Giáo sư René D. Esser sinh tại Hà Nội (ông có tên Việt Nam là Đàm Minh), theo gia đình sang Pháp từ năm 1950. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris năm 1975, ông ở trong số rất ít bác sĩ ngoại khoa – chấn thương chỉnh hình có thể chữa trị các bệnh về khớp, bệnh về cơ, các bệnh xương khớp bẩm sinh, bệnh cần tái tạo xương, kéo xương (chấn thương, chỉnh hình, nội soi, thay khớp vai, khớp háng, khớp gối).
Hiện ông phụ trách khoa ngoại Bệnh viện Polyclinique Du Ternois (Cộng hòa Pháp) và đã mổ hơn chục nghìn ca ở nhiều bệnh viện châu Mỹ, châu Âu.
Những ai được GS René D. Esser phẫu thuật là những người may mắn vì đã được “bàn tay vàng” cứu sống và thay đổi cuộc đời.
Từ 20 năm trước, GS René D. Esser đã một mình về Việt Nam, mang tài năng, tâm đức của mình chữa hàng nghìn ca bệnh khó phức tạp về xương khớp của các bệnh nhân từ em bé đến cụ già 80-90 tuổi.
____
Bài hát Đi để trở về hiện đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích; ngày trở về của GS có gì đặc biệt?
Gia đình tôi sang Pháp từ lúc tôi mới một tháng tuổi. Lớn lên trên đất nước Pháp nhưng tôi được hưởng một nền giáo dục thuần Việt, tất cả anh em chúng tôi khi đi học muốn nói tiếng Anh, Pháp, Đức gì thì nói nhưng về đến nhà phải nói tiếng Việt.
Từ bé đến lớn tôi chỉ có một ước mơ là trở thành bác sĩ để sẽ có ngày trở về quê hương giúp đồng bào mình. Ước mơ đó luôn ấp ủ trong tôi; tôi chưa lúc nào ngừng nghĩ về Việt Nam.
Khi thi vào y khoa, tôi cố gắng học thật giỏi để bạn bè quốc tế phải nể người Việt Nam chúng ta và đã làm được điều đó. Lúc mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris tôi đã có ý định trở về nhưng điều kiện lịch sử bấy giờ chưa cho phép.
Tôi đã chuẩn bị cho ngày trở về quê nhà từ mấy chục năm trước và lần trở về đầu tiên cách đây hơn 20 năm thật sự khó quên.
Từ trên máy bay nhìn qua ô cửa, tôi bồi hồi xúc động, nhủ thầm: “Mình đã được trở về”. Xuống máy bay, bước những bước đầu tiên trên đất Mẹ, lòng tôi thật sung sướng dù lúc đó chưa biết sẽ kết nối với ai, như thế nào để có thể phẫu thuật cho nhiều người bệnh nhất.
Rất may là nhờ quen biết với một bác sĩ người Việt khi còn bên Pháp, tôi có cơ hội tham dự một hội nghị y khoa tại Sài Gòn, nhờ vậy kết nối được với một vài bệnh viện. Cũng từ đó cứ cách ba tháng tôi lại về Việt Nam khoảng hai tuần để mổ miễn phí cho bệnh nhân.
Tôi đã chuẩn bị cho ngày trở về quê nhà từ mấy chục năm trước và lần trở về đầu tiên cách đây hơn 20 năm thật sự khó quên. Từ trên máy bay nhìn qua ô cửa, tôi bồi hồi xúc động, nhủ thầm: “Mình đã được trở về”.
____
Lần về Việt Nam đầu tiên của GS cách đây 20 năm đúng là rất khó quên; ông còn nhớ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên của mình và đã chữa trị ra sao cho người bệnh đó?
Nhớ chứ. Tôi có trí nhớ tốt nhờ rèn luyện từ khi còn trẻ và cũng nhờ tình cảm đối với bệnh nhân. Tôi ghi nhớ một cách chính xác hầu hết bệnh án của những người từng được tôi chữa trị – điều không dễ với các bác sĩ trẻ hiện nay.
Một trong những bệnh nhân đầu tiên của tôi là một em bé bị cứng khớp vai, cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Khi mổ xong cho em, tôi có cảm giác vô cùng hạnh phúc. Bao nhiêu năm ước mơ của mình là được phẫu thuật cho người Việt Nam đã thành sự thật.
____
GS đã mổ miễn phí tại rất nhiều bệnh viện của Việt Nam, bằng cách nào ông đã làm được điều đó?
Lúc tôi mới về nước, chưa có ai biết đến mình để kết nối làm việc. Sau khi tôi mổ miễn phí cho các bệnh nhân có kết quả tốt, mau lành rồi thì nhiều bệnh viện muốn mời tôi về phẫu thuật cho bệnh nhân của họ.
