Hầu hết chúng ta phản ứng với yêu cầu tăng cao trong công việc bằng cách làm việc lâu hơn, nhiều hơn và điều này dĩ nhiên gây ảnh hưởng đến chúng ta về mặt thể chất, tinh thần và cảm xúc. Nó cũng dẫn đến sự thiếu gắn kết, thiếu tập trung và chi phí y tế tăng lên.
Vấn đề cốt lõi ở đây là thời gian thì có giới hạn. Tám giờ rồi mười giờ mỗi ngày và nhiều hơn nữa, liệu đã đủ? Trong khi đó, năng lượng là một câu chuyện khác. Năng lượng là khả năng để sẵn sàng hoạt động, đến từ bốn “suối nguồn” của con người: cơ thể, cảm xúc, tâm trí và tinh thần. Với mỗi suối nguồn này, năng lượng có thể được phát triển một cách hệ thống và thường xuyên được làm mới bằng cách hình thành những thói quen riêng.
Một khi các doanh nghiệp quan tâm đến việc hỗ trợ nhân viên xây dựng những thói quen đơn giản, có thể giúp tái tạo liên tục nguồn năng lượng này thì họ cũng nhận được những lợi ích cụ thể từ việc cải thiện hiệu suất.
Cơ thể: Năng lượng thể chất
Hãy bắt đầu bằng việc tập trung vào năng lượng thể chất. Không đủ dinh dưỡng, ít vận động, thiếu ngủ và nghỉ ngơi làm giảm năng lượng cơ bản của con người, cũng như khả năng quản lý cảm xúc và tập trung chú ý của họ. Bị bủa vây bởi những đòi hỏi của vị trí và cuộc sống, các nhà điều hành thường không tìm ra cách để thực hiện thường xuyên, đều đặn những hành vi tốt cho sức khỏe thể chất.
Gary Faro, một phó chủ tịch ngân hàng, bị thừa cân, ăn uống kém, ít tập thể dục, làm việc nhiều giờ liền và thường ngủ không hơn năm hoặc sáu tiếng mỗi đêm. Faro bắt đầu thay đổi bằng cách đi ngủ theo thời gian biểu mới và ngủ lâu hơn. Kế đến, Faro thay đổi thói quen ăn hai bữa và ăn rất nhiều thành các bữa ăn ít hơn, xen kẽ là bữa ăn nhẹ cách nhau mỗi ba tiếng đồng hồ. Mục đích là giúp ổn định nồng độ glucose trong suốt ngày, tránh lên và xuống đột ngột. Nhờ thế, Faro giảm cân đáng kể nhưng mức độ năng lượng lại tăng cao.
Một thói quen khác mà Faro áp dụng là nghỉ giải lao ngắn và đều đặn. Điều này cũng thuận theo chu trình sinh học của con người. Sau thời gian tràn đầy năng lượng từ 90-120 phút thì cơ thể chúng ta chậm lại và chuyển từ trạng thái dồi dào năng lượng sang trạng thái uể oải, muốn được nghỉ ngơi. Những dấu hiệu là ngáp, đói và khó tập trung nhưng thường chúng ta hay phớt lờ và tiếp tục làm việc. Hệ quả là năng lượng còn lại của chúng ta càng sụt giảm khi về cuối ngày. Thời gian nghỉ dài hay ngắn không quan trọng mà quan trọng là chất lượng. Chỉ cần vài phút bạn cũng có thể phục hồi tốt bằng cách nghe nhạc hay đi bộ.
Cảm xúc: Chất lượng của năng lượng
Khi con người có thể kiểm soát cảm xúc, họ có thể cải thiện chất lượng của năng lượng dù cho có phải đối mặt với áp lực bên ngoài. Để làm được điều này, đầu tiên họ cần ý thức rõ hơn về cách mà họ cảm nhận trong suốt ngày làm việc và ảnh hưởng của những cảm xúc này đối với hiệu quả công việc. Hầu hết mọi người đều nhận ra rằng họ làm việc tốt nhất khi cảm nhận nguồn năng lượng tích cực.
Đối diện với những đòi hỏi liên tục và những thách thức không mong đợi, con người có xu hướng sa vào những cảm xúc tiêu cực – phản ứng “chống hoặc bỏ chạy” – nhiều lần trong ngày. Những cảm xúc này có thể trở thành giận dữ và mất kiên nhẫn, hoặc lo âu và bất an và có thể vắt sạch năng lượng, gây bất hòa trong quan hệ, làm cho bạn không thể tư duy một cách sáng suốt và logic.
