Từ ga tàu điện ngầm Stalingrad, chúng tôi đến tham quan khu vực Quảng trường Concorde nằm tại điểm tiếp nối các trục đường chính ở Paris như đại lộ Champs-Elysées, phố Rivoli, phố Royale… một bên gần công viên Tuileries, một bên giáp sông Seine.
Đây là quảng trường lớn nhất và có bề dày lịch sử của nước Pháp. Được xây dựng từ thế kỷ 18, quảng trường đã chứng kiến những sự thăng trầm trọng đại trong lịch sử nước Pháp. Đầu tiên là năm 1770, trong lễ bắn pháo hoa mừng đám cưới chính trị của hoàng tử Louis XVI và công chúa nước Áo Marie Antoinette, một quả pháo hoa rơi xuống đã gây nên cảnh hỗn loạn và giẫm đạp kinh hoàng khiến 133 người chết.
Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 là giai đoạn biến thiên lớn của lịch sử Pháp gắn liền với quảng trường Concorde. Vào thời kỳ này, quảng trường được lựa chọn để làm nơi đặt máy chém xử tử vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette trước sự chứng kiến của đông đảo người dân.
Từ quảng trường này, chỉ mất 10 phút đi bộ để đến cây cầu nổi tiếng đẹp nhất thủ đô Paris: cầu Alexandre III bắt qua sông Seine do Nga Hoàng xây tặng nước Pháp năm 1900. Đứng trên cầu nhìn về hướng Tây là một cung điện nguy nga, nổi lên là một nóc nhà tròn vàng rực. Đây là cụm Bảo tàng Lịch sử Quân sự mà chúng tôi muốn “tận mục sở thị”, bởi đây là cụm bảo tàng và là nơi trưng bày rất nhiều hiện vật về chiến tranh của lịch sử quân đội Pháp.
Phía cổng chính và mặt tiền của cụm bảo tàng, hai bên trưng này hai dãy đại bác, ở giữa tấm bảng chạy dài dòng chữ: Musée de l’Ordre de la Libération (Khu Bảo tàng Trật tự Giải phóng).
Nơi đây xưa kia là cung điện Les Invalides của Hoàng gia Pháp.
Bước vào cổng sau khi được kiểm tra an ninh là một khoảng không gian rộng lớn được bao bọc chung quanh bởi những dãy nhà rất uy nghiêm, đó là những nơi đang trưng bày các hiện vật về lịch sử quân đội. Quanh sân, trưng bày các chiến cụ lớn như súng thần công của các thời kỳ, xe tăng thời kỳ Thế chiến thứ nhất… cũng được trưng bày khắp nơi. Ở đây, khách được tự do tham quan không phải mua vé.
- Xem thêm: Đến Paris gặp sử gia Sài Gòn
Tổng thể không gian rộng lớn này được quy hoạch phân chia thành các khu vực triển lãm gồm có 8 chủ đề trọng tâm lớn, chia theo các thời kỳ chiến tranh như: Thời kỳ trung cổ thế kỷ thứ 17 với các chiến cụ như gươm dáo, kỵ sĩ đi ngựa, áo giáp bằng sắt; thời kỳ dùng súng ống, đại bác và bộ binh đánh giáp lá cà; thời kỳ Đệ nhất thế chiến; thời kỳ Đệ nhị thế chiến dùng bom nguyên tử; khu mộ Napoléon Bonaparte; khu kỷ niệm Charles de Gaulle và thánh đường Saint Louis.
Phía tay trái là Bảo tàng Quân sự (Museé de l’Armée).
Sau khi mua vé giá 12 Euro, chúng tôi lần lượt bước vào tham quan viện Bảo tàng này.
Ở các khu trưng bày chuyên đề, có rất nhiều chiến cụ như gươm dáo, súng ngắn, súng trường, áo giáp… trưng bày trong các tủ kiếng. Chúng tôi tìm đến phòng trưng bày hiện vật về cuộc chiến tranh Đông Dương và Việt Nam. Tại đây, trưng bày một số hiện vật liên quan từ giai đoạn vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến trận chiến Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954. Thời gian gắn liền với chiến trận của nước Pháp trong suốt 80 năm.
