Nếu ai đó đang nghĩ về việc muốn có một hình xăm trên cơ thể, trước hết bạn cần xem xét những rủi ro và nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Tiến sĩ Ian Webster, một bác sĩ da liễu ở Cape Town đã phát biểu trên tạp chí Health24: “Các bạn chỉ nên đến một thợ xăm chuyên nghiệp. Các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh nếu dụng cụ khử trùng kém vệ sinh hoặc không được sử dụng đúng cách và luôn luôn kiểm tra xem tiệm xăm có hợp vệ sinh và sạch sẽ không.
Việc truyền các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như HIV và viêm gan cũng như các phản ứng dị ứng có thể xảy ra, và nhiều người đã không lường được những nguy hiểm này”.
Xăm hình là sự cấy ghép vĩnh viễn của các hạt sắc tố dưới da. Bên cạnh những nguy hiểm thường gặp nhất là HIV và nhiễm trùng máu, còn có năm biến chứng có thể gặp phải sau khi xăm.
1. Mực xăm gây dị ứng nhiễm trùng
Một người mẹ ở Anh, bà Nicola Hickman đã quyết định xăm hình trái tim màu đỏ lên mắt cá chân để thể hiện tình yêu của mình với con gái. Mọi thứ đều ổn cho đến sáu tuần sau. Bà nhận thấy rằng hình xăm bị mấp mô và màu đỏ nhạt dần.
Bà đã quay lại thợ xăm để hỏi ý kiến của anh ta và anh ta bảo rằng sẽ vui lòng tô lại màu đỏ cho hình xăm khi chỗ đó hết viêm tấy, Hickman trình bày với tờ Daily Mail. Anh ta khuyên bà dùng kem kháng sinh để sát khuẩn.
Tuy nhiên, nó trở nên tồi tệ hơn. Bà đã cố gắng không quan tâm đến chỗ vết thương đó nữa nhưng càng lúc càng xấu đi. Nó khiến bà không thể mang giày dép và thậm chí không thể ngủ được.
Nguyên nhân là bà Hickman bị dị ứng với mực đỏ. Các bác sĩ da liễu gần như bị sốc khi nhìn thấy vết thương của bà. Họ cho biết chưa bao giờ thấy phản ứng dị ứng như thế từ trước đến nay.
Họ đã chụp ảnh vết thương nhiễm trùng và họ muốn sử dụng báo cáo trong một tạp chí y khoa. Các bác sĩ đã quyết định phải phẫu thuật cắt bỏ chỗ hoại tử đó và hiện có một vết sẹo 4cm trên mắt cá chân của bà.
Bà cho biết hiện đang có một hình xăm khác được thực hiện với tên con gái bà bằng mực đen trên cổ và không có vấn đề gì với nó.
Bà vẫn tin rằng chắc chắn là mực đỏ đã gây ra phản ứng dị ứng. Nó có thể là một hóa chất kim loại. Bà cho biết mắt cá chân của bà hiện vẫn chưa lành hẳn, nhưng may mắn là đã không còn bị nhiễm trùng.
Theo một bài báo trên tạp chí The Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery, các sắc tố cổ điển và các sản phẩm thoái hóa của chúng được sử dụng trong xăm mình, gồm dichromate (màu xanh lá cây), coban (màu xanh), cadmium (màu vàng) và muối thủy ngân (màu đỏ) là nguyên nhân chính gây những phản ứng dị ứng với hình xăm vĩnh viễn.
Khi một chất lạ được đưa vào da trong quá trình xăm, nó có thể gây ra phản ứng độc hại hoặc miễn dịch. Phản ứng này có thể xảy ra ngay sau khi xăm hoặc nhiều năm sau đó.
2. Mực xăm có thể gây ung thư da tiềm ẩn
Các bác sĩ lâm sàng Đức báo cáo một trường hợp trong JAMA Dermatology, một người đàn ông có hình xăm nhiều màu nơi cánh tay và ngực và giờ đây, ông ta muốn được xóa chúng đi.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy một nốt ruồi trông đáng ngờ phía dưới một hình xăm trên cánh tay phải của ông ta, họ đã khuyên nên loại bỏ nó trước khi bắt đầu trị liệu bằng laser.
