“Cháo lãi ba, bánh đa lãi bảy”,ấy là người ta nói về cái sự trù phú của nghề làm bánh ở làng Kế (thị xã Bắc Giang). Chiếc bánh đa ở đây vừa có hình dáng màu sắc mang tính thẩm mỹ, lại có hương thơm của vừng, vị đậm đà của bột xay khéo, cái bùi của lạc… khiến du khách có dịp đi qua lại phải dừng chân lâu hơn nơi vùng quê cổ kính.
Cũng qua những công đoạn chế biến như nhiều loại bánh đa nhưng nó có thực sự trở thành chiếc bánh đa Kế còn phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo của các cô gái làng. Than hoa (than củi) được đốt lên, lửa quạt hồng đều, lửa to quá bánh sẽ cháy, nhỏ lửa bánh chín không đều, đôi tay của các cô gái bên cầm quạt, bên cầm bánh vừa quạt cho lửa hồng vừa xoay bánh cho đều, lại nắn cho bánh võng giữa, vênh 2 bên cong hình yên ngựa, nở phồng.
Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải có màu vàng rơm, khi thưởng thức có vị thơm bùi… và giòn tan,nếu có “lỡ tay” đánh rơi thì cả chiếc bánh đa to sẽ vỡ tung ra thành từng mảnh vụn. Vào mùa nhổ lạc tươi, chọn loại củ bánh tẻ luộc một nồi ăn kèm với bánh đa Kế thì cậu thanh niên khỏe mạnh phải “chơi” tới 2 chiếc bánh đa to mới thấy đã.
Ngày xuân du khách trảy hội Phồn Xương, tưởng niệm người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, vượt qua sông Thương vãng cảnh chùa La hướng thiện. Lúc ra về mua chiếc bánh đa Kế làm quà biếu người thân – biếu một chút hương vị điền dã đang hứa hẹn biến mất nơi những đô thị công nghiệp hóa nhanh.
- Xem thêm: Món ngon Hà Tĩnh, một thoáng hương quê