Ngồi vào mâm cơm, tất cả đều ăn, vậy mà người Bắc xưa phải mời cho đủ. “Cháu mời ông bà, con mời bố mẹ, anh chị em xơi cơm”.
Rồi đến lúc gọn hơn: “Con mời cả nhà xơi cơm”. Ở một số miền, ăn cơm là không phải mời từng người như thế. Họ mời, gọi nhau đến giờ cơm rồi, và tỏ sự quan tâm bằng cách xới cơm cho nhau, xem đã đủ bát đũa chưa, còn ai thiếu muỗng, đũa, khăn giấy…
Đó cũng là một nếp, một thói quen cần giữ vì hiện nay nó đang mất đi. Cả nhà ít khi được quây quần, mà thường mạnh ai nấy ăn do sinh hoạt giờ giấc khác nhau. Con cái đến muộn mới về, ông bà phải ăn sớm…
Bây giờ các phái thiền thường ngồi yên lặng trước khi ăn, để tĩnh tâm, tập trung và có người còn nói: để cảm ơn các sản vật trời đất cho ta được thực phẩm tươi ngon.
Nhiều gia đình bây giờ “trở lại thời bao cấp” (đó là nói đùa, vì nội dung đã khác rồi. Xưa vì nghèo vì thiếu): họ nấu cơm sáng, ăn xong còn cho vào cặp lồng đêm đi. Buổi trưa nắng đỡ phải chạy ra ngoài đường. “Ăn bờ bụi” mất vệ sinh, tốn tiền. Sau nữa, nấu cơm còn có thể giúp người ăn kiêng.
Cặp lồng nhiều rau củ giúp người tiểu đường, giảm béo. Và sau nữa, vẫn hiện diện sự săn sóc của người phụ nữ chu đáo: có cả cái tăm, miếng trái cây tráng miệng.
- Xem thêm: Quây quần bữa tối – nếp xưa đâu còn
Làm vậy có “lẩm cẩm” không, khi mà dịch vụ xã hội đã làm sẵn cho tất cả. Bữa ăn trên máy bay có sẵn, vậy mà một vị khách là thiền sư trước lúc ra máy bay vẫn được chủ nhà luộc cho một hộp các loại rau củ. Vị khách nước ngoài sang trọng, đi máy bay hãng lớn, vậy mà ông ta đem theo suất ăn dọc đường.
Những nền nếp nho nhỏ ở gia đình như thế đòi hỏi sự chăm chút của người phụ nữ thường được tư tưởng “giải phóng”, giao cho xã hội đầy đủ dịch vụ.
Nhưng với các gia đình đầm ấm, người ta không để biến mất hoàn toàn bóng dáng của sự chăm chút bởi bàn tay phụ nữ.
Còn chuyện đưa đón khi đi xa. Bây giờ có taxi giải quyết nhanh gọn. Một người bạn hỏi: “Ông bà đi chơi thế này, con cháu có đưa đón không?”.
Câu trả lời là “không”, bởi ông bà vẫn còn đi làm, đâu đã già lụ khụ. Con cháu lại bận. Thôi cứ lên taxi là khỏe. Con cái tiễn chân rồi bưng đồ cho ông bà lên taxi và vẫy tay tạm biệt rồi, thế là đủ.
Vậy mà ông bạn nói: “Chúng nó bây giờ Tây quá, không được”. Khách đến nhà bây giờ chẳng có nổi ấm chén để pha trà tiếp khách. Là bởi từ lâu được uống nước lọc đun sôi để nguội hoặc nước trái cây.
Ai đến nhà thì được hỏi có uống nước không, nếu khách trả lời có, sẽ được đem ra chai nước suối với cây ống hút.
Nghe hợp lý vậy mà ông bạn vẫn nói rằng phải biết giáo dục lớp trẻ giữ lấy nền nếp. Nhiều thứ của các cụ đối xử với nhau hay lắm, không phải cái gì cũng vứt đi cả đâu.
- Xem thêm: Quanh cái bàn ăn, giá trị của mái ấm
Thời buổi bận rộn, lấy chuyện giải quyết thực chất và hợp lý làm tiêu chuẩn, nên các thủ tục rườm ra được bỏ bớt, giải phóng khỏi lễ nghi.
Nhưng lại phải đề phòng câu của các cụ xưa: thái quá bất cập. Bây giờ lời chào hỏi đã bớt, có thể cháu kêu “hê lô” chào ông bà lúc đến chơi, tất cả đều cần uyển chuyển, không máy móc rườm ra, nhiều cái tiện lợi.
Nhưng chuyện thưa gửi, chào hỏi, đưa tiễn, xin phép bây giờ cũng được giản lược nhiều khi thái quá. Có người đi xa, chẳng điện thoại thăm hỏi, khi đi thì biết đi, lúc xuất hiện ở cửa thì biết về.
Nhiều cảnh “cải tiến” khiến lòng người cô đơn trống trơn và nghĩ: thời đại này là thế. Cô đơn giữa một biển người. Có khi là sự phát triển độc lập tính, nhưng sự quan tâm về nhau đã giảm đi rõ rệt.
Giữ nếp nhà như thế nào? Có nhiều câu trả lời tùy vào chất lượng các mối quan hệ của các thành viên, vì trong thực tế có cả những gia đình, mấy anh chị em mà chẳng ai nói chuyện được với ai.
Không có một khuôn mẫu cứng nhắc nào cho nếp nhà, nhưng rõ ràng một điều là ai cũng cảm thấy dễ chịu hơn khi biết có người thân chăm sóc cho mình, mình đi đâu xa có ai đó mong nhớ…