Theo Worldbank, thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là phải tìm ra động lực mới để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong ngắn và trung hạn, trong bối cảnh hai trụ cột từ trước đến nay là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước chưa thể sớm quay lại như trước.
Sẽ sớm phục hồi
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (Worldbank) công bố báo cáo Điểm lại với tiêu đề “Trạng thái Bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?”, nội dung đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, Worldbank đánh giá rằng Việt Nam có nền tảng tốt để “chịu” cú sốc gây ra bởi Covid-19, dù tăng trưởng giảm từ mức gần 7% trong năm ngoái xuống còn 0,36% trong quí 2 vừa qua. Đây được xem là cú sốc kinh tế lớn nhất với Việt Nam trong 35 năm qua.
Worldbank đưa ra dự báo tăng GDP Việt Nam coó thể tăng trưởng 2,8% trong năm nay, được xem là mức tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới. Đến năm 2021 và 2022, tăng trưởng GDP sẽ hồi phục nhanh về mức 6,8% và 6,5%.
Trong giai đoạn 2021-2022, nền kinh tế Việt nam dự kiến sẽ quay lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đây ở mức khoảng từ 6-7% mỗi năm, khi nhu cầu của nước ngoài tăng lên tại các quốc gia công nghiệp chính. Đồng thời, Việt Nam dự kiến tiếp tục hưởng lợi do chuyển hướng đầu tư và thương mại nhờ tham gia nhiều hiệp định khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) chính thức được ký kết vào tháng 6-2020.
Worldbank cũng nhận định rằng Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng COVID-19.
Báo cáo của Worldbank nhận định rằng tăng trưởng sẽ quay lại nhờ vào cả nhu cầu trong nước của khu vực công và khu vực tư nhân, nhờ vào chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ được Chính phủ theo đuổi dự kiến sẽ được đẩy mạnh trong vài tháng tới.
“Việt Nam có thể phục hồi tương đối nhanh chóng như trước khi có COVID-19”, báo cáo đưa ra nhận định.
Tuy nhiên, có điểm cần chú ý là dự báo của WB được đưa ra theo kịch bản cơ sở, đó là không có làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần hai tại ở Việt Nam và đại dịch trên toàn cầu được từng bước kiểm soát.
Trước những diễn biến phức tạp mới đây với số ca bệnh tăng nhanh, làn sóng Covid-19 lần thứ hai đang hiện rõ ở Việt Nam và tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khi các chính sách giãn cách xã hội tiếp tục được thực hiện.
Động lực tăng trưởng nằm ở đâu?
Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Hai động lực nói trên chưa chắc có thể quay lại các mức như trước khủng hoảng trong tương lai gần do còn nhiều bất định tiếp diễn trong nước và quốc tế, theo Worldbank.
“Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng”, bà Stefanie Stallmeister, Quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại thông cáo.
Báo cáo của Worldbank cũng xác định ba hướng hành động để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế trước mắt sau khủng hoảng COVID-19.
Một là cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, bắt đầu với các quốc gia an toàn với COVID-19. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, hiện đóng góp khoảng 10% cho GDP của Việt Nam.
Thứ hai là đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công, tập trung vào các dự án hiệu quả và cả các chương trình hạ tầng công cộng được phân cấp cho địa phương, nhằm tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho những người dễ bị tổn thương ở các vùng bị ảnh hưởng.
Thứ ba là tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng theo đối tượng phù hợp vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng như nhau.
Theo Worldbank, việc trợ giúp các doanh nghiệp ít có khả năng sống sót sau khủng hoảng COVID-19 cũng không có ý nghĩa nhiều, do cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ thay đổi. “Trong trường hợp đó, ta nên hỗ trợ để các doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động hiệu quả hơn”, báo cáo nhận định.
Worldbank cũng cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam cũng không thể miễn nhiễm với rủi ro từ bên ngoài. Theo đó, tốc độ khôi phục có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng y tế và kinh tế ở các nước khác trên thế giới.
“Khu vực doanh nghiệp nước ngoài từ trước đến nay vẫn là động lực tăng trưởng sẽ khó có thể sớm vận hành hết công suất (đặc biệt khi xuất nhập cảnh vẫn bị hạn chế). Dòng vốn đầu tư và nguồn kiều hối cũng có thể bị suy giảm nhiều hơn dự kiến trong điều kiện suy thoái”, báo cáo nhận định.