Sau 16 năm và chi 1.000 tỉ USD, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến tại Afghanistan sẽ sớm kết thúc, nhưng có một điều mà ai cũng thấy rõ hậu quả cuộc can thiệp của phương Tây vào đất nước Trung Á này là Afghanistan đang trở thành nhà nước ma túy (narco-state) thực sự đầu tiên của thế giới.
Việc tận diệt cây anh túc (poppy) và thay bằng hoa hồng (thí điểm tại tỉnh Nangarhar) là điều gần như bất khả thi vì cây anh túc phù hợp thổ nhưỡng, dễ trồng và dễ bán hơn.
Thuốc phiện là nguồn thu chính của mọi phe phái tại Afghanistan
Sau cuộc chiến dài nhất thế kỷ trong lịch sử của mình, nước Mỹ đang trên bờ vực thất bại tại Afghanistan. Tại sao lại có kết thúc đáng buồn này khi siêu cường số 1 thế giới đã bỏ ra 16 năm liên tục, sử dụng hơn 100.000 quân ở đỉnh cao chiến sự, hy sinh mạng sống 2.300 binh lính, chi hơn 1.000 tỉ USD cho các hoạt động quân sự, bỏ ra hơn 100 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng, huấn luyện 350.000 binh lính địa phương mà vẫn không thể đem lại hòa bình cho một đất nước thuộc loại nghèo nhất thế giới?
Chính vì triển vọng ổn định tại Afghanistan quá xa vời mà năm 2016 chính quyền Obama đã phải hủy bỏ kế hoạch rút toàn bộ quân tác chiến Mỹ như dự tính trước đó và tiếp tục duy trì đến vô tận 8.000 quân đồn trú ở đây.
Thất bại của Mỹ nằm trong “chiếc hộp bí ẩn” mà bên trong là những bông hoa anh túc tuyệt đẹp nhưng cho ra một hiểm họa tác động rất xấu đến cuộc sống con người. Đó là thuốc phiện và heroin.
Suốt ba thập niên qua tại Afghanistan, các chiến dịch quân sự của Washington chỉ được xem là thành công khi nó ngăn chặn được hoạt động buôn bán thuốc phiện tại đất nước Trung Á này. Không làm được như thế bị xem là thất bại.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ dính líu đến Afghanistan khi ủng hộ các lực lượng dân quân Hồi giáo chống Liên Xô chiếm đóng vào tháng 12-1979.
Suốt 10 năm của thời kỳ này, CIA bí mật rót cho các chiến binh du kích mujahideen khoảng 3 tỉ USD vũ khí. Số tiền này cùng với thu nhập từ ma túy, phe du kích đã buộc được Liên Xô phải rút lui.
Nhưng chiến lược chống Liên Xô của CIA không trọn vẹn ở chỗ, dòng tiền ma túy vẫn tiếp tục chảy thay vì ngưng lại, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn, năm sau cao hơn năm trước vì đây là nguồn tiền chủ lực của tất cả các lực lượng chống đối nhau tại Afghanistan, chống Mỹ và thân Mỹ.
Từ khi Mỹ xâm nhập Afghanistan vào tháng 10-2001, Mỹ chưa hề đánh bại hoàn toàn Taliban và mọi nỗ lực thương lượng hòa bình với tổ chức này đều thất bại mà nguyên chính là Mỹ không cắt đứt được nguồn tiền thuế khồng lồ thu từ ma túy của chúng.
Nguồn tiền càng lúc càng lớn hơn. Kết quả: sản lượng thuốc phiện từ khoảng 180 tấn trong năm 2001 tăng lên hơn 3.000 tấn/năm trước 2007 và sau đó là 8.000 tấn.
Đa số nông dân Afghanistan không biết làm gì kiếm sống trừ trồng cây thuốc phiện, một sản phẩm không bao giờ ế ẩm trên thị trường.
Cứ mỗi mùa xuân, ngân khố của Taliban lại được bổ sung thêm khoản tiền mới từ thuốc phiện, dư dả để tuyển thêm chiến binh và duy trì mức lương của chúng.