Người đàn ông từ chối cắt bỏ nó và bắt đầu trị liệu bằng laser. Bốn mươi bảy cuộc phẫu thuật và bảy năm sau, nốt ruồi mới được loại bỏ và được chẩn đoán là khối u ác tính giai đoạn 2.
Tiến sĩ Robert Shmerling, biên tập viên của nhà xuất bản Harvard Health Publications, cho biết mực xăm có thể che giấu những biến đổi của nốt ruồi và gây khó khăn cho việc đánh giá. Mực cũng có thể di chuyển vào các mô bên dưới và giống như sự di căn của khối u ác tính.
Ông nói rằng liệu pháp loại bỏ bằng laser là vấn đề nếu bạn có nốt ruồi vì các tia laser phá vỡ sắc tố của hình xăm. Tia laser phá vỡ sắc tố bên trong hình xăm.
Nhưng nó cũng có thể phá vỡ sắc tố bên trong một nốt ruồi đáng ngờ, khiến việc đánh giá nốt ruồi trở nên khó khăn.
Nếu bạn vẫn muốn có một hình xăm, hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện nó trên da không có nốt ruồi hoặc vết bớt, hoặc yêu cầu bác sĩ kiểm tra bất kỳ nốt ruồi nào trước khi bạn xăm.
3. Mực xăm ngăn cản sự tiết mồ hôi
Hình xăm có thể cản trở vào sự tiết mồ hôi trên da – so với da không có mực, da xăm tiết ra mồ hôi ít hơn khoảng 50%.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy lượng natri trong mồ hôi nhiều hơn khi mồ hôi được tiết ra ở vùng da có hình xăm, Maur Maurie Luetkemeier, giáo sư Sinh lý học tại Đại học Alma ở Michigan, cho biết bình thường da của bạn thường tái hấp thu natri và chất điện giải trong mồ hôi, nhưng ông cho rằng hình xăm có thể ngăn chặn một phần sự tái hấp thu này.
Vì vậy, hãy cẩn thận nếu bạn thực hiện một hình xăm quá lớn ở cánh tay, lưng hoặc các khu vực khác có nhiều tuyến mồ hôi vì cơ thể lúc đó phải tự đấu tranh để làm mát và giữ chất dinh dưỡng.
Điển hình là những người lính trong quân đội họ thường có hình xăm rất lớn và khi họ tiếp xúc với nhiệt độ cao và khối lượng công việc nặng, có thể họ sẽ gặp nguy hiểm về điều nhiệt.
Tuy chưa được nghiên cứu nhiều hơn nhưng cần chú ý nếu bạn đang lên kế hoạch cho một mẩu xăm lớn trên cơ thể.
4. Mực xăm tăng nguy cơ nhiễm trùng
Một bài báo trên tạp chí The Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery cho biết hình xăm có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây bệnh chốc lở, ban đỏ và nhiễm trùng máu; Staphylococcus aureus có thể gây ra hội chứng sốc độc hiếm gặp, nhiễm trùng da và mô mềm có thể do S. aureus, nếu nhiễm Treponema pallidum có thể gây bệnh giang mai và Mycobacterium leprae gây ra bệnh phong (bệnh cùi).
Một nghiên cứu hồi cứu được công bố trên tạp chí British Medical (BMJ) đề cập đến một người đàn ông có hình xăm ở chân và sau đó đi bơi ở Vịnh Mexico.
Anh ta được đưa vào bệnh viện vì nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus. Anh ta bị hoại tử da và sốc nhiễm trùng hai tháng trước khi chết.
- Xem thêm: Xăm mình: Tốt hay xấu?
Tiền sử anh ta bị bệnh gan mãn tính. Thật không may, làn da được xăm gần đây đã cho phép vi khuẩn có trong nước biển xâm nhập vào máu của anh ta.
“Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra (dù không phổ biến) khi vết thương hở tiếp xúc với muối hoặc nước lợ bị ô nhiễm”.
