Càng ngày du học Phần Lan càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên Việt Nam. Điển hình là vừa qua, hãng truyền thông Phần Lan YLE đã đưa tin lượng sinh viên quốc tế người Việt (hơn 900) tại Phần Lan đứng vào hàng thứ năm, chỉ sau Trung Quốc, Nga, Nepal và Nigeria. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng thêm nhiều với xu hướng du học như hiện nay và áp lực khủng hoảng tài chính song song với việc tăng học phí sẽ còn đè nặng lên các trường học ở các nước kinh doanh giáo dục như Anh, Mỹ, Úc… DNSGCT xin giới thiệu trải nghiệm của Trang Vi, du học sinh Việt Nam tại Phần Lan.
Hai năm du học ở Phần Lan đã để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm. Những câu chuyện dưới đây là những trải nghiệm thực về cuộc sống của tôi trong quãng thời gian ấy và có lẽ phần nào giúp các bạn hình dung được hành trình đi và về của một du học sinh.
Miễn phí = Học bổng 100% học phí!?
Trong các bảng xếp hạng giáo dục quốc gia gần đây, giáo dục đại học ở Phần Lan luôn nằm trong top đầu. Cạnh tranh vào đại học Phần Lan chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên bạn cũng đừng vì thế mà vội vàng phó mặc số phận của mình cho các trung tâm du học.
Học bổng 100% học phí nghe rõ ràng là hay hơn từ miễn phí. Thế nhưng cụm từ này lại bị người ta lạm dụng bằng cách thêm vào sau đó cụm từ “với công ty ABC”. Ở Phần Lan, chính phủ không hề cung cấp bất cứ một loại học bổng nào ở cấp cử nhân và thạc sĩ. Bù lại, tất cả mọi người nếu thi đỗ vào đại học có thể học miễn phí.
“Free Education” ở đây mang nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng và được đi học bất kể người đó là người Phần Lan, thuộc Liên minh châu Âu (EU), hay từ châu Á, châu Phi… Họ tin tưởng rằng giáo dục miễn phí có thể tạo cơ hội cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và tự do hơn.
Bình đẳng có ý nghĩa rất quan trọng trong xã hội Phần Lan. Vì thế, khi một số thượng nghị sĩ đề xuất việc có học phí ở bậc đại học cho sinh viên ngoài EU, nhiều người Phần Lan đã lên tiếng phản đối vì điều này đi ngược lại hiến pháp và một giá trị vô cùng quan trọng của xã hội Phần Lan.
Việc một vài trung tâm du học ở Việt Nam đang lợi dụng chính sách giáo dục của Phần Lan để đưa ra