Không chỉ Taliban mà két sắt của những quan chức chính phủ tham nhũng móc ngoặc với Taliban cũng tăng theo. Tranh khoản thu này với Taliban là “Nhà nước Hồi giáo” IS đang cố đặt chân vào đất nước đầy tiềm năng này.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử 40 năm qua, từ cuộc chiến tranh chống Liên Xô thập niên 1980 đến cuộc nội chiến 1990 và sau cuộc xâm nhập năm 2001 của Mỹ, thuốc phiện luôn đóng vai trò trung tâm định hình số phận của Afghanistan.
Mỉa mai nhất là đất nước Afghanistan phù hợp với cây thuốc phiện cũng biết dùng sức mạnh và công nghệ Mỹ để biến thành “nhà nước ma túy” thực sự đầu tiên trên thế giới.
Buôn bán ma túy bất hợp pháp thống trị nền kinh tế của đất nước này, định hình xu hướng chính trị và quyết định cả số phận của sự can thiệp từ bên ngoài.
Trong thập niên 1980, cuộc chiến tranh bí mật của CIA chống Liên Xô đã giúp chuyển các cửa khẩu biên giới Afghanistan – Pakistan thành “bệ phóng” buôn bán heroin toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ 1986, tại những vùng bộ lạc, không có sự hiện diện của cảnh sát, không có tòa án, không có thuế và vũ khí bán như rau, thuốc phiện được buôn bán công khai.
Thay vì thành lập liên minh riêng các lãnh đạo kháng chiến, CIA trông cậy vào cơ quan tình báo liên bộ (ISI) đầy quyền lực của Pakistan và các đối tác của nó tại Afghanistan để lèo lái cuộc chiến.
Không bao lâu sau, các lực lượng bí mật này trở thành những tay chơi chính trong hoạt động buôn thuốc phiện qua biên giới.
Trồng cây anh túc là giải pháp xóa đói giảm nghèo nhanh nhất
Khi thấy sản lượng thuốc phiện của Afghanistan tăng từ 200 tấn trong thập niên 1970 đến 2.000 tấn vào năm 1991, CIA mới tìm giải pháp khác.
Nhưng lúc đó các phòng bào chế heroin đã mọc lên như nấm dọc biên giới Afghanistan – Pakistan và khu vực biên giới trở thành lò sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Năm 1984, nó cung cấp 60% cho thị trường Mỹ và 80% cho châu Âu.
Bên trong Pakistan, số người nghiện heroin tăng từ 0 vào năm 1979 đến 5.000 vào năm 1980 và 1,3 triệu vào năm 1985, gây sốc cho các nhân viên bài trừ ma túy Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Cũng theo báo cáo năm 1986, thuốc phiện trở thành mùa màng lý tưởng nhất về lợi nhuận tại đất nước bị tan nát vì chiến tranh; vì vốn ít, trồng nhanh, không cần đầu tư chăm sóc nhiều mà lại dễ vận chuyển, buôn bán và không đòi hỏi bảo quản nhiều.
Khí hậu Afghanistan cũng lý tưởng cho cây anh túc. Khi cuộc chiến bí mật của CIA lên đến cao trào, nhiều nông dân Afghanistan chuyển sang trồng thuốc phiện để tự cứu mình và có tiền để mua thực phẩm ngày càng đắt.
Các nhóm du kích thân Mỹ cũng lao vào sản xuất và buôn bán thuốc phiện để có tiền trả lương và mua vũ khí. Hầu như tất cả nông dân Afghanistan đều xem thuốc phiện là phương tiện “xóa đói giảm nghèo”.
Đầu thập niên 1980 khi chiếm được nhiều đất đai, các nhóm du kích bắt đầu thu thuế người trồng thuốc phiện, đặc biệt là tại thung lũng Helmand mầu mỡ.
Theo tờ The New York Times, những đoàn xe mang vũ khí của CIA đến khu vực thường chở đầy thuốc phiện sơ chế quay trở lại Pakistan với sự đồng ý của các nhân viên tình báo Pakistan và Mỹ.
Năm 1995, Charles Cogan, cựu giám đốc các hoạt động của CIA tại Afghanistan nói thành thật: “Lúc đó, sứ mệnh chính của chúng tôi là gây tổn thất cho Liên Xô càng nhiều càng tốt mà không quan tâm đến trồng và buôn bán thuốc phiện. Đây là điều sai lầm nghiêm trọng mà hậu quả còn để lại đến tận hôm nay!”.
