Nguyễn Việt Phương, Phó chủ tịch về Phát triển của Operation Smile châu Á – Thái Bình Dương, Trưởng đại diện tại Việt Nam, người đã gắn bó với tổ chức gần 20 năm qua. Người ta dễ dàng nhận thấy ở anh một tâm huyết thật sự với công việc thiện nguyện qua những câu chuyện tái tạo nụ cười cho những trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch được kể một cách hồ hởi và say mê. Có gương mặt thư sinh và lối trò chuyện hóm hỉnh, trẻ trung nên ít người đoán được anh đã ngoài bốn mươi tuổi. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi khá quen thuộc trên mạng xã hội trong thời gian qua, đó là “Làm từ thiện cho ai và để làm gì?”.
Làm thiện nguyện không phải để ban phát cho người khác mà để chia sẻ những may mắn mình đang có. Chúng tôi có tấm lòng, thời gian, công sức nên cùng chung tay mang lại nụ cười mới, cuộc đời mới cho các trẻ em bị dị tật hàm mặt. Rất nhiều người nghĩ rằng Operation Smile là một tổ chức phi chính phủ đến từ Mỹ hẳn phải có nguồn tài chính lớn.
Thực tế không phải nhưng vậy! Chúng tôi đã cùng nhau vận động mọi nguồn lực, từ tiền bạc đến các vật dụng phục vụ cho những chuyến công tác phẫu thuật miễn phí cho các em, ngay cả các vật phẩm có giá trị trong những sự kiện đấu giá vận động gây quỹ gần đây cũng đều được tặng từ các mạnh thường quân, các nhà bảo trợ hoặc bạn bè.
Chúng tôi còn “xin” cả một gian phòng ở một khách sạn năm sao ngay trung tâm TP. Hồ Chí Minh để tổ chức buổi tiệc. Đều đặn trong 13 năm qua, ông Rob Blain, Chủ tịch Điều hành của CBRE khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cùng nhiều tình nguyện viên khác đã tự trả chi phí cho các chuyến đi từ các nước sang Việt Nam giúp chúng tôi gây quỹ cho tổ chức. Chúng tôi tin rằng “sự tham gia kiến tạo nên sự thay đổi” – mỗi người đóng góp một phần dù nhỏ bé sẽ làm nên hiệu quả cộng đồng rộng lớn.
Ở Việt Nam, cứ 700 trẻ sinh ra sẽ có một em bị dị tật khe hở môi, hàm ếch hoặc các dị tật hàm – mặt khác. Với các em, ngoài việc phải chịu đựng những khiếm khuyết về thể chất cùng những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày thì còn có những nỗi đau lớn về mặt tinh thần, đó là sự kỳ thị xa lánh của xã hội. Đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước lâu nay cùng chung tay mang đến những ca phẫu thuật miễn phí cho hàng chục ngàn em nhỏ, trong đó có Operation Smile, tổ chức phi chính phủ đến từ Mỹ.
____
Hiếm có tổ chức thiện nguyện nào có đến 800 tình nguyện viên như Operation Smile. Làm sao để họ gắn bó lâu dài với một tổ chức thiện nguyện?
Hầu hết mọi người chỉ cần tham gia các chuyến đi phẫu thuật thiện nguyện một, hai lần với chúng tôi dù với lý do gì đi nữa thì về sau, họ đều trở thành tình nguyện viên và cộng tác viên thường xuyên của tổ chức vì đối với họ, điều chúng tôi đang làm thật sự có ý nghĩa. Chính sự thay đổi trên khuôn mặt của một em bé sau ca phẫu thuật vỏn vẹn có 45 phút đã thuyết phục mọi người.
Có đi rồi mới thấy nụ cười trẻ thơ hồn nhiên và đáng yêu, mới thấy niềm hy vọng đong đầy trong mắt những người cha, người mẹ có con bị dị tật. Nhìn một em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch, chúng ta chỉ thấy em bé đó có khuôn mặt không hoàn hảo về thẩm mỹ, nhưng thật sự các em gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như khó nuốt, trào ngược, khó phát âm, nói ngọng, dễ bị bệnh lý tai giữa, nhiều em bị khiếm thính vì không được can thiệp y tế từ lúc nhỏ.
Khi trao cho chúng tôi đứa con của mình, cha mẹ các em nói rằng họ đã trao gửi cả tính mạng và cuộc sống của họ.Vì thế, sau mỗi ca phẫu thuật thành công, chỉ cần nhìn vào đôi mắt long lanh của họ chúng tôi cũng đủ cảm nhận được sự xúc động và lòng biết ơn không nói thành lời. Một số cha mẹ còn ngỡ ngàng đến không tin rằng khuyết tật trên mặt con mình biến mất nhanh chóng đến thế. Tôi tin rằng công tác phẫu thuật nụ cười có thể mang đến những điều kỳ diệu.