Tôi đã thực hiện phẫu thuật tại các bệnh viện như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Uông Bí, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), Bệnh viện Thánh Tâm…
Tại các bệnh viện nêu trên, ngoài việc trực tiếp mổ miễn phí hầu hết các ca khó tôi còn huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật mới, tiên tiến cho đội ngũ bác sĩ chấn thương chỉnh hình, giúp đào tạo nâng cao tay nghề các bác sĩ Việt Nam.
Tôi thương yêu bệnh nhân của mình. Họ bị bệnh tật đã chịu đau đớn nhưng chưa được chăm sóc và chữa trị đúng cách. Phần lớn họ là người nghèo, đã chạy chữa nhiều nơi và mổ xong vẫn không khỏi bệnh.
Khi biết được mổ miễn phí, chỉ phải trả tiền thuốc men, dịch vụ cho bệnh viện họ rất mừng. Bệnh nhân biết đến tôi ngày một đông, họ truyền tai nhau hay bằng cách nào khác không rõ, nhưng hễ tôi đến với bệnh viện nào thì rất đông bệnh nhân về đó để chờ…
Nhiều trường hợp người bệnh quá khó khăn nhưng cần được chữa trị sớm, tôi phải vận động, tìm nguồn tài trợ để phẫu thuật miễn phí.
Có trường hợp bị tai nạn giao thông đã được các bác sĩ chỉ định cắt chân, tôi đi ngang qua hỏi thăm mới biết và đã ngăn kịp. Thay vì cắt, tôi quyết định kéo xương đùi dài ra cho chàng trai trẻ tuổi ấy. Ngày anh xuất viện cả gia đình đến cảm ơn tôi đã cứu cuộc đời con em mình.
Hay như bệnh nhân tên Hà bị nhiễm chất độc da cam, không đi được, phải ngồi xe lăn, em đã đến nhiều bệnh viện nhưng đều không chữa được. Nhờ có người giới thiệu, Hà đã tìm đến tôi, lúc đó tôi còn phải đi tìm bệnh viện đủ điều kiện để mổ cho em.
Giờ thì Hà có thể tự đi lại bình thường, đã lấy chồng và mở một tiệm cắt tóc, giúp đỡ cho rất nhiều người khuyết tật ở quê em. Đó là một ca chữa trị đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc nghề nghiệp.
Tôi cũng nhớ trường hợp một cháu bé 14 tháng tuổi bị khuyết tật nên gia đình bỏ rơi ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới).
Sau ca phẫu thuật, cháu bé được trả lại cuộc sống bình thường. Còn bao câu chuyện nữa mà tôi không kể hết, chỉ biết rằng mỗi lần chữa lành được cho ai đó lòng tôi lại thật thanh thản nhẹ nhàng.
____
Được biết Quốc vương Samoa đã nhận GS làm hoàng tử vì những đóng góp cho đảo quốc này, ông có thể cho biết những đóng góp đó?
Lần đầu đến Samoa tôi thấy ở đảo quốc có nhiều bệnh nhân nghèo quá, thế là trong lòng nuôi ý định đến đây làm việc lâu dài để có thể giúp đỡ họ. Mãi rồi tôi cũng thực hiện được điều mình mong muốn.
Hơn 10 năm ở Samoa tôi đã khám, chữa trị và phẫu thuật cho bệnh nhân cả vào ngày nghỉ lễ. Khi thấy cả một vùng biển đảo Thái Bình Dương rộng lớn không có một bệnh viện chấn thương chỉnh hình nào, tôi vận động quyên góp tiền xây tặng Samoa một bệnh viện với đầy đủ dụng cụ phẫu thuật hiện đại nhất. Lúc tôi mới đến, đảo quốc còn rất nhiều khó khăn.
Ngày tôi rời đi, Samoa hầu như không còn người tàn tật vì đều đã được phẫu thuật chỉnh hình. Với những ca phức tạp, thường thì người dân trên đảo phải ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, nhưng từ khi tôi đến Samoa, tất cả các ca mổ khó đều thực hiện tại chỗ.
Tôi cứ âm thầm thực hiện những việc cần làm tại đảo quốc, thế rồi có một hôm nhà vua Samoa mời tôi đến, muốn được nhận tôi làm con nuôi và trao tặng cho tôi huân chương danh dự. Từ đó tôi trở thành hoàng tử của đảo quốc Samoa xinh đẹp…
Hiện nay, cơ sở vật chất hạ tầng của các bệnh viện đã được cải thiện rất nhiều so với cách đây 20 năm, khi tôi lần đầu về quê nhà. Chỉ có một điều không khác là bệnh nhân thì vẫn đông như thế. Thế nên mỗi lần về Việt Nam tôi hầu như có mặt ở bệnh viện từ sáng đến tối, chỉ mong mình có thêm nhiều thời gian để có thể giúp cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.
____
Vì sao GS lại chọn cách làm công việc này một mình, tự lo các chi phí đi lại, sinh hoạt và còn bỏ tiền túi mua dụng cụ phục vụ bệnh nhân nghèo?