Trong dài hạn, sự can thiệp của Mỹ để lại vết thương trong ổn định địa chính trị của Afghanistan và lỗ đen này không bao giờ được chữa lành hay hàn kín.
Afghanistan không bao giờ hồi phục được vết thương quân Mỹ gây ra từ khi CIA tiến hành cuộc chiến tranh bí mật chống Liên Xô.
Từ những năm 1989-1992, liên minh nước ngoài do Mỹ dẫn đầu sau khi Liên Xô rút lui đã bỏ rơi Afghanistan, không giúp xây dựng một thỏa thuận hoà bình giữa các phe phái và cũng không cung cấp tiền để tái thiết đất nước. Tận dụng cơ hội này, Taliban nổi lên như lực lượng chính giúp lập lại trật tự và nó đã thành công.
Trong khi Washington chuyển từ Afghanistan đến các điểm nóng ở châu Phi hay vùng Vịnh, cuộc nội chiến lại nổ ra sau khi đã có 1,5 triệu người chết (10% dân số) trong 10 năm chống Liên Xô (1979-1989).
Nhiều lãnh chúa được CIA trang bị vũ khí tốt bắt đầu tranh quyền. Để tự cứu mình, các nông dân quay trở về với cây anh túc vì thu nhập không phải chờ lâu mà lại dễ trồng, dễ bán. Đã tăng gấp 20 lần trong cuộc chiến tranh bí mật của CIA nay sản lượng thuốc phiện lại tăng thêm gấp đôi trong cuộc nội chiến.
Sự trở về của hơn 3 triệu dân tị nạn đói khát càng khiến hoạt động sản xuất thuốc phiện thêm rôm rả với số công nhân cần để thu hoạch cây anh túc cao gấp 9 lần số công nhân thu hoạch lúa mì, lương thực chính của đất nước.
Thương buôn thuốc phiện cũng là những người duy nhất tích lũy dư dả tiền bạc để ứng trước tiền cho các nông dân nghèo mà thu nhập từ thuốc phiện chiếm từ 50 – 100% tổng thu nhập của họ.
Taliban sụp đổ một phần vì cấm trồng cây anh túc
Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến (1992-1994) các lãnh chúa củng cố quyền lực bằng cả vũ khí lẫn buôn bán thuốc phiện tại các vùng nông thôn họ kiểm soát.
Sau đó Pakistan bắt đầu tạo thành và hậu thuẫn Taliban, một lực lượng mới thành lập của những người thuộc bộ tộc Pashtun.
Sau khi chiếm thủ đô Kabul năm 1996 và kiểm soát hầu hết đất nước, Taliban khuyến khích trồng cây anh túc tại các địa phương và bảo vệ các hoạt động liên quan đến loại cây này cũng như thu thuế mùa màng và chế biến.
Cuộc khảo sát của LHQ cho thấy trong ba năm đầu Taliban nắm quyền, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan chiếm 75% sản lượng toàn thế giới.
Nhưng đến tháng 7-2000, khi khô hạn bước qua năm thứ 2 và nạn đói lan rộng khắp đất nước, chính phủ Taliban bất ngờ ra lệnh cấm canh tác thuốc phiện nhằm tranh thủ sự thừa nhận và giúp đỡ lương thực của quốc tế.
Khảo sát 10.030 ngôi làng của LHQ cho thấy sản lượng cây anh túc giảm đến 94%. Ba tháng sau, tháng 9-2000, Taliban gửi một đoàn đại biểu đến trụ sở LHQ ở New York với hy vọng được “trả công” bài trừ thuốc phiện và trở thành một thành viên của tổ chức này.
Nhưng thay vào đó, LHQ đưa ra thêm các cấm vận mới vì Taliban bảo vệ trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden.
Tháng 5-2001, nước Mỹ viện trợ nhân đạo cho Taliban 43 triệu USD mà theo Ngoại trưởng Colin Powell là để “thưởng công cấm canh tác thuốc phiện” dù ông vẫn kêu gọi Taliban ngưng tài trợ khủng bố và tố cáo Taliban vi phạm quyền của phụ nữ. Sau 10 năm bỏ quên Afghanistan, cuối cùng Washington quay lại đất nước này sau vụ tấn công khủng bố 11-9 tại tòa tháp đôi New York.
