Vào đầu thế kỷ XIX, thủ đô Edinburgh của Scotland đi tiên phong trong việc giải phẫu cơ thể người. Các bác sĩ thiên tài như Alexander Monro, John Bell, John Goodsir, Robert Knox đã mở ra kỷ nguyên chữa bệnh bằng dao kéo. Nhưng cũng chính tại đây, nạn trộm thi thể người chết hoành hành. Nó vừa mới lắng xuống thì lại xuất hiện bộ đôi William Burke và William Hare giết người, buôn bán xác. Chúng đã sát hại ít nhất 16 nạn nhân.
Hệ quả đáng sợ
Theo Luật Tội phạm sát nhân của Scotland thế kỷ XIX, ngành y được phép sử dụng thi thể của tội phạm bị tử hình, tù nhân qua đời trong nhà giam, nạn nhân tự tử, người tứ cố vô thân cho mục đích nghiên cứu. Edinburgh là trung tâm giải phẫu hàng đầu. Từ cuối thế kỷ XVIII, nơi này đã tiên phong mở “rạp hát phẫu thuật” với 200 chỗ ngồi, thị phạm giải phẫu cơ thể cho sinh viên y khoa quan sát.
Bước sang thế kỷ XIX, ở Edinburgh xuất hiện hàng loạt các bác sĩ giải phẫu thiên tài như cha con Alexander Monro, John Bell, John Goodsir, Robert Knox… Chỉ tính riêng lớp giải phẫu 2 ca/ngày của tiến sĩ Robert Knox (1791-1862), mỗi buổi đều có khoảng 400 học viên dự giảng.
Khi lượng sinh viên y khoa trong và ngoài nước kéo về càng đông, Edinburgh rơi vào tình trạng thiếu thi thể thực nghiệm. Mặc dù Scotland quy định quấy nhiễu nơi yên nghỉ, ăn cắp di vật của người chết là phạm pháp, người ta chưa từng nghĩ đến việc thi thể cũng có khả năng bị đánh cắp. Luật pháp Scotland chưa xem thân thể của người chết thuộc cá nhân hay tổ chức nào. Lợi dụng sơ hở đó, tệ nạn đào mộ trộm xác đem bán tràn lan. Trước thập niên 1820, người ta chỉ cần trả 8-10 bảng Anh là mua được một thi thể.
Những năm 1820, cư dân Edinburgh nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối trộm cắp, buôn bán thi thể người đã khuất. Mỗi tang quyến đều phải vất vả trông giữ di thể thân nhân hoặc thuê vệ sĩ bảo vệ quan tài. Các nghĩa trang thì dựng tháp canh, cắt cử người gác suốt đêm ngày. Vài gia đình còn dùng hẳn lồng sắt kiên cố bao bọc thi thể người chết rồi mới đặt vào quan tài, khuân hẳn đá tảng cực to chất lên đỉnh nấm mộ.
Cặp đôi ám ảnh
Lùi lại một chút vào năm 1818, Scotland đón một người nhập cư từ Ireland láng giềng là William Burke. Hắn chán cảnh bị vợ con phiền nhiễu, cha mẹ la mắng nên bỏ nhà sang nước kế bên làm công trên Kênh Union. Thời gian sống ở đây, Burke phải lòng cô gái nhà thổ tên Helen MacDougall. Hai người không kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng.
Năm 1827, cặp Burke-Helen chuyển tới Edinburgh, làm nghề bán hàng rong. Burke nổi tiếng chịu thương chịu khó và vui tính. Hắn không ngại vất vả mà thu nhập chỉ 1 bảng Anh/tuần. Đúng lúc muốn tìm phòng trọ trú thân, Burke gặp William Hare, một thanh niên làm thuê 7 năm ở Kênh Union giống như hắn. Hare đã tới Edinburgh vào năm trước. Gã làm việc trong nhà trọ bình dân Tanner’s Close của cặp vợ chồng Margaret-Logue. Vì Logue bất ngờ qua đời, Hare được bà chủ Margaret chiếu cố như nhân ngãi.
Lập tức, Hare mời vợ chồng Burke-Helen tới nhà trọ của Margaret thuê phòng. Ngày 29-11 cùng năm, trong Tanner’s Close có một khách trọ tên Donald đột ngột tắt thở. Hare mất thu nhập, xót ruột than vãn với Burke. Lúc này trên khắp Edinburgh, người dân dốc toàn lực bảo vệ thi thể thân nhân đã chết.
“Thủ đô giải phẫu” lần nữa quay về cảnh đói mẫu vật thí nghiệm, khát xác người chết cao độ. Burke bèn xui Hare đánh tráo thi thể Donald, bán cho các nhà giải phẫu. Họ lợi dụng buổi tối trước ngày chôn cất trộm xác Donald, nhét vỏ cây vào quan tài thay thế rồi lén lút mang tới nhà Robert Knox.
Knox là tiến sĩ giảng dạy trong trường y danh giá, Đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở Edinburgh. Mỗi ngày, ông ta mổ xẻ cơ thể người 2 lần, được đánh giá là nhân vật không thể thiếu trong lịch sử phát triển của ngành giải phẫu học. “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, Knox trả 7 bảng Anh mua ngay cái xác. Với thu thập còm cõi của Burke-Hare, đó là một khoản khá lớn. Hai người liền suy tính biến các khách trọ khác thành “món hàng”, giao dịch với mức lời cao với Knox.
