Có những thói quen, những điều không quá to tát nhưng lại vô cùng ấm áp, dường như trở thành “nghi thức” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Một món ăn “rất đặc trưng” từ người bà mà cứ mỗi lần họp mặt là mọi người trong gia đình lại nhắc nhớ nếu thiếu vắng. Những thói quen, cách hành xử mà chúng ta luôn gắn bó, luôn làm như vậy vào cùng một thời gian sẽ trở thành truyền thống. Chính những điều đó tạo nên cảm nhận về sự đoàn kết, thống nhất, sự ấm áp và gần gũi cho một gia đình.
- Xem thêm: Có còn nếp nhà?
Truyền thống có thể là điều to lớn hoặc một chi tiết nhỏ. Nhưng chúng khác với thói quen bình thường ở chỗ chúng ta làm nhiều lần điều đó với mục đích đặc biệt trong tâm tưởng và với sự chú tâm.
“Kho ký ức đẹp” truyền thống gia đình…
Truyền thống kể nên câu chuyện của một gia đình. Ở góc độ vĩ mô, truyền thống dạy cho trẻ biết rằng gia đình của mình đến từ đâu hoặc cho các em cái nhìn rõ hơn về lịch sử văn hóa. Thí dụ, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên và những nghi thức diễn ra trong những ngày tết truyền thống.
Ở góc độ vi mô, truyền thống là cách để nhắc nhớ về các sự kiện đã tạo nên gia đình của những đứa trẻ. Chẳng hạn, mỗi năm gia đình bạn đều đi biển và có cùng một hoạt động như thế vào thời điểm đó trong năm, thế là lần đi biển năm nay sẽ nhắc bạn về những trải nghiệm của năm trước.
Những câu chuyện mà chúng ta kể về gia đình mình đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc cá nhân của một đứa trẻ. Nhà tâm lý học Marshal Duke nhận thấy rằng những đứa trẻ biết rõ về lịch sử gia đình thì thường linh hoạt và tự tin hơn so với trẻ không có sự gắn kết này. Hiểu về quá khứ và biết rằng mình thuộc về điều gì đó lớn lao hơn chính mình sẽ làm thấm nhuần sự tự tin.
Là “bến đỗ an toàn”. Truyền thống gia đình là “thuốc giải độc” cho cảm giác phiền nhiễu đến từ một thế giới quay cuồng. Thật dễ chịu khi có được vài điều bất di bất dịch trong cuộc sống của bạn.
Truyền thống có thể đặc biệt hiệu quả vào những lúc khó khăn và có sự thay đổi. Chẳng hạn, khi gia đình bạn chuyển đến một thành phố mới nhưng người cha vẫn giữ thói quen đạp xe cùng con vào mỗi sáng thứ Bảy. Các nhà nghiên cứu nhận thấy truyền thống gia đình có thể mang lại sự thoải mái và an toàn cho trẻ.
Một trong những mục đích chính của nghi thức, dù là thuộc về tôn giáo hay đời sống, là để truyền đạt và làm mạnh các giá trị. Điều đó là tương tự đối với truyền thống gia đình. Qua việc đọc sách cho trẻ trước giờ đi ngủ hằng ngày, giá trị của giáo dục, của việc đọc và học tập suốt đời sẽ được khắc sâu. Qua các bữa ăn và hoạt động gia đình, tinh thần đoàn kết sẽ được thấm nhuần.
Trong một xã hội hiện đại, bận rộn với nhiều lo toan, những thói quen nhỏ nhưng đều đặn này cũng giúp cho chúng ta và con cái có điều gì đó để trông mong và nhìn lại với sự hài lòng.
- Xem thêm: Bảo tồn di sản gia đình
Chuyển giao di sản văn hóa. Nhiều truyền thống gia đình đã được chuyển giao qua nhiều thế hệ. Tiếp tục đưa những truyền thống này vào gia đình bạn là một cách tuyệt vời để dạy trẻ về lịch sử gia đình hay tôn giáo, điều đó sẽ bồi đắp cho bản sắc riêng.
Truyền thống gia đình là cách tuyệt vời để có được sự gắn kết của trẻ với ông bà. Các nhà xã hội học và nhà nghiên cứu gia đình đã chứng minh rằng những đứa trẻ gắn bó hơn với ông bà thì có ít vấn đề về cảm xúc và hành vi hơn.