Vì vậy, tôi cũng như rất nhiều các tình nguyện viên khác không ngại đi vận động để có “vốn” cho tổ chức.Giờ đây, chúng tôi đều không còn cảm thấy e ngại khi kêu gọi mọi người giúp đỡ mà chỉ cố gắng làm tốt hơn nữa để không phụ lòng nhiệt tình của mọi người xung quanh.
“Có đi rồi mới thấy nụ cười trẻ thơ hồn nhiên và đáng yêu, mới thấy niềm hy vọng đong đầy trong mắt những người cha, người mẹ có con bị dị tật.”
____
Anh có gặp nhiều khó khăn mỗi khi đi vận động quyên góp hay không?
Tôi nghĩ khi chúng ta cống hiến cho những mục tiêu có ý nghĩa, giàu tính nhân văn và thực hiện những việc thiện nguyện một cách công khai, minh bạch thì ít người từ chối. Có khi đi vận động quỹ chúng tôi lại nhận được những lời khuyên bổ ích, đôi lúc đi tìm kiếm lời khuyên, chúng tôi lại nhận được nguồn ngân quỹ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải gìn giữ niềm tin từ tất cả mọi người. Sự tin tưởng từ cộng đồng cũng là áp lực lớn của tổ chức trong việc quản lý không để những sai sót. Đơn cử như một số trường hợp phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch bị biến chứng trong những năm vừa rồi, dù không thuộc các chương trình của Operation Smile thực hiện nhưng cũng đã khiến cho kế hoạch và tiến trình hoạt động của chúng tôi bịảnh hưởng đôi chút.
____
Đây có phải là lý do cho việc Operation Smile hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam xây dựng bộ chuẩn chất lượng phẫu thuật an toàn áp dụng tại các hoạt động chữa bệnh miễn phí?
Bộ quy chuẩn này sẽ áp dụng cho tất cả các hoạt động phẫu thuật trong cả nước chứ không chỉ riêng việc chữa bệnh từ thiện. Nhiều năm qua, chúng tôi đã luôn cập nhật tài liệu hướng dẫn những Quy chuẩn về chăm sóc Y tế toàn cầu do Hội đồng Y khoa của Operation Smile soạn thảo, nhằm đảm bảo việc thực thi hàng chục ngàn ca phẫu thuật miễn phí tuyệt đối an toàn mỗi năm trên toàn cầu.
Khi biết Bộ Y tế đang tích cực hoàn chỉnh bộ quy chuẩn về phẫu thuật an toàn nên chúng tôi đã cùng hợp tác, hy vọng có thể hoàn thành trong năm 2017 để mọi trẻ em Việt Nam nói riêng và người dân nói chung đều có thể tiếp cận với các ca phẫu thuật một cách an toàn. Đặc biệt chúng tôi còn gợi ý một số phương thức tiếp cận bệnh nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là trẻ em.
____
Phần lớn các em được phẫu thuật hàm mặt miễn phí đều còn nhỏ tuổi, các em đâu ý thức được đến quyền của mình?
Đúng là các em chưa ý thức được quyền lợi của mình nhưng cha mẹ và những người điều trị cần phải hiểu và tôn trọng quyền đó. Dù các em bị dị tật hàm mặt còn nhỏ tuổi nhưng chúng tôi vẫn nói cho em biết ca phẫu thuật sẽ diễn ra như thế nào, trình tự ra sao và những ai sẽ tham gia vào quá trình tái tạo nụ cười cho em. Quan trọng nhất là các em được tạo tâm lý thật thoải mái trước khi rời tay cha mẹ bước vào phòng phẫu thuật.
Nhiều năm trước, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong danh sách phái đoàn thiện nguyện của Operation Smile có các chuyên gia chỉ làm nhiệm vụ kết nối và tạo tâm lý thoải mái cho các bệnh nhi trước khi phẫu thuật. Sau này, chúng tôi nghiệm ra rằng chơi với bệnh nhi là việc không dễ dàng, chỉ có những người được đào tạo về tâm lý học mới hiểu được tâm lý trẻ em và họ biết cách giải thích một cách dễ hiểu về tiến trình ca phẫu thuật mà chúng tôi đang tiến hành.
Gắn bó với các chuyến công tác thiện nguyện trong nhiều năm, chúng tôi có thêm nhiều bài học mới từ cuộc sống. Các bệnh nhi với tinh thần lạc quan và sự nhạy cảm đã giúp chúng tôi biết trân trọng hơn những may mắn trong cuộc sống. Đôi khi, chỉ cần nhìn vào những ước mơ nhỏ bé của các em ta có thể thấy rằng, được sống bình thường đã là một khát khao cháy bỏng của những em nhỏ khi sinh ra không được lành lặn.