Tháng 10-2001, Mỹ bắt đầu can thiệp với sự trợ giúp của Anh và một số lãnh chúa địa phương chống Taliban và chống lệnh cấm sản xuất thuốc phiện của nó.
Chế độ Taliban sụp đổ nhanh chóng mà theo nhiều người nguyên nhân lớn nhất là do lệnh cấm canh tác cây anh túc của nó khiến ngân khố bị cạn kiệt và gặp sự chống đối của nhiều nông dân. Họ xem đây là “tự sát kinh tế”.
Cuộc khảo sát năm 2001 của LHQ cho thấy có đến 3,3 triệu người bị mất thu nhập do lệnh cấm, tức 15% dân số lúc đó.
Chiến dịch chống thuốc phiện không đến đâu của CIA
CIA đã cung cấp 70 triệu USD cho các lãnh chúa chống Taliban, chủ yếu là Liên minh phương Bắc của bộ tộc Tajik cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn và tiếp tục trồng, bán thuốc phiện.
CIA cũng sử dụng các lãnh chúa bộ tộc Pashtun dọc biên giới Pakistan, những người vẫn tiếp tục trồng cây anh túc bất chấp lệnh cấm của Taliban.
Khi Taliban tháo chạy, các đồng minh của Mỹ càng đẩy mạnh hoạt động sản xuất thuốc phiện với quy mô còn lớn hơn trước. Năm 2003, thu nhập từ việc buôn bán ma túy bất hợp pháp chiếm đến 62% GDP của Afghanistan.
Trong khi CIA ngó lơ cho các đồng minh sản xuất và buôn bán ma túy, năm 2007, tờ New York Times cảnh báo là đồng tiền ma túy cũng chảy vào tay Taliban.
Cuối năm 2004, Nhà Trắng bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc nguy cơ này. Ngoại trưởng Colin Powell phát động chiến dịch chống ma túy tại nông thôn Afghanistan theo phương cách đã dùng tại Colombia nhưng đại sứ Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad cho rằng làm như vậy sẽ lan rộng sự nghèo khó, bất lợi cho Mỹ và phải cần 20 tỉ USD viện trợ nước ngoài bù đắp vào.
Washington quay sang sử dụng các công ty tư nhân như DynCorp để huấn luyện người Afghanistan cách phát hiện và tiêu hủy ma túy. Nhưng nỗ lực này bị phóng viên Carlotta Gall của tờ New York Times xem là “trò hề” vì chẳng giải quyết được gì cả.
Năm 2007, cuộc khảo sát “Afghanistan Opium Survey” của LHQ cho thấy sản lượng thuốc phiện đạt đến con số kỷ lục gần 8.200 tấn, chiếm 93% nguồn cung heroin bất hợp pháp của thế giới.
Quan trọng hơn là Taliban trích nhiều khoản tiền thu được từ ma túy để mua vũ khí và trả lương. Năm 2008, Taliban thu được 425 triệu USD thuế ma túy, đủ để trả lương bình quân 300 USD/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập của công nhân nông nghiệp.
Năm 2008, Mỹ tăng quân số lên 70.000 tại Afghanistan trong đó có những đội đặc biệt chuyên bài trừ ma túy tại các tỉnh trồng nhiều cây thuốc phiện.
Ma túy thặng dư trong năm 2007 dẫn đến giảm giá mạnh khiến các nông dân tại hai trọng điểm thuốc phiện Helmand và Nangarhar chuyển sang trồng lúa mì trở lại bằng nguồn tiền trợ cấp, kéo diện tích trồng cây anh túc từ 200.000 xuống còn 123.000 hécta hai năm sau đó. Tuy nhiên, chừng đó cũng đủ nuôi sống Taliban.
Kế hoạch rút quân tác chiến bị phá sản cũng vì thuốc phiện
Năm 2009, Taliban phát triển mạnh đến nỗi chính quyền Obama phải tăng số lính Mỹ lên 102.000 và ngày 13-2-2010 tại thành phố Marja, thủ phủ của buôn bán heroin thuộc tỉnh Helmand hàng trăm lính thủy đánh bộ đổ bộ từ trực thăng xuống cày nát những cánh đồng ma túy.