Chuẩn bị những món ăn truyền thống cùng với người bà hay nói chuyện về cây cỏ với ông sẽ là những thói quen khó quên. Những kỷ niệm đáng nhớ và tích cực của thời thơ ấu sẽ giúp trẻ trở thành người lớn hạnh phúc và rộng lượng hơn.
Các nhà tâm lý thường “kể tội” ký ức như một chỉ dấu của trầm cảm, nhưng một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy ký ức thương yêu về quá khứ mang lại nhiều lợi ích tích cực, giúp người ta chống lại sự cô đơn, rộng lượng hơn và làm tiêu tan sự sợ hãi. Và để hưởng lợi từ ký ức, hãy làm đầy “kho ký ức đẹp” và sáng tạo, duy trì những truyền thống gia đình đầy ý nghĩa!
Làm cách nào để tạo nên truyền thống gia đình?
Tìm ra mục đích. Đây là gợi ý của Meg Cox, tác giả quyển Sách về truyền thống gia đình mới. Khi muốn tạo nên một truyền thống gia đình, hãy tự hỏi “Mục đích của nó là gì? Tôi muốn các con tôi và gia đình tôi nhận được gì từ đây?”. Trả lời những câu hỏi này sẽ bảo đảm rằng bạn có thể phát triển những truyền thống gia đình có ý nghĩa.
Sau khi đã xác định mục đích, hãy làm cho truyền thống trở thành điều đặc biệt của gia đình bạn. Chẳng hạn, bạn muốn tạo nên một dịp truyền thống nhằm truyền đạt cho gia đình về tầm quan trọng của sự tri ân trong bữa ăn gia đình vào ngày cuối cùng trong năm trước dịp Tết Nguyên đán.
Trước bữa ăn, mọi người có thể viết vào một mảnh giấy về những điều mà họ thấy biết ơn nhưng không ghi tên và bỏ vào một chiếc hộp. Trong lúc mọi người ăn hoa quả, bánh, chiếc hộp sẽ được chuyền quanh và từng người sẽ đọc lên những nội dung và cho biết tác giả là ai. Vui, đơn giản nhưng độc đáo và lắng đọng sẽ để lại nhiều điều.
Phối hợp những truyền thống từ thời thơ ấu của bạn, nhưng cũng tập trung tạo dựng truyền thống cho gia đình mới. Cố gắng dung hợp truyền thống từ gia đình chồng và vợ có thể là chuyện bế tắc với cả hai. Hãy trao đổi, sáng tạo, nhượng bộ và tìm cách kết hợp các thói quen truyền thống. Hơn nữa, dành thời gian để tạo dựng những truyền thống riêng cho gia đình mới của bạn.
Ba loại truyền thống mà mỗi gia đình nên có
Ngoài những truyền thống gia đình gắn liền với các ngày lễ hay dịp sinh nhật, tác giả Meg Cox gợi ý các gia đình nên chủ động tạo nên những truyền thống không gắn với ngày lễ. Đặc biệt là ba dạng truyền thống sau:
Sự gắn kết hằng ngày. Đó là những việc nhỏ mà bạn có thể làm mỗi ngày để củng cố các giá trị và bản sắc gia đình. Nhiều thói quen hằng ngày phát triển tự phát trở thành thói quen truyền thống, nhưng cần có chủ ý thực sự để phát triển các thói quen tích cực cho gia đình bạn. Nếu không chú tâm, “truyền thống” có thể thành thói quen xem tivi chung trong khi mạnh ai nấy cầm điện thoại hay máy tính bảng.
- Xem thêm: Khạp gạo hũ muối ngày tết
Truyền thống gắn kết hằng tuần. Tương tự như hằng ngày nhưng diễn ra mỗi tuần. Có thể là buổi ăn sáng đặc biệt vào thứ Bảy hoặc một trò chơi gia đình vào đêm cuối tuần.
Truyền thống chúc mừng những thay đổi hay cột mốc lớn trong cuộc đời. Những truyền thống này có thể đơn giản như bức ảnh kỷ niệm ngày đầu tiên đến trường hằng năm hoặc một “sự kiện lớn” như đón mừng căn nhà mới.