Chuyến thăm Hoa Kỳ ba ngày từ 31-5 đến 2-6 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thông cáo chung theo đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam nhất trí cho rằng hai bên đang có rất nhiều cơ hội và động lực phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, giáo dục, nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tuy vậy, tâm điểm chú ý của giới làm ăn đang tập trung vào những thỏa thuận đạt được giữa Việt Nam và Mỹ trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross ngày 31-5 đã đánh giá cao những tăng trưởng vượt bậc, tích cực trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 20 năm qua, khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các cam kết hiệp định thương mại song phương và trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thủ tướng cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển do hai nước có nền kinh tế bổ sung cho nhau. Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa công nghệ cao, dịch vụ từ Hoa Kỳ và các nguyên vật liệu đầu vào cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ…
Trên cơ sở quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư cùng có lợi, tạo việc làm và tăng trưởng cho cả hai bên, Thủ tướng đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đánh giá khách quan phản ánh đúng bản chất của vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước, xử lý các vấn đề thương mại giữa hai nước trên cơ sở cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) cũng như các quy định của WTO.
Thủ tướng cũng mong muốn phía Hoa Kỳ xem xét tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như trái cây, thủy sản… tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho rằng hai bên cần tiếp tục tăng cường thương mại tạo việc làm và tăng trưởng, khẳng định mục tiêu chung trên cơ sở cân bằng và cùng có lợi, ủng hộ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa.
Bộ trưởng Wilbur Ross nhất trí hai bên cần khởi động lại cơ chế trao đổi về vấn đề quy chế thị trường cho Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ cùng Bộ Công thương Việt Nam trao đổi các vấn đề trong thương mại hai nước và sẽ cùng các Bộ, ngành của Việt Nam trao đổi các vấn đề kỹ thuật để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng cũng đã tiếp lãnh đạo các đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ gồm các công ty ASG, McKinsey, Boeing, General Electrics, Murphy Oil, Hilton…
Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả của các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam và cho biết, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ làm ăn với Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định, ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của quan hệ hai nước, hoan nghênh quyết tâm và ủng hộ những giải pháp đã được Chính phủ Việt Nam triển khai thời gian qua nhằm tạo môi trường đầu tư – kinh doanh lành mạnh và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác và tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trước đó, tại một diễn đàn ở New York, ông Phúc kêu gọi 15 tập đoàn lớn của Mỹ gia tăng đầu tư vào Việt Nam và quảng bá về một chính sách thông thoáng, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng về con người. Tham gia diễn đàn là đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như ACDL, Dow Chemical, Harbinger Capital, Kasowitz, KKR, OneWeb và Warburg Pincus.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam chia sẻ rằng người dân và các doanh nghiệp Việt Nam “rất muốn, rất thích làm ăn” với các tập đoàn đầu tư Hoa Kỳ. Ông bình luận rằng “đó là tình cảm rất tuyệt vời” vì Hoa Kỳ có “sự minh bạch, chống tiêu cực, chống tham nhũng”, những điều đó trùng hợp với tinh thần của chính phủ liêm chính được ông thúc đẩy kể từ khi nhậm chức.
Các nhà đầu tư Mỹ một mặt đánh giá cao các cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Cựu tướng David Petraeus, hiện là Chủ tịch Quỹ đầu tư KKR, nói với các phóng viên ít phút trước khi diễn đàn bắt đầu:
“Chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư vào Tập đoàn Masan hơn nửa tỉ USD. Tôi muốn chuyển lời đến thủ tướng là chúng tôi rất lạc quan và nhiệt tình về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đất nước này có những cơ hội đáng kể, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng nhiều”.
Dịp này, ông Phúc nhấn mạnh rằng tôn chỉ của chính phủ kiến tạo dưới thời ông là xây dựng “môi trường đầu tư minh bạch hơn, thân thiện với doanh nghiệp, có độ mở cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi”.
Thủ tướng Việt Nam khẳng định đây là “thời điểm chín muồi, có tính chất quyết định” để Hoa Kỳ, với thế mạnh về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn tài chính, tham gia tích cực hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các tập đoàn lớn của Mỹ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Reuters, General Electrics (GE) vừa ký kết các hợp đồng giá trị khoảng 5,58 tỉ USD với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện, động cơ máy bay và cung cấp dịch vụ.
Đây cũng là hợp đồng với một quốc gia lớn nhất mà tập đoàn này từng ký kết. Vietjet Air đã đạt thỏa thuận trị giá 3,58 tỉ USD về việc mua động cơ và nhận dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay của General Electrics. Hãng hàng không của Việt Nam cũng đồng thời ký với các đối tác như GECAS (thuộc GE) và Honeywell các thỏa thuận về cung cấp tài chính, thiết bị hàng không khác…
Trong khi đó, Tập đoàn Phú Cường cũng có thỏa thuận trị giá khoảng 2 tỉ USD với General Electrics về dự án phát triển điện gió tại Sóc Trăng. Ngoài ra, Tập đoàn FPT cùng UPS cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, cùng hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa của Việt Nam (SMEs) nâng cao hiệu suất trong nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã công bố có 13 giao dịch mới với Việt Nam đạt trị giá 8 tỉ USD, trong đó có 3 tỉ USD là hàng Mỹ sản xuất, hỗ trợ cho hơn 23.000 việc làm của nước này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc hôm 31-5 đã hoan nghênh việc ký kết các thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng tỉ đôla cũng như những việc làm mà các hợp đồng sẽ tạo ra.
Tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói với các phóng viên: “Việt Nam đã đặt một đơn hàng rất lớn ở Hoa Kỳ – và chúng tôi đánh giá cao điều đó – với trị giá hàng tỉ đôla, đồng nghĩa nhiều việc làm cho Hoa Kỳ và nhiều thiết bị tuyệt vời cho Việt Nam”.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 50 tỉ USD năm 2016, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trên 10,2 tỉ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.
- Gia Minh