5. Mực xăm gây hỏng da khi dùng máy từ tính
Không ai có thể nghĩ rằng một hình xăm có thể gây ảnh hưởng khi dùng các thiết bị máy móc để chẩn đoán hình ảnh, nhưng mực xăm bằng kim loại có thể gây phản ứng nghiêm trọng trên da khi thực hiện bằng máy chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ.
Một bài báo trên tạp chí Roentgenology của Mỹ báo cáo một người đàn ông bị bỏng da độ 2 trên hai hình xăm trong khi chụp MRI cột sống cổ. Anh khó chịu về cảm giác nóng rát trên cánh tay – làn da chỗ có hình xăm bị phồng rộp lên.
Trong một trường hợp khác, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã bị bỏng trên hình xăm sau khi chụp MRI xương chậu.
Nghiên cứu cho biết bỏng là do phản ứng điện từ do các hợp chất kim loại sắt từ tính tìm thấy trong các sắc tố xăm, đặc biệt là oxit sắt – một phản ứng có khả năng làm biến dạng trường ảnh.
May mắn là phản ứng này rất hiếm nhưng nếu bạn đang nghĩ đến việc xăm mình nên tránh các loại mực có chứa sắt vì có thể gây bỏng da hoặc cần báo bác sĩ biết trước khi dùng thiết bị từ trường.
Những loại phản ứng có thể xảy ra sau khi xăm
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, các phản ứng có thể nhận thấy sau khi xăm:
– Phát ban ở khu vực có hình xăm hoặc bị sốt. Phát ban có thể do dị ứng với mực nhưng vì mực xăm là vĩnh viễn, nghĩa là phản ứng có thể tồn tại lâu dài.
– Các biến chứng nặng hơn bao gồm sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi. Trường hợp này cần điều trị nhiễm trùng bằng một đợt kháng sinh hoặc phẫu thuật. Gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ phản ứng bất lợi từ hình xăm.
– Trong trường hợp xỏ khuyên tai kèm hình xăm càng nguy hiểm hơn, nó có thể gây ra nhiều thiệt hại không thể tưởng tượng, nhưng chúng trở nên ngày càng phổ biến, do đó càng cẩn thận vì những lý do sau:
– Kim không vô trùng, hình xăm được thực hiện bằng kim và mực được tiêm vào lớp hạ bì, đây là lớp thứ hai, sâu hơn của da dưới lớp biểu bì. Lúc xăm không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu không được thực hiện đúng cách. Một bài báo của Health24 cảnh báo rằng nếu thợ xăm không được đào tạo đúng cách, những vùng da bị thủng có thể bị nhiễm trùng, có thể dẫn đến sẹo.
- Xem thêm: Không được dạy học vì… hình xăm
Theo bác sĩ Gary Kroukamp, chuyên gia về tai, mũi và họng, xỏ sụn là những chiếc khuyên ở phần trên của tai ngoài và mất nhiều thời gian để chữa lành hơn so với xỏ khuyên tai. Khi xỏ xuyên qua sụn, nó có thể gây nhiễm trùng (viêm màng ngoài tim) và sụn phát triển quá mức (tai súp lơ).
– Viêm màng ngoài tim là khi vi khuẩn lây lan từ da vào sụn, gây nhiễm trùng. Bác sĩ Kroukamp nói thêm rằng sụn bị viêm có thể bắt đầu phát triển, dẫn đến biến dạng hoặc tổn thương cho tai. Bất kỳ sự phát triển quá mức nào của sụn cần phải được phẫu thuật cắt bỏ.
– Nếu xỏ lỗ hoặc xăm vào tai và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, cần có chế độ chăm sóc tốt. Nhưng nếu chỉ là thời trang thì nên bỏ qua. Hình xăm là vĩnh viễn và chỉ có thể được loại bỏ bằng laser, hãy nhớ rằng nếu hình xăm hoặc xỏ khuyên trở nên đỏ, cứng, ngứa hoặc nhiễm trùng, bạn cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.