Lúc đầu nghe tôi nói sẽ trở về Việt Nam làm việc, bạn bè cứ nghĩ mình nói đùa. Thế nhưng tôi đã trở về được 20 năm.
Ngay trong gia đình tôi, các anh chị tôi không ai chọn cách trở về như tôi, không phải vì họ ít yêu Việt Nam mà là cách thể hiện tình yêu đối với quê hương, xứ sở của mỗi người khác nhau.
Hiện nay, cơ sở vật chất hạ tầng của các bệnh viện đã được cải thiện rất nhiều so với cách đây 20 năm, khi tôi lần đầu về quê nhà. Chỉ có một điều không khác là bệnh nhân thì vẫn đông như thế.
Thế nên mỗi lần về Việt Nam tôi hầu như có mặt ở bệnh viện từ sáng đến tối, chỉ mong mình có thêm nhiều thời gian để có thể giúp cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Tôi đã từng nghĩ, nếu mình đi cùng một đoàn từ thiện nào đó liệu mình có thể giúp được nhiều bệnh nhân, có truyền đạt được kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp cho các bác sĩ trẻ trong nước như hiện nay tôi đang làm không.
Nên tôi chọn cách đóng góp âm thầm mà đều đặn, cứ ba tháng về Việt Nam một lần, như vậy làm việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với tham gia vào các đoàn từ thiện mà cả năm hay vài năm mới có một lần đến đất nước này.
____
Theo ông, để trở thành một bác sĩ giỏi về chuyên môn và có tâm với nghề các bạn trẻ theo nghề y cần có tố chất gì?
Tôi có thói quen luôn giữ liên lạc với các bệnh nhân của mình bằng nhiều cách khác nhau cho đến khi họ khỏi bệnh hoàn toàn. Chính quá trình lành bệnh của bệnh nhân giúp ta học được nhiều điều.
Tôi từng nói với các bệnh viện nên nhắc các bác sĩ gọi điện cho bệnh nhân của mình hẹn ngày tái khám, nhưng dường như chưa có bệnh viện nào làm điều đó.
Trong bất cứ nghề nghiệp hay công việc gì, để thành công đều cần có lòng yêu thích và niềm đam mê. Đối với nghề y thì càng cần hơn, bởi đó là nghề cần phải có sự kiên trì và phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Nếu ai chưa sẵn sàng để hy sinh từ thời gian đến gia đình thì thật khó để trở thành một bác sĩ giỏi về chuyên môn.
Trong bất cứ nghề nghiệp hay công việc gì, để thành công đều cần có lòng yêu thích và niềm đam mê. Đối với nghề y thì càng cần hơn, bởi đó là nghề cần phải có sự kiên trì và phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Nếu ai chưa sẵn sàng để hy sinh từ thời gian đến gia đình thì thật khó để trở thành một bác sĩ giỏi về chuyên môn.
____
Có một thực tế là không nhiều bạn trẻ ở hải ngoại hiện nay giỏi tiếng Việt, còn trong gia đình GS việc học tiếng Việt được tiếp nối qua các thế hệ như thế nào?
Ngày tôi còn bé, mẹ tôi hay kể cho anh chị em chúng tôi nghe về Việt Nam, lớn lên khi biết đọc tôi đã tìm đọc những cuốn sách về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.
Nhưng hồi đó không có sách tiếng Việt, phải đọc sách tiếng Pháp, hiểu nhưng cảm thấy chưa thỏa mãn lắm. Thế là ráng tìm thêm sách tiếng Việt để đọc, mỗi lúc tập viết thì thường kèm bên cạnh cuốn từ điển tiếng Việt để tra cứu.
Trong gia đình tôi, con cháu tôi – các thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Pháp nhưng vẫn nói tiếng Việt rất sõi. Đó là nhờ có phần do cách giáo dục của bố mẹ tôi truyền lại.
Đến lượt chúng tôi dạy con cháu thấm nhuần tư tưởng mình là người Việt Nam nên phải nói tiếng mẹ đẻ. Các con tôi về nhà giao tiếp với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhờ thế vốn tiếng Việt của các cháu rất tốt. Con gái tôi khi về Việt Nam cùng khám chữa bệnh với tôi, ít ai biết cháu lớn lên ở nước ngoài.
____
Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp; nghe nói ông đã đến nhiều nơi mà người Việt sống trên đất nước này chưa biết?
Tôi đã đến với nhiều bệnh viện trên dải đất hình chữ S, với tôi đó cũng là cách đi du lịch rồi. Trước khi đi tôi tìm hiểu về văn hóa, con người, đặc sản địa phương qua sách báo.
Tôi cũng thường trò chuyện với bệnh nhân, đây cũng là cách tôi đi du lịch tại chỗ. Bệnh nhân kể điều hay, tối về tôi lục tìm thông tin trên mạng để khi nào có thể rảnh việc là đi.
____
Xin cảm ơn GS, chúc ông nhiều sức khỏe để cứu giúp được nhiều cuộc đời hơn nữa.