Đến đây, chúng tôi rất ngỡ ngàng trước hai hiện vật rất đặc biệt: Thanh kiếm “Thái A” ghi là của vua Gia Long và hai bộ triều phục của danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800-1873) cùng với đôi hia của ông.
Đối với thanh kiếm của vua Gia Long, chúng tôi chưa rõ lý do sự có mặt của nó tại đây vì không tìm thấy sự chú thích nào. Kiếm gồm có hai phần: một lưỡi dài khoảng một thước và một cán ngắn bằng 1/5 lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng. Cán là một dãy bảy vòng ngọc giống bảy đốt tre liền nhau. Lưỡi kiếm hình hơi cong là một thanh thép sáng, khắc ở phần trên một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và tên gươm bằng ba chữ Hán: Thái A Kiếm.
Riêng 2 bộ triều phục của tướng Nguyễn Tri Phương thì chắc chắn đã được quân Pháp đưa sang đây trong thời gian Pháp tấn công thành Hà Nội, tháng 11 năm Nhâm Thân (1872); lúc bấy giờ, ông đang là Khâm sai đại thần chỉ huy quân dân ta chống trả các đợt tấn công của quân Pháp. Trong khi chỉ huy chống trả, Nguyễn Tri Phương bị thương và bị Pháp bắt. Ồng cự tuyệt sự chăm sóc của địch, chịu đói nhịn ăn mà chết. Chắc hẳn 2 bộ triều phục của ông đã bị quân Pháp “tịch thu”. Bộ Thường triều màu xanh lục; bộ Đại triều màu đỏ để sử dụng trong nghi lễ lớn của triều đình.
- Xem thêm: Nhà bảo tàng văn hào Victor Hugo ở Paris
Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, trong dịp khai mạc cuộc trưng bày Đông Dương, Đất và Người 1856–1956 tại Điện Invalides (Paris), nhà Bảo tàng Musée de l’Armée và Nhà xuất bản Gallimard cho in cuốn sách Indochine, Des Territoires et des hommes, 1856–1956 (10.2013). Trong nội dung, tác giả có cung cấp hình ảnh hai chiếc áo này của danh tướng Nguyễn Tri Phương đang được lưu giữ nguyên vẹn tại đây. Bên dưới có chú thích như sau:
– Áo thường triều, màu xanh lục, trang 66.
Chú thích:
III.26 Costume d’apparat du Maréchal
Nguyên Tri Phương, XIXè sciècle (Cat. 61)
Áo được trưng bày với cùng đôi hia.
– Áo đại triều, màu đỏ, trang 177 với ghi chú tiểu sử, chủ nhân của chiếc áo:
“Né en 1800, Nguyên van Chuong entre au service de l’empereur Minh Mang à l’âge de 23 ans, puis intègre le gouvernement. De 1833 à 1845, il réussit à contenir et à repousser les Siamois à la frontière du Cambodge, puis en 1850, l’empereur Tu Duc change par decret son nom en Nguyên Tri Phuong en reconnaissance de ses succès, inventeur d’un système de défense à base de forteresses (Don). C’est en résistant contre les troupes fran#aises qu’il gagne pour la postérité son titre héros national”.
Tạm dịch:
“Sinh năm 1800, Nguyễn Văn Chương vào làm việc ở nội các vua Minh Mạng lúc 23 tuổi và sau đó là quan chức triều đình. Từ năm 1833 đến 1845, ông đã có công chống giữ và đánh đuổi quân Xiêm ở biên giới Campuchia. Vào năm 1850, bằng một sắc dụ vua Tự Đức đã ban cho ông tên Nguyễn Tri Phương để ghi nhận công lao của ông trong việc thiết lập các đồn điền. Công cuộc chống quân Pháp của ông đã khiến ông trở thành anh hùng dân tộc” (Trích từ trang điện tử Chim Việt Cành Nam số 73, tháng 1/2019).
Thiển nghĩ, đây là những báu vật rất quý của một giai đoạn lịch sử Việt Nam, đồng thời đây cũng là những di vật quý hiếm còn lưu lại hiện nay. Do đó, rất cần có sự nghiên cứu về lịch sử của các di vật này, nhất là hình thức và kiểu dáng của 2 bộ trang phục của tướng Nguyễn Tri Phương, nhằm mục đích phục vụ cho việc phục chế trang phục sử dụng trong đền thờ, tượng đài của một vị danh tướng có công lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc…