Kể từ khi được cố giáo sư – thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Phan đặt nền móng vào năm 1980, ngành vi phẫu Việt Nam đã liên tục phát triển và đạt được những thành tựu to lớn, mà gần đây nhất là trồng lại thành công các bộ phận bị đứt rời như cánh tay bị dập nát của em bé 19 tháng tuổi, hay nối các mạch máu mà không dùng kim chỉ.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể thực hiện thành công hàng ngàn ca vi phẫu phức tạp với thành công trên 97%.
Để đạt được kết quả đó, không thể không nhắc đến những chuyên gia đầu ngành – các bác sĩ học trò thế hệ đầu tiên của cố giáo sư Nguyễn Huy Phan ở bộ môn vi phẫu.
Và một trong năm phẫu thuật viên được chọn để đào tạo cơ bản cho lĩnh vực khó bậc nhất này là giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn – vị bác sĩ được rất nhiều bệnh nhân gọi là “Người có bàn tay vàng” vì đã mang đến cho họ diện mạo lành lặn sau những tai nạn gây tổn thương khủng khiếp ở vùng mặt.
Giới chuyên môn biết đến bác sĩ Nguyễn Tài Sơn bởi kiến thức, học hàm, học vị, còn bệnh nhân của ông nhớ đến ông bởi sự nhỏ nhẹ ân cần, dù áp lực công việc của Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) mà ông từng đảm nhiệm luôn rất lớn.
____
Được biết trong ngành y, vi phẫu là thuật ngữ dùng để chỉ phẫu thuật có sử dụng kính hiển vi nhằm khâu nối những mạch máu hay dây thần kinh có đường kính chỉ khoảng 1mm. Vi phẫu cho phép ghép nối một bộ phận từ vùng này của cơ thể này sang vùng khác, hoặc trồng lại các bộ phận bị cắt rời do tai nạn. Là người có kinh nghiệm thực hiện hàng trăm ca vi phẫu phức tạp, xin giáo sư cho biết trình độ kỹ thuật của y khoa Việt Nam trong lĩnh vực này hiện nay?
Trải qua 40 năm ứng dụng và phát triển, cho đến nay ngành vi phẫu Việt Nam có thể thực hiện tất cả các kỹ thuật vi phẫu phức tạp nhất, nghiên cứu và sử dụng hầu hết các vạt tổ chức tự do trên cơ thể.
Các kỹ thuật ghép vạt che phủ các khuyết hổng tổ chức, trồng lại các chi thể hay bộ phận bị đứt rời… trở thành thường quy.
Nhờ có kỹ thuật vi phẫu các phẫu thuật viên tạo hình ngay lại các cơ quan, bộ phận vùng đầu – mặt – cổ như môi, mũi, má, lưỡi… sau khi cắt các khối u lành hay ác tính triệt mà không sợ biến dạng hay mất chức năng các cơ quan bộ phận này.
Nhiều bệnh nhân ung thư đầu – mặt – cổ được điều trị thành công. Nếu như trước kia, các trường hợp ung thư lưỡi, sàn miệng, ung thư má phải ra nước ngoài để làm phẫu thuật thì giờ đây tại Bệnh viện 108 và một số bệnh viện có sử dụng kỹ thuật vi phẫu, với những trường hợp có tổn thương nghiêm trọng như vậy, các bác sĩ có thể thực hiện tạo hình lại các cơ quan bộ phận ngay trong một lần mổ bằng các vạt tổ chức tự do.
Có thể nói trình độ kỹ thuật và tỷ lệ nối ghép vạt thành công của chúng ta tương đương với các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới.
Từ năm 1991 đến nay, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 108 đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu thành công cho khoảng 2.000 trường hợp phức tạp, với tỷ lệ thành công trung bình trên 97%.
Trên thế giới, vi phẫu luôn là kỹ thuật khó thực hiện, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chuẩn xác của đội ngũ bác sĩ và chưa bao giờ vi phẫu đảm bảo thành công 100%.
____
Hiện nay Bệnh viện 108 chỉ có hai đơn vị thực hiện vi phẫu, đó là khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, chuyên làm các tạo hình vùng đầu, mặt, cổ và Viện Chấn thương chỉnh hình làm vi phẫu tại các phần khác trên cơ thể. Hơn 30 năm làm việc tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, giáo sư nhận xét thế nào về ý nghĩa của việc áp dụng vi phẫu tạo hình vùng đầu, mặt, cổ?
Ngày nay kỹ thuật vi phẫu đã trở thành kỹ thuật cơ bản của ngoại khoa hiện đại, được áp dụng cho nhiều chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên đối với chuyên khoa phẫu thuật hàm mặt và tạo hình vi phẫu mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định thành công của các phẫu thuật vùng đầu – mặt – cổ.
Trước kia và thậm chí ngày nay ở các cơ sở không áp dụng kỹ thuật vi phẫu thì việc tạo hình các cơ quan bộ phận vùng đầu – cổ là vô cùng khó khăn, đặc biệt đối với các trường hợp ung thư phải cắt rộng, triệt để khối u thì không thể nào dùng kỹ thuật kinh điển để tạo hình được.
Nhờ có vi phẫu các phẫu thuật viên có thể chuyển các vạt da, vạt cơ và vạt xương để tạo lại các cơ quan như má, môi, lưỡi và cả xương hàm trong một lần mổ, cứu sống người bệnh và phục hồi được hình dáng và chức năng các cơ quan, bộ phận này.
Tôi còn nhớ mãi một bệnh nhân ung thư hàm mặt có hai đứa con nhưng không dám đến gần con, bởi khuôn mặt đã biến dạng và bốc mùi hôi thối. Anh ấy đến khóc với tôi xin được phẫu thuật.
Dù đã được tôi giải thích về những rủi ro khi phẫu thuật nhưng anh ấy vẫn quyết dù có chết thì cũng muốn được ở cạnh người thân và được ra đi với một khuôn mặt con người.
“Ngày nay kỹ thuật vi phẫu đã trở thành kỹ thuật cơ bản của ngoại khoa hiện đại, được áp dụng cho nhiều chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên đối với chuyên khoa phẫu thuật hàm mặt và tạo hình vi phẫu mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định thành công của các phẫu thuật vùng đầu – mặt – cổ”.
____
Dù công việc này mang lại ý nghĩa lớn là thế nhưng giáo sư từng ngăn cản khi con gái mình – bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung quyết tâm theo đuổi ngành vi phẫu?
Trong nghề y, vi phẫu thuộc nhóm lĩnh vực khó nhất về chuyên môn và đòi hỏi cao nhất về sức chịu đựng. Có những ca mổ phức tạp, kíp mổ đứng liền một mạch từ 9 đến 24 giờ nên phụ nữ theo đuổi công việc này thật quá vất vả.
Là một người cha tôi thấy “xót” con. Tuy nhiên trước quyết tâm của con gái, tôi đã phải đầu hàng. Sau khi con tốt nghiệp y khoa về nước, vợ chồng tôi đã thu xếp cho cháu làm chuyên ngành mắt, nhưng cứ hết giờ ở Viện Mắt là con gái tôi lại chạy về chỗ bố làm việc để tìm cơ hội học thêm về vi phẫu.
Nhiều lần mở cửa phòng mổ là thấy con đứng chờ sẵn ở đó, tôi đành chấp nhận trở thành người thầy đầu tiên của con gái trong lĩnh vực này.
Nhưng phải nói rằng đến giờ tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào vì con gái đã trở thành bác sĩ chuyên về vi phẫu, và thường xuyên là gương mặt trẻ tại các hội nghị y khoa trong nước và quốc tế (cười).
____
Vâng! Quả là Việt Nam đang đặt nhiều hy vọng vào các thế hệ bác sĩ trẻ vừa được kế thừa kinh nghiệm từ trong nước, vừa được tiếp cận những kiến thức, kỹ thuật mới của quốc tế. Sau thành tựu gây chú ý gần đây nhất là các ca ghép phổi từ người cho chết não thành công, Bệnh viện Trung ương Quân đội đang triển khai đề án ghép mô và bộ phận cơ thể như ghép thận, ghép gan, ghép tụy, ghép tim, ghép chi… và ghép tử cung cho các bệnh nhân nữ. Đặc biệt hiện nay trên thế giới, việc ghép đầu người đang được quan tâm khá nhiều, giáo sư có cho rằng giới y khoa Việt Nam cũng nên nghiên cứu về ghép đầu?
Từ những thập niên đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Xô Viết đã thực hiện thành công các trường hợp ghép đầu chó. Nhưng vì lý do nhân đạo và sự phản đối quyết liệt của các nhà khoa học phương Tây nên đề án này không được tiến hành tiếp.
Gần đây một số bác sĩ phương Tây đề xuất ghép đầu người, về góc độ kỹ thuật các bước tiến hành ghép đầu đều có thể thực hiện được bởi y học ngày càng phát triển.
Nhưng ý kiến cá nhân, tôi cho rằng chúng ta cần tôn trọng quy luật chọn lọc tự nhiên. Nếu ghép đầu thành công, thế giới sẽ nảy sinh các hệ quả như người giàu, có tiền sẽ muốn sống mãi, trong khi có những người khác sẽ phải hy sinh.
Bằng chứng là tình trạng mua bán nội tạng đang rất lộn xộn và nguy hiểm. Tôi chỉ đồng tình với việc ghép tạng vì đó là cứu người.
Những người cho sống và những người mất não có thể hiến cho y học và người bệnh các bộ phận còn nguyên vẹn của mình. Còn việc ghép đầu, nếu thế giới làm được, chúng ta rồi cũng làm được, nhưng cần xác định rõ mục tiêu của việc này sẽ là gì, có ích cho xã hội hay không!
“Theo xu hướng của thế giới và của Đông Nam Á, ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam đã, đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người dân. Đối tượng đi phẫu thuật thẩm mỹ đang được mở rộng: Bên cạnh chị em phụ nữ còn có đông đảo nam giới, lứa tuổi cũng ngày càng đa dạng từ các bạn thiếu nữ cho đến các bà, các cô”.
____
Với nền tảng về phẫu thuật tạo hình và vi phẫu thuật, giáo sư cũng được coi là một trong các chuyên gia đầu ngành của ngành phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) trên cả nước. Năm 1995, cố giáo sư Nguyễn Huy Phan từng phát biểu: “Xin đừng xem phẫu thuật thẩm mỹ là việc làm phù phiếm. Chúng ta cần làm cho con người ngày càng đẹp hơn trong sự hài hòa của một cơ thể Việt Nam”. Cho đến nay ngành PTTM Việt Nam đã phát triển thế nào, thưa giáo sư?
Theo xu hướng của thế giới và của Đông Nam Á, ngành PTTM ở Việt Nam đã, đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người dân.
Đối tượng đi PTTM đang được mở rộng: bên cạnh chị em phụ nữ còn có đông đảo nam giới, lứa tuổi cũng ngày càng đa dạng từ các bạn thiếu nữ cho đến các bà, các cô.
Nhu cầu PTTM không dừng ở những sửa chữa một số bộ phận hay vùng nhỏ trên khuôn mặt như mi mắt, mũi, khóe miệng một cách kín đáo nữa mà còn có những yêu cầu thay đổi nhiều hơn, thậm chí toàn bộ khuôn mặt.
Người ta có thể phẫu thuật chỉnh đường viền khuôn mặt bằng cách cắt mở xương hàm trên xương hàm dưới, căng da mặt, trẻ hóa bằng mỡ tự thân, tăng khối lượng tổ chức dưới da.
