặt với cái chết bất cứ ngày nào, các chiến binh – để giảm căng thẳng và lấy lại sức mạnh tinh thần – đã tham gia vào trà đạo.
Theo cách sống của những nhà kinh doanh ngày, tôi thấy họ đang chiến đấu chống lại những căng thẳng trong công việc”. Khi bắt đầu nghiên cứu các nghi lễ dùng trà, Tanida quyết định ghé thăm phòng trà nổi tiếng “Taian” ở Kyoto, nơi được cho là sáng tạo ra nhân vật lịch sử được ca ngợi và bậc thầy về trà, Sen no Rikyu, người có ảnh hưởng sâu sắc đến trà đạo Nhật Bản trong thời kỳ Azuchi-Momoyama. Tanida kể: “Tôi nghe nói đó là một phòng nhỏ vừa 2 tấm chiếu vuông tatami. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, nó đã mở rộng ra ngoài ranh giới thực thể của nó và đi vào không gian.
Tất nhiên là tôi đã có kỳ vọng cao. Nhưng khi tôi thực sự trông thấy nó, tôi nghĩ nó nhỏ. Nhỏ quá. Nó chỉ bằng phòng bếp văn phòng chúng tôi. Khi tôi tưởng tượng mình đang dùng trà bột matcha trong bếp văn phòng, có vẻ ngớ ngẩn đến mức tôi không thể ngừng cười”. Điều mà Tanida nghĩ là cách dùng trà nên là tự do.
Các “phòng trà” được yêu cầu phải rộng 4 tấm tatami (khoảng 6,2m); tuy nhiên, các chiến binh ở thời kỳ đó thích được ngồi o ép trong một diện tích chỉ bằng nửa thế. “Đó là lúc tôi nhận ra rằng buổi trà đạo không phải chỉ là việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc. Mà sự quyến rũ của nó thể hiện khi ta phá vỡ một số trong số quy tắc đó.” Khi trở lại làm việc, Tanida đã mời hai đồng nghiệp của mình tham gia vào một buổi trà đạo trong phòng giải lao của văn phòng.
Đây cũng chính là bếp nhỏ nơi bà pha trà cho sếp hoặc hâm nóng hộp bento bữa trưa trong lò vi sóng. Tuy nhiên, một khi ngồi theo kiểu Nhật trên sàn nhà, căn phòng có vẻ biến đổi, và nó đưa chủ trà và khách đến một thế giới khác. Đó là sự khởi đầu của trà đạo Kyuto-Ryu.
Một thế giới mới của nhân viên văn phòng
Kyto-Ryu (trà đạo ở bếp nhỏ) được tiến hành trong giờ nghỉ trưa, và Tanida tin rằng có 3 lợi ích chính cho làn sóng trà đạo mới của mình. Trước tiên, trong 2g bột cho một loại trà được gọi là “nhạt” có khoảng 64mg caffeine, tương đương với một tách cà phê. Tác dụng kích thích của nó thường được sử dụng để giúp chống buồn ngủ vào buổi chiều ở văn phòng. Tanida giải thích: “Các chiến binh sẽ uống trà bột maccha trước khi lâm trận để lên tinh thần”.
Một lý do khác là khía cạnh xã hội của nó. Trong một buổi trà đạo, những người tham gia hòa trộn bất kể chức vụ công việc. Một trong những quy tắc trong Kyuto-Ryu là cởi bỏ mọi thẻ tên và chức danh treo quanh cổ trước khi tụ tập. Theo Tanida, điều này phản ánh phong tục của các nghi lễ lịch sử, trong đó các samurai để gươm vào một nơi, gươm là biểu tượng cho danh tính của họ, trước khi cùng dùng trà. Tanida nói: “Thông qua việc tụ tập dùng trà này, các chiến binh samurai sẽ thẳng thắn thảo luận về vũ khí và chiến lược, bất kể đẳng cấp và danh hiệu. Nhiều người đã sử dụng các nghi lễ này như là cơ hội giao thiệp để phát triển sự nghiệp của họ”.