“Chỉ cần nhìn vào những ước mơ nhỏ bé của các em ta có thể thấy rằng, được sống bình thường đã là một khát khao cháy bỏng của những em nhỏ khi sinh ra không được lành lặn.”
____
Hoạt động tích cực của các anh cùng nhiều tổ chức khác đã giúp cho hàng chục ngàn trẻ em bị những dị tật trên khuôn mặt tại Việt Nam. Hiện nhiều trẻ bị bệnh chưa được phẫu thuật không?
Ước tính cứ trung bình 700 trẻ thì sẽ có một em bị dị tật trên khuôn mặt. Như vậy, có khoảng 8.000-10.000 em chưa được phẫu thuật cùng với khoảng 3.000 em sinh ra mỗi năm, một con số không nhỏ! Nhiều trong số những em này còn bị cha mẹ “giấu” vì xã hội vẫn còn giữ sự kỳ thị đối với trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch.
Các em không chỉ khó khăn trong ăn uống, phát âm mà còn bị bạn bè trêu chọc đến mức tự ti, thậm chí cả những người thân trong gia đình đôi khi cũng xem em như một nỗi bất hạnh của họ. Tư tưởng này không chỉ có ở những gia đình vùng sâu, vùng xa mà ngay ở những thành phố, đô thị lớn cũng không hiếm.
Do đó, mang lại nụ cười cho các em, cũng là mang lại cuộc sống mới cho cả một gia đình, cộng đồng và xã hội. Chúng tôi luôn cố gắng cùng chia sẻ nỗi đau và sự thiệt thòi của bệnh nhân và gia đình các trẻ em kém may mắn để giấc mơ giản dị của các em sẽ trở thành hiện thực. Nếu được hỏi về mong ước của mình, tôi sẽ trả lời ngay rằng mong ước của tôi là trả lại nụ cười nguyên vẹn cho các em và cho chúng cơ hội hòa nhập và phát triển như bao bạn bè đồng trang lứa. Không có gì đẹp bằng nụ cười của trẻ thơ!
Tôi may mắn vì được là một thành viên của Operation Smile, cùng các chuyên gia tình nguyện hằng ngày truyền tải mạnh mẽ sứ mệnh của tổ chức tại Việt Nam qua những câu chuyện nhân văn và tình người trong mỗi chuyến đi, mỗi đợt phẫu thuật, những câu chuyện không chỉ làm thay đổi một cuộc đời, một số phận, mà trên khía cạnh nào đó, còn giúp ta có những góc nhìn nhân bản hơn về cuộc sống, về vạn vật và phần “người” trong mỗi chúng ta.
Hai mươi bảy năm trước, Operation Smile tới Việt Nam là một phần của tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Đến nay, tổ chức đã và đang thực hiện trung bình 26 chuyến công tác, khám và phẫu thuật cho khoảng 2.000 trẻ bị dị tật khuôn mặt đồng thời điều trị cho hàng ngàn trẻ em bị các bệnh về răng miệng mỗi năm. Giấc mơ của chúng tôi là một ngày nào đó tất cả trẻ em đều được tiếp cận với các ca phẫu thuật an toàn. Con đường phía trước sẽ còn dài, chúng tôi vẫn đang kiên trì từng bước và tin chắc sẽ tới đích.
____
Câu chuyện anh đến với việc thiện nguyện hẳn cũng rất thú vị?
Rất thú vị và nhiều kỷ niệm! Khi còn sinh viên, tôi làm nhiều việc và hầu như không quan tâm đến công tác thiện nguyện lắm. Ngoài làm chủ một tiệm đồ lưu niệm khá ăn khách cùng vài người bạn, tôi còn làm công việc phiên dịch, dạy học và hướng dẫn viên du lịch nên thu nhập cũng không tồi so với cuộc sống sinh viên.
Trong một dịp đoàn thiện nguyện của Operation Smile đến Quảng Bình, một người bạn thân đã giới thiệu tôi làm tình nguyện viên dịch thuật, cũng là cơ hội để trau dồi tiếng Anh. Tôi hăm hở đồng ý. Nhưng trên chuyến tàu dài 13 tiếng từ Hà Nội vào Quảng Bình, tôi đã bắt đầu nản chí. Đặt chân lên vùng đất Quảng Bình hoang sơ, nắng cháy, lại vào ở một khách sạn khá tồi tàn, đầy chuột và gián, tôi tự hỏi: “Vì sao tôi lại đày ải mình thế này?”.