Ít nhất 16 án mạng
Với 7 bảng Anh, Burke-Hare chia 3-4. Burke phải chi gần hết 3 bảng Anh vừa nhận trả tiền phòng trọ cho Hare nên lại trở về tình trạng rỗng túi. Hắn đồng lõa với Hare, giết khách trọ tên Abigail Simpson. Lần này, chúng đòi Knox phải nâng giá mua lên 10 bảng Anh.
Biết chuyện “làm ăn” mới của các đức phu quân, hai bà vợ là Helen và Margaret âm thầm giúp một tay. Khi “nguồn hàng” trong nhà trọ Tanner’s Close ngày càng vơi, họ hợp tác mở quán rượu tư. Helen vừa bán rượu vừa lả lơi quyến rũ khách hàng, tạo điều kiện cho Burke-Hare ra tay rồi đưa xác tới nhà Knox.
Họ chỉ chọn những đối tượng tứ cố vô thân, sát hại trót lọt hàng chục người. Dần dà, Burke-Hare nhắm cả vào người dân địa phương. Ít nhất, chúng cũng xuống tay với 2 nạn nhân có tiếng là Mary Paterson, người phụ nữ “sống về đêm” nổi danh xinh đẹp nhất vùng và Jamie Wilson, nam thanh niên 18 tuổi bị chậm phát triển và bị dị tật ở chân.
Jamie Wilson sống trong khu phố Old Town, được rất nhiều người quan tâm trông chừng. Margaret liều lĩnh dụ cậu đến nhà, giao cho Burke-Hare chuốc rượu rồi đánh ngất. Không thấy Wilson, cả thị trấn Old Town đổ ra đường đi tìm. Knox lạnh lùng cắt đầu và cái chân bị dị tật của cậu giấu đi, gửi phần thi thể còn lại ra nước ngoài làm mẫu vật nghiên cứu.
Từ khi mở quán rượu, Burke-Helen cũng rời nhà trọ Tanner’s Close, thuê nơi cư trú chung với một cặp đôi khác là Gray-Ann. Họ không bao giờ ngờ chính hai vợ chồng này sẽ khiến mình thành “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nạn nhân cuối cùng của Burke-Hare là Margaret Docherty, một phụ nữ Ireland trung niên mới đến Edinburgh. Burke gặp Docherty trong quán rượu, lươn lẹo nhận là đồng hương rồi mời về nhà ăn nhậu. Khoảng nửa đêm, hắn gọi Hare đến giết bà, giấu xác vào trong nệm rơm giường vợ chồng Gray-Ann đang tạm vắng nhà.
Sáng hôm sau, Ann về và nhớ để quên vớ trên giường nên định vào lấy. Burke khéo léo đánh lạc hướng cô. Đến chiều, Gray lại sực nhớ ra đôi tất. Anh vào giường tìm và kinh hoàng phát hiện thi thể Docherty. Trên đường chạy đi báo cảnh sát, Gray đụng phải Helen. Cô ta lẻo mép xin xỏ, nhét vào tay anh 10 bảng Anh. Gray nổi giận ném đi, dẫn đường cho cảnh sát về tận nhà.
Dựa vào các bằng chứng gián tiếp, giới điều tra xác định Burke-Hare đã hạ sát ít nhất 16 người. Song ngoài vụ Margaret Docherty ra, họ không có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào khác. Các công tố viên chỉ còn cách “thả thính” Hare, hứa hẹn nếu gã tố cáo Burke thì sẽ phóng thích. Tháng 12-1828, Burke bị kết tội giết 3 người: Margaret Docherty, James Wilson và Mary Paterson. Tuy họ chưa phải là tất cả các nạn nhân, nhưng vẫn đủ để tên đồ tể này bị xử tử hình.
Ngày 28-1-1829, Burke bị treo cổ. Như một hình phạt và lời răn đe, tòa án quyết định cho phép giải phẫu thi thể hắn công khai. Hiện tại, bộ xương của Burke vẫn đang được trưng bày trong Bảo tàng Giải phẫu của Đại học Y Edinburgh. Bên cạnh đó, người ta còn đúc tượng phần đầu của hắn (và Hare), đem da thuộc đóng thành bìa sách.
Tháng 2-1829, Hare được tự do. Gã lập tức trốn sang Anh, từ đó không rõ tung tích. Về phần Knox, ông ta khẳng định không biết chuyện Burke-Hare giết người, chỉ mua các thi thể vì cứ tưởng họ chết tự nhiên. Công chúng Scotland không tin. Knox bị đồng nghiệp cạch mặt, sinh viên bỏ đi hết. Năm 1842, ông ta cũng phải rời Scotland lánh sang Anh, tìm việc và sống nốt phần đời còn lại.
Sau sự kiện án mạng bán xác liên hoàn này, Scotland cũng phải thiết lập lại luật lệ. Tháng 8-1832, họ thông qua Đạo luật Giải phẫu, chỉ cho phép ngành y sử dụng các thi thể được hiến tặng.