Nhưng chiến dịch này cũng chẳng đi đến đâu nên Obama quyết định tháng 12-2014 sẽ chấm dứt các hoạt động tác chiến của quân Mỹ ở Afganistan. Quyết định này đã tạo điều kiện cho Taliban tấn công giết nhiều quân chính phủ.
John Sopko, điều tra viên đặc biệt về tình trạng ma túy tại Afghanistan khẳng định 8,4 tỉ USD Mỹ chi ra để bài trừ ma túy tại đất nước này trong hơn 10 năm qua đã thất bại. Sản lượng tăng trở lại. Số con nghiện tăng nhanh và thuế ma túy vẫn là nguồn thu nhập chính của Taliban.
Năm 2014 sản lượng thuốc phiện trở lại đỉnh cao năm 2007. Sopko đưa ra con số chóng mặt: diện tích trồng cây anh túc đã lên đến 500.000 acres, tức 780 dặm vuông, bằng 400.000 sân bóng bầu dục!
Năm 2016, 15 năm sau khi Afghanistan được giải phóng, chính quyền Obama lại đưa 700 lính Mỹ vào Helmand để xóa sổ những cánh đồng thuốc phiện giúp Taliban chiếm thêm hai quận nữa hai tháng sau do sự bất mãn của người dân và kiểm soát 10 trong 14 quận của tỉnh.
Tháng 6-2016 khi thấy quân chính phủ lâm nguy, Tổng thống Obama phải ngưng kế hoạch rút quân và giữ lại 8.400 quân tác chiến Mỹ.
Cuộc chiến giữa chính phủ Afghanistan và Taliban thật ra là cuộc chiến giành quyền kiểm soát lợi nhuận từ ma túy.
Tờ The New York Times khẳng định nhiều quan chức chính phủ vẫn tiếp tục tranh giành nguồn lợi béo bở này với Taliban hoặc ăn chia với chúng.
Hội đồng Bảo an LHQ cho biết Taliban đánh thuế 10% trên mọi công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ heroin tại tỉnh Helmand.
Khảo sát mới nhất của LHQ công bố vào tháng 11-2017 cho thấy các trung tâm sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan đã có một năm làm ăn khấm khá khi sản lượng tăng 87% đi kèm với việc mở rộng diện tích trồng cây anh túc.
Số diện tích trồng thuốc phiện bị tiêu hủy đạt 750 hécta tại 14 tỉnh, tăng gấp đôi so với năm 2016 nhưng vẫn quá khiêm tốn.
Tính chung, giá bán tại cửa vườn của thuốc phiện năm 2017 ước tính tăng 55%, đạt 1,4 tỉ USD (số liệu của Văn phòng bài trừ ma túy và tội ác UNODC thuộc LHQ).
Theo cuộc khảo sát “Afghanistan Opium Survey” do UNODC và Bộ chống ma túy của Afghanistan tiến hành, sản lượng thuốc phiện trong năm 2017 là 9.000 tấn, tăng 87% so với 4.800 tấn của năm trước nhờ diện tích tăng và được mùa.
Năm 2017, diện tích trồng cây thuốc phiện tăng 63%, đạt 328.000 hécta, lật đổ kỷ lục 224.000 hécta của năm 2014.
Số tỉnh có trồng cây thuốc phiện cũng tăng lên 24, đa số nằm ở phía nam đất nước, nơi Taliban chiếm ưu thế và tổ chức này được xem là “cartel heroine” lớn nhất nước.
Tỉnh tăng mạnh nhất là Helmand, tăng đến 79% và chiếm 44% sản lượng thuốc phiện của cả nước (theo sau là Kandahar, Badghis, Faryab, Uruzgan, hang ổ của Taliban và “nhà nước Hồi giáo” IS).
Chỉ có 10 trong 34 tỉnh của Afghanistan được xem là miễn nhiễm với cây anh túc. Theo ước tính, tiền ma túy chiếm đến 60% quỹ lương và vũ khí của Taliban trong năm 2017.