Và cuối cùng, tại các cuộc tụ họp Kyuto-Ryu của riêng họ, những người tham gia sử dụng các đồ dùng khác thường mà theo truyền thống có lẽ là “không phải phép”. Thay vào đó, họ sử dụng bất cứ thứ gì xung quanh họ để tạo ra một không khí đặc biệt, độc đáo cho văn phòng của họ. Theo truyền thống, chén trà để rót trà bột vào là một công cụ rất được chú ý. Thông thường, chủ trà sẽ mang ra những chiếc chén có giá hàng trăm nghìn yen (trên 1.000 USD). Nhưng tại các cuộc tụ họp Kyuto-Ryu, những người tham gia sử dụng những tách cà phê cũ có nét quyến rũ riêng.
- Xem thêm: Chén trà
Biên lai chi phí được ghim vào tủ lạnh đóng vai trò như kakejiku, tức một băng giấy thể hiện tình cảm của buổi trà đạo ngày hôm đó. Tanida nói, “thông qua triết lý trà Wabi của Rikyu, chúng tôi tìm kiếm vẻ đẹp của đồ cũ và cái đơn giản, hơn là cái lộng lẫy. Điều quan trọng là thể hiện được trái tim của đồ dùng mà ta sử dụng để dùng trà. Trong một tách cà phê bị nứt và ố vàng, tôi thấy những nỗ lực của các đồng nghiệp. Khi bạn chia sẻ câu chuyện đó với khách của mình thì bạn với họ sẽ là một”. Lúc đầu, chỉ có 3 người tham gia thực hành nghi lễ trà văn phòng Kyuto-Ryu.
Và bây giờ thông qua bạn bè chung và sự quan tâm chung, phong cách trà đạo mới này đã lan sang các “bếp nhỏ” ở văn phòng khác. Trong quá khứ có những tiệc uống trà thực hiện ở New York và London, xa hàng ngàn dặm. Ngày nay, nhóm sử dụng các nhà ga bỏ hoang ở nông thôn, hoặc các câu lạc bộ đổ nát gần thị trấn onsen (suối nước nóng) cũ để gặp gỡ làm nghi lễ trà đạo. Khoảng 120 nghi lễ trà đã được tổ chức, với hơn 2.400 người tham gia.
Giáo sư Hiroshi Yamaguchi, người đứng đầu các nghiên cứu truyền thông toàn cầu Đại Học Komazawa ở Tokyo, tin rằng: “Bằng cách bỏ qua những lề lối truyền thống, Kyuto-Ryu đã thành công trong việc biến bản chất của việc tụ tập dùng trà thành một sự bắt chước hài hước, một thứ gì đó vui vẻ thoải mái như một trò chơi”. Bản thân Yamag Yamaguchi đã tham gia với tư cách là khách mời năm 2013, rồi trở thành thành viên quản lý của nhóm.
Yamag Yamaguchi giải thích: “Điều kiện xung quanh việc dùng trà đạo đã thay đổi mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua. Sau bong bóng hậu chiến của Nhật Bản, các nhà cung cấp trà, giáo viên dạy trà đạo và nhà sản xuất chén trà đã chiếm lợi thế, vì có nhu cầu về các bài học và chén trà đắt tiền. Tuy nhiên, khi mà giá trị cảm nhận của các đồ dùng uống trà giảm xuống, động lực sức mạnh chuyển từ nhà cung cấp sang người tiêu dùng, tức là những người tham gia uống trà. Trà đạo phải chuyển biến sao cho những người tham gia thích nó, nếu không nhu cầu làm theo truyền thống sẽ ngày càng giảm đi”.
Tại các cuộc tụ tập Kyuto-Ryu, những người mới và người theo chủ nghĩa truyền thống hòa trộn như khách mời, và chia sẻ các cách thưởng thức trà của riêng họ. “Thông qua các buổi dùng trà, chúng tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều người quan tâm đến trà đạo. Ở Nhật Bản, dùng trà bột matcha được coi là trà hảo hạng. Tôi hy vọng một ngày nào đó nó sẽ trở thành một lựa chọn khác thay cho cà phê tại nơi làm việc” – Tanida nói.