Tôi định sẽ chỉ thử làm một ngày rồi trở về Hà Nội. Có điều tôi băn khoăn là vì sao 38 chuyên gia y tế tình nguyện kia phải đi một chặng đường hàng ngàn cây số đến Việt Nam rồi lại ngồi xe buýt bảy, tám giờ đồng hồ để tới vùng cát trắng Quảng Bình, cùng chung tay với những người họ chưa từng gặp để giúp đỡ những trẻ em người Việt bị dị tật hàm mặt? “Dù lý do gì đi nữa thì đây cũng là quyết định tồi nhất của nhóm chuyên gia tình nguyện này”, tôi nghĩ.
Ngày đầu tiên thông dịch cho phái đoàn, mọi việc không như tôi nghĩ, công việc thiện nguyện quả là vất vả.Một mình tôi quay cuồng với năm bàn phẫu thuật làm việc liên tục từ sáng đến chiều mệt tới mức về tới khách sạn là tôi lăn ra ngủ ngay, không kịp thay quần áo.
Thức giấc lúc trời đã quá trưa, tôi chợt nhớ là mình có nhiệm vụ đặt bữa trưa cho cả đoàn trước 9 giờ sáng. Tôi hớt hải chạy ra cổng mua vội một rổ bánh mì và vài lon sữa đặc để mọi người dùng tạm.Thật bất ngờ là tất cả mọi người đều ăn một cách ngon lành và tiếp tục làm công việc của mình. Tôi bắt đầu cảm thấy xấu hổ khi thấy những con người có trình độ lại không quản đường sá xa xôi, điều kiện làm việc gian khổ để làm việc thiện nguyện trên đất nước Việt Nam trong khi tôi lại dễ dàng nản chí khi chỉ mới trải qua một vài khó khăn.
Vị bác sĩ trưởng đoàn lúc đó còn đưa cho tôi hai chai nước lớn và nói: “Cháu hãy ngồi xuống đây, uống thật nhiều nước để cơ thể không bị mất nước, phải khỏe thì mới giúp đoàn được. Không có cháu thì chúng tôi cũng vất vả đấy”. Lời nói của ông như sự quan tâm của một người cha, càng khiến tôi thêm ngượng ngùng và bắt đầu nhận ra rằng thiện nguyện không chỉ là đóng góp bằng tiền hay mua một chiếc vé tàu mà đó là nỗ lực đồng sức đồng lòng của nhiều người cùng vì một mục tiêu chung. Lần đó, họ đã mang lại 147 nụ cười cho các em nhỏ và đó cũng là câu chuyện khiến tôi tiếp tục gắn bó với tổ chức trong nhiều năm sau.
“Thiện nguyện không chỉ là đóng góp bằng tiền hay mua một chiếc vé tàu mà đó là nỗ lực đồng sức đồng lòng của nhiều người cùng vì một mục tiêu chung.”
____
Anh có bao giờ cảm thấy lăn tăn khi lựa chọn công việc thiện nguyện, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, là người năng động, lại luôn sáng tạo, đổi mới trong công việc anh chắc hẳn là có nhiều cơ hội để có công việc tốt với mức lương cao?
Thực sự không thể tránh khỏi những lúc lăn tăn, nhưng tôi không hối hận với quyết định của mình.Tôi nghĩ nghề chọn người và sự nghiệp cũng là một mối lương duyên. Operation Smile chọn tôi vì tính cách và những ý tưởng sáng tạo của tôi có thể đóng góp hiệu quả cho hoạt động của tổ chức và tôi chọn Operation Smile vì những bài học cuộc sống đầy tính nhân văn tôi đã và đang học được từng ngày.
Hơn nữa, tôi nghĩ cuộc sống rất công bằng, công việc hiện tại không mang lại cho tôi thu nhập lớn nhưng lại cho tôi những niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày. Hai mươi năm tham gia với Operation Smile có thể hình dung cuộc sống của tôi như một cuốn phim, có vui có buồn, nhưng tôi xem tất cả là một món quà của cuộc sống, giúp tôi hiểu hơn về ý nghĩa của công việc thiện nguyện. Đó là lý do vì sao đến lúc này tôi vẫn chưa muốn rời xa tổ chức.
Vợ tôi cũng từng tham gia với tổ chức nên luôn cảm thông và hỗ trợ vững chắc cho gia đình. Chúng tôi cũng thường xuyên cho hai con tham gia các chương trình gây quỹ để chúng làm quen với việc chia sẻ những niềm vui và may mắn của mình với các bạn khác.
Với tôi, những câu chuyện về các em nhỏ tìm được nụ cười mới qua bàn tay của các chuyên gia tình nguyện và cộng đồng cứ tiếp diễn mỗi ngày. Chặng đường phía trước còn khá dài nhưng tôi tin rằng cùng với bàn tay của cộng đồng, chúng tôi sẽ có thể tiếp tục giúp các em nhỏ nuôi hy vọng để có một nụ cười trọn vẹn và một cuộc đời tươi sáng.
____
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.