Do nhà Bảo tàng văn hào Victor Hugo (Maison de Victor Hugo) không nằm trong tour của các công ty du lịch lữ hành nên chúng tôi phải nhờ Google Map chỉ đường để đi đến đó.
Được biết nhà lưu niệm này nằm trong khu vực Quảng trường Vosges ở quận 4, thủ đô Paris. Theo chỉ dẫn, chúng tôi sử dụng Metro để đến quảng trường này.
Lên bộ tại trạm Metro ngay khu vực Quảng trường Bastille; nơi từng xảy ra sự kiện chiếm ngục Bastille vào ngày 14-7-1789 trong cuộc cách mạng Pháp năm đó.
Sau khi hỏi thăm và được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đi bộ đến nhà bảo tàng vì quãng đường chỉ khoảng 1km.
Từ xa, một không gian choáng ngợp hiện ra trước mắt chúng tôi: Quảng trường Vosges tọa lạc tại khu đất rất rộng và được xem là đẹp nhất của thủ đô Paris.
Nhìn bao quát, quảng trường này tựa như một bàn cờ vuông vắn, xung quanh được bao bọc bởi những tòa nhà theo lối kiến trúc cổ điển được xây bằng gạch đỏ truyền thống và phủ mái xanh.
Dần theo các bảng hướng dẫn, chúng tôi đi một vòng để tìm trong số đó ngôi nhà mà đại văn hào Victor Hugo (1802-1885) từng sinh sống cùng vợ và bốn người con trong suốt 16 năm.
Ngôi nhà số 6 tọa lạc ở một góc của hai dãy nhà rất hoành tráng, hiện nay trở thành bảo tàng trưng bày rất nhiều hiện vật được lưu giữ về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Ngôi nhà ông cư ngụ gồm bốn tầng. Đây là sự pha trộn của văn minh Pháp với những đồ gỗ cổ, tranh và ảnh của gia đình, những đồ lưu niệm có từ hàng thập niên trước.
Rèm cửa đỏ trải dài từ trần xuống tận sàn gỗ, với căn phòng trang trí theo kiểu Trung Hoa. Nơi đây, các tác phẩm nổi tiếng của ông như Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà… đã lần lượt ra đời.
- Xem thêm: Khi Victor Hugo vẽ
Nội thất ngôi nhà được sắp xếp để tái hiện ba giai đoạn của cuộc đời đại văn hào Victor Hugo: trước, trong và sau khi bị lưu đày.
Tầng 1 là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, những bức tranh Victor Hugo vẽ và mô phỏng sự nghiệp sáng tác văn học của ông. Một thư viện phong phú đầu sách cũng mở cửa để công chúng tham quan.
Tại khu vực này, chúng tôi thấy nhiều tốp học sinh được cô giáo hướng dẫn đến tìm hiểu, học tập có sự thuyết minh của nhân viên bảo tàng.
Tầng 2 gồm các căn phòng trưng bày các hiện vật để gợi nhớ các sinh hoạt và những thăng trầm trong cuộc đời nhà văn vĩ đại.
Phòng L’Antichambre mang bầu không khí ấm cúng với nhiều bức ảnh Victor Hugo chụp cùng gia đình, người thân, bạn bè. Đây là nơi tái hiện thời niên thiếu cũng như những thành công đầu đời trong sự nghiệp văn chương của ông.
Phòng Le Salon rouge được bao phủ bởi lụa đỏ sẫm. Trên tường treo các bức ảnh gia đình, giữa phòng có tủ kính lớn bày bản in các tập thơ và kịch đầu tiên của Victor Hugo.
Chân dung của Victor Hugo do cháu ông vẽ, chân dung các cụ tổ, chân dung gia đình ông và những tấm huân chương hiển hách từ thời Napoléon.
Vợ của Victor Hugo cũng là người phụ nữ tài năng; bà vẽ các con của hai ông bà. Qua mỗi giai đoạn cuộc sống, ta thấy tài năng của ông làm cho con người ông tỏa sáng.
Phòng khách tại đây từng đón tiếp rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng: Lamartine, Dumas, Vigny, Sainte – Beuve…
Đặc biệt nhất là bức ảnh chụp ông lúc lâm chung bằng hình đen trắng. Một nhà văn Pháp, ông Arsène Houssaye, đã bình luận về bức ảnh này như sau:
“Tôi nhìn thấy ánh sáng đen. Hugo đi vào giấc ngủ ngàn thu với vẻ tự hào, chiến thắng và rạng rỡ. Điều này chính nhờ sự phản chiếu từ tâm hồn hoan hỉ của ông”.
Được biết, bức ảnh được công bố trên báo L’Illustration ngày 30-5-1885 sau khi diễn ra lễ tang quốc gia long trọng dành cho nhà văn, từng là sự kiện lớn đối với báo chí Pháp và châu Âu thời đó. Cho đến nay, bức ảnh là một trong những chân dung nổi tiếng nhất của Victor Hugo.
Trong lịch sử văn học Pháp, Victor Hugo – nhà văn, nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn đã để lại cho hậu thế những tác phẩm vĩ đại, trong đó cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế kỷ XIX mà khi nhắc đến không ai không biết tới: đó là Những người khốn khổ.
Nội dung tác phẩm là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ XIX kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX.
Chính Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình”.
Không chỉ thiên hướng sáng tác thơ văn lãng mạn, Victor Hugo còn là một trong những nhà văn, nhà thơ thời bấy giờ chiến đấu bằng ngòi bút để chống lại Hoàng đế Pháp là Napoléon III, và kết quả là ông bị lưu đày 20 năm.
Thế nhưng dù phải sống một cuộc đời lưu đày, ông vẫn không ngừng cống hiến và đóng góp những tác phẩm hay để lại cho đời.
Chính bởi ý chí cố gắng, nỗ lực không ngừng, cùng với lòng dũng cảm hoạt động chính trị mạnh mẽ, ông là một phần quan trọng trong xã hội Pháp và cũng là niềm tự hào của người dân Pháp lúc bấy giờ.
- Xem thêm: Đi chợ đồ xưa Saint Ouen ở Paris
Do đó, mỗi thị trấn trên toàn nước Pháp đều có một con đường mang tên ông để người dân cả nước tưởng niệm và luôn luôn nhớ về vị anh hùng của dân tộc.