Làm sao giữ chân nhân sự giỏi luôn là câu hỏi hóc búa với hầu hết nhà quản trị. Bởi thay thế một nhân sự lâu năm, đã quen việc, có những kỹ năng tốt, không chỉ tốn thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của công ty nghiên cứu thị trường lao động Glassdoor (thông qua phỏng vấn trực tiếp và theo dõi hồ sơ của 5.000 nhân sự đang tìm kiếm một công việc mới từ năm 2007 tới năm 2017), lại mang tới một kết quả khá thú vị, đó là những lý do khiến nhân sự ra đi, thực ra không khó lý giải và nhà quản trị hoàn toàn có thể loại bỏ ngay từ đầu.
“Trung bình, một nhân sự mới sẽ khiến công ty chịu chi phí ẩn tăng thêm là 21% (tính trên khoản lương trả cho người đó). Và trong khảo sát của chúng tôi, thì có bốn điểm đặc biệt mà nhà quản trị hoàn toàn có thể tập trung để hạn chế chi phí đó cũng như giữ những nhân sự tốt nhất ở lại với doanh nghiệp trong thời gian dài” – Morgan Smart, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết.
Có lộ trình phát triển cho nhân sự
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân đầu tiên khiến nhân sự, đặc biệt là nhóm nhân sự cao cấp thường nhảy việc, đó là họ không nhìn thấy sự phát triển và không nhìn thấy rõ cơ hội nghề nghiệp của họ ở doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Bởi ngay cả khi doanh nghiệp trả một mức lương cao, cho nhân sự giữ những chức danh và vai trò quan trọng, thì sự thăng tiến chậm chạp và không có lộ trình cụ thể cũng khiến nhân sự cảm thấy chán nản.
“Theo số liệu thống kê của chúng tôi, chỉ trong vòng mười tháng, nếu một nhân sự cao cấp không nhìn thấy tương lai của mình ở doanh nghiệp, thì tỷ lệ họ nhảy việc sẽ tăng lên ít nhất là 1%, dù sau đó họ có được luân chuyển hay thăng chức hay không. Vì vậy, chỉ cần đơn giản cung cấp cho nhân sự một lộ trình cụ thể để họ phát triển sự nghiệp, cho họ thỉnh thoảng thử sức trong các vai trò mới, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề họ còn thiếu để có thể leo lên các nấc thang sự nghiệp tiếp theo, thì một nhân sự giỏi sẽ rất hiếm khi nhảy việc”, Morgan Smart nhận định.
Vấn đề lương
Nhóm nghiên cứu nhận ra một quy luật khá thú vị, đó là nếu mức lương cơ bản doanh nghiệp trả cho nhân sự cao hơn 10% so với mức lương trung bình ở vị trí đó trên thị trường, thì doanh nghiệp có thể tăng khả năng nhân sự gắn kết với công việc lên 1,5 lần.
Ngoài ra, về vấn đề lương thưởng, nhà quản trị, đặc biệt là nhà quản trị các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cũng phải cẩn trọng một điều, đó là tuyệt đối không đụng tới mức lương cứng của nhân viên. Bởi có thể nợ hoặc cắt giảm các khoản lương thưởng trong thời gian ngắn hạn, nhưng nếu cắt giảm lương cứng thì khả năng nhân sự nghỉ việc sẽ tăng lên tới 80%.
Văn hóa doanh nghiệp
Trong một báo cáo khác về Xu hướng nhân sự toàn cầu (Global Human Capital Trends) của Công ty Tư vấn Deloitte (dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp 7.000 người đến từ 130 quốc gia), thì 86% người được hỏi cho rằng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng bậc nhất, tác động trực tiếp đến quyết định gắn bó lâu dài hay không của nhân sự với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Morgan Smart cùng nhóm cộng sự của mình cũng chỉ ra rằng, những nhân viên khi nhảy việc (đặc biệt là nhóm nhân viên đã vạch sẵn cho mình một kế hoạch, một lộ trình sự nghiệp cụ thể) thường sẽ chọn những công ty có văn hóa doanh nghiệp nổi bật hơn để đầu quân, vì điều đó khiến họ cảm thấy tự hào hơn.
Do đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên những giá trị thực và được nhà quản trị thể hiện rõ thông qua cách hành xử, luôn là điều tiếp theo được nhân sự đánh giá cao.
Những yếu tố khó tác động
Theo Morgan Smart, có hai điều thường là lý do nhân viên đưa ra khi nhảy việc nhưng nhà quản trị rất khó tác động, đó là mối quan hệ của nhân viên với nhà quản trị và sự cân bằng trong cuộc sống của nhân viên.
Đầu tiên, là mối quan hệ của nhà quản trị với nhân viên. Ngay cả những giám đốc điều hành (CEO) thành công nhất cũng không thể làm tăng sự trung thành của nhân viên nếu người đó cảm thấy không ưa ông chủ của mình, do vậy, việc đi hay ở khi xảy ra xung đột và bất đồng với nhà quản trị, đều phụ thuộc khá nhiều vào cá tính và quyết định của nhân viên.
- Xem thêm: Giữ nhân viên bằng lời khen ngợi
Thứ hai, là sự cân bằng trong cuộc sống của nhân viên. Nhóm nghiên cứu dù không tìm ra bất kỳ liên kết thống kê hay sự tương quan nào giữa sự mất cân bằng của nhân viên trong cuộc sống với chuyện nhảy việc, nhưng họ lại ghi nhận rằng, cuộc sống mất cân bằng là yếu tố tác động lớn tới năng suất làm việc của nhân viên, thường là theo chiều hướng đi xuống.
“Để tránh vấn đề nhân sự nghỉ việc vì hai lý do này, lời khuyên của chúng tôi là nhà quản trị trước khi tuyển nhân sự cần phải nắm rõ việc người đó có thể tương tác, làm việc với nhà quản trị được hay không, và người đó có khả năng tự tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống của họ hay không. Hãy cân nhắc để tuyển dụng những người phù hợp từ đầu, bởi dẫu sao, nhà quản trị cũng không phải là siêu nhân để điều khiển hết được mọi việc” – Morgan Smart kết luận.