Một thói quen đơn giản để hóa giải các cảm xúc tiêu cực là “câu giờ”. Thở sâu bằng bụng là một cách, sau đó thở ra trong khoảng năm hoặc sáu giây sẽ giúp thư giãn và tắt trạng thái “chống-hoặc-bỏ chạy”.
Thể hiện lòng biết ơn với người khác là một thói quen tạo điều kiện cho các cảm xúc tích cực và có lợi với cả người cho lẫn người nhận. Email, gọi điện, nói chuyện trực tiếp hoặc viết tay, càng cụ thể và chi tiết thì tác động càng cao.
Mọi người có thể nuôi dưỡng năng lượng tích cực khi học cách thay đổi câu chuyện mà họ kể lại với chính mình về các sự kiện xảy ra trong cuộc sống của họ. Hãy tự kể với chính mình một câu chuyện có thể truyền sức mạnh và đầy hy vọng nhưng không chối bỏ hoặc giảm thiểu các sự thật. Nhìn một câu chuyện với ba ống kính mới: dùng ống kính đảo ngược và tự hỏi “Người còn lại trong chuyện mâu thuẫn này sẽ nói gì và anh ta có thể đúng như thế nào?”; dùng ống kính nhìn xa và tự hỏi “Sáu tháng sau tôi sẽ nhìn chuyện này thế nào?” và dùng ống kính rộng để hỏi “Tôi có thể học được gì từ tình huống này?”. Mỗi lăng kính sẽ giúp chúng ta vun trồng thêm những cảm xúc tích cực.
Tâm trí: Tập trung năng lượng
Nhiều nhà quản trị xem việc đa nhiệm là điều cần thiết do họ phải tung hứng với quá nhiều yêu cầu, nhưng thực ra đa nhiệm làm hỏng hiệu quả. Phải chuyển đổi sự chú ý từ việc này sang việc khác – đang trả lời email thì bận nghe điện thoại chẳng hạn – làm tăng thời lượng cần để hoàn tất việc chính yếu lên 25%. Hoàn toàn tập trung vào một việc nào đó trong 90-120 phút, giải lao thật sự, rồi tập trung vào việc kế tiếp, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Cách phân bổ này cũng giống như “chạy nước rút” theo nhịp điệu sinh học.
Chúng ta có thể tạo nên những thói quen giúp giảm thiểu những gián đoạn xảy ra liên tục. Chẳng hạn, rời bàn làm việc đi vào phòng họp để tránh xa điện thoại và email khi có việc cần phải tập trung. Hoặc thay đổi thói quen trả lời email ngay lập tức thành thói quen kiểm tra email mỗi ngày hai lần.
Một thói quen tập trung rất hiệu quả của các nhà quản trị thành công là xác định trước thách thức quan trọng nhất của ngày hôm sau vào mỗi buổi tối và đưa việc này thành ưu tiên hàng đầu khi họ đến văn phòng vào mỗi buổi sáng.
Tinh thần: Năng lượng từ ý nghĩa và mục đích
Con người có thể tận dụng được năng lượng tinh thần khi công việc hằng ngày và các hoạt động của họ nhất quán với những gì mà họ đánh giá cao và mang lại cho họ cảm giác sống có ý nghĩa và mục đích. Nếu việc mà họ đang làm thật sự có ý nghĩa với họ, họ thường cảm thấy tích cực hơn, tập trung hơn và thể hiện sự kiên trì cao hơn. Đáng tiếc là với yêu cầu và tốc độ cao của đời sống hiện nay không cho chúng ta nhiều thời gian để chú ý những chuyện này và nhiều người thậm chí không nhận ra là ý nghĩa hay mục đích chính là một nguồn năng lượng mạnh mẽ.
Để khơi thông và tiếp cận nguồn năng lượng tinh thần, bạn cần xác định những hoạt động “ngọt ngào” nhất của mình – dễ dàng mang lại cho bạn cảm giác hiệu quả và đủ đầy. Tìm cách để làm nhiều hơn nữa những việc như thế. Một quản lý kinh doanh không thích làm báo cáo bán hàng có thể giao việc đó cho một thành viên thích việc này. Phân bổ thời gian và năng lượng để làm tốt những việc mà bạn cho là quan trọng nhất trong công việc, cho sức khỏe, với gia đình và cho xã hội.
- An Bình theo Harvard Business Review