____
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng đó, chắc hẳn giới y khoa thẩm mỹ thế giới cũng như Việt Nam sẽ liên tục nghiên cứu – thử nghiệm, để cho ra đời những công nghệ tiên tiến nổi bật trong lĩnh vực PTTM, thưa giáo sư?
Thật ra, ngành PTTM không đòi hỏi nhiều trang thiết bị, máy móc tiên tiến. Do đó nếu nói về công nghệ PTTM thì ít có thay đổi trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số trang thiết bị kỹ thuật mới tiên tiến như: hệ thống phẫu thuật có hỗ trợ nội soi trong phẫu thuật mở xương hàm, phẫu thuật nâng ngực, căng da mặt; hệ thống cắt xương bằng dao siêu âm PIEZO; hệ thống kỹ thuật số dựng hình lên kế hoạch mổ nâng ngực, nâng mũi; hệ thống máy đánh tan và hút mỡ sử dụng laser, sóng siêu âm…
So với công nghệ, kỹ thuật mổ trong PTTM có sự thay đổi khá nhiều, đặc biệt các thao tác thực hành lại càng thường xuyên được đổi mới để càng ngày càng hoàn thiện hơn, trau chuốt hơn.
- Xem thêm: Không có gì đẹp bằng nụ cười trẻ thơ
Song song đó, chất liệu sử dụng trong PTTM cũng liên tục đổi mới. Dụng cụ làm PTTM đa dạng về chủng loại, thuận tiện cho các thao tác phẫu thuật và chế tác tinh xảo hơn.
Tuy các phương pháp PTTM đều là kinh điển nhưng có kết hợp sử dụng các trang thiết bị hiện đại như mở xương, nâng ngực qua nội soi, hút mỡ bụng dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm…, sử dụng các chất liệu hiện đại như túi độn ngực thế hệ mới, có độ dính cao các chất độn khó thoát ra khỏi bao như trước, vỏ bao độn được làm dưới dạng nhám, sử dụng phân tử nano, đặt chip…
Chất liệu độn mũi trước đây dùng silicon miếng, đúc thành khối thì ngày nay dùng silicon dẻo ép thành rất nhiều hình dạng… giúp phẫu thuật viên dễ dàng lựa chọn và nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của phẫu thuật, đáp ứng được mong muốn của người làm thẩm mỹ.
“Các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ mới có trên thế giới đều được cập nhật và áp dụng ngay tức thì tại các bệnh viện, trung tâm lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; tôi nghĩ rằng trong một vài năm tới, phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ta sẽ phát triển không kém gì các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines”.
____
Như giáo sư vừa chia sẻ thì ngành PTTM Việt Nam luôn nhanh chóng bắt kịp công nghệ, dụng cụ, vật liệu, kỹ thuật mới nhất của thế giới. Còn trình độ của đội ngũ bác sĩ PTTM Việt Nam so với các nước thì như thế nào?
Trong thế giới mở như hiện nay, cơ hội giao lưu học hỏi được mở rộng rất nhiều so với trước đây. Hằng năm chúng ta đều đặn tổ chức hội nghị quốc tế hay vùng miền về PTTM, các hội viên PTTM thường xuyên tham gia hội nghị quốc tế và các lớp đào tạo PTTM ở ngước ngoài, không chỉ để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của nước bạn mà còn có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm với các nước…
Nhờ vậy mà các kỹ thuật mới có trên thế giới đều được cập nhật và áp dụng ngay tức thì tại Việt Nam, tại các bệnh viện, trung tâm lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Tôi nghĩ rằng trong một vài năm tới, PTTM ở nước ta sẽ phát triển không kém gì các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines…
Các phẫu thuật viên của chúng ta ngày càng chuyên nghiệp, nếu các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, định hướng đúng thì chuyên ngành này sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội.
____
Xin cảm ơn giáo sư!