Trong khi Tổng công ty Lương thực miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) liên tiếp có nhiều cuộc hội thảo bàn về việc làm sao để hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo mang lại nhiều hiệu quả. Thì mấy ai chịu khó đi sâu vào đời sống nông dân để lắng nghe nỗi trăn trở của người trực tiếp làm ra hạt gạo đang chịu nhiều thiệt thòi.
Thông tin trên báo chí cho biết, năng suất bình quân vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long là 68 tạ/hécta. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì giá thành vụ này là 3.800 đồng/kg, như vậy lợi nhuận nông dân kiếm được chỉ vỏn vẹn 700 đồng/kg. Còn vụ Hè Thu thì từ hòa đến lỗ vốn, nguyên nhân là do VFA bán gạo xuất khẩu giá quá thấp, nên ép giá mua lúa của nông dân quá thấp. Thế nhưng, không có bất cứ một ai chịu trách nhiệm về việc này mà sự quan tâm lại tập trung vào việc mua lúa để tạm trữ.
Nông dân thu hoạch lúa
Trong một bài viết phổ biến công khai, tác giả Hoàng Kim, một nông dân ở Đồng Tháp, đã phản ánh một thực tế rất đáng buồn và đã có lời than vãn rằng không ai chịu trách nhiệm về giá bán gạo xuất khẩu và giá lúa thấp.
Đây là cách nhìn vấn đề từ một góc độ khác mà những người trách nhiệm không thể không quan tâm. Câu hỏi đặt ra là năm 2013 nông dân lỗ vốn phải vay để ăn, vậy năm 2014 VFA bán gạo xuất khẩu giá nào?
Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch VFA, cho rằng gạo xuất khẩu của chúng ta giá thấp là do cạnh tranh với Ấn Độ và không có khách hàng nên bán không được.
Liệu lập luận này có đúng hay không khi Ấn Độ là nước chú tâm vào an ninh lương thực quốc gia và chỉ xuất khẩu khi đã chắc chắn gạo đủ ăn cho người dân. Điều này cho thấy cạnh tranh với Ấn Độ cùng lắm là bán bằng giá với gạo cùng loại của họ, do gạo Ấn Độ chất lượng thấp hơn gạo Việt Nam.
Tác giả bài viết nêu một số thắc mắc:
Cạnh tranh kiểu gì mà bán gạo cùng loại tại sao lại thấp hơn đến 70 USD/tấn?
Thái Lan và Việt Nam chiếm trên 50% lượng lúa gạo bán trên thị trường thế giới, tại sao Việt Nam không bán gạo xuất khẩu với giá tiệm cận với giá gạo Thái Lan mà lại bán phá giá thấp hơn Thái Lan đến 170 USD/tấn?
Tại sao không đểẤn Độ bán hết gạo giá thấp rồi Việt Nam bán gạo giá cao theo giá Thái Lan?
Nhiều năm nay, VFA bán phá giá gạo xuất khẩu của nông dân khiến cho giá lúa rớt thảm hại, thế nhưng Chính phủ vẫn chưa có biện pháp nào để nâng giá bán gạo xuất khẩu để từ đó nâng giá lúa cho nông dân.
Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo không hề quy định giá sàn bán gạo xuất khẩu cho VFA. Khi không có quy định giá sàn thì VFA được phép bán gạo với giá thấp tùy ý, và VFA đã lợi dụng việc này để bán phá giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ nhiều năm nay với giá thấp nhất thế giới.
Không quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu, Chính phủ chỉ có chính sách mua lúa gạo tạm trữ với lý do để giữ giá lúa cho nông dân. Năm 2013, để mua lúa tạm trữ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 7-2-2013 “Về mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013”. Điều 3 của Quyết định này cho phép: “Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”. VFA độc quyền lúa gạo của nông dân, cơ chế thị trường chính là cơ chế độc quyền của VFA nên họ được phép mua lúa của nông dân với giá bao nhiêu cũng được. Chính là dựa vào cái vòng lẩn quẩn này mà VFA thường mua lúa của nông dân với giá bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất.
Câu hỏi rất cần được các cơ quan chức năng trả lời sớm là liệu năm 2014 gạo Việt Nam có tiếp tục bán với giá thấp nhất thế giới và lúa của nông dân cũng sẽ bị mua tạm trữ với mức giá bằng giá thành hay không?
Một chính sách tốt về giá sẽ là động lực kích thích sản xuất đối với người nông dân, còn như ngược lại thì nền nông nghiệp của chúng ta sẽ sớm đi vào ngõ cụt vì nông dân không thể sống được – chứ chưa nói đến làm giàu – trên mảnh đất canh tác của mình.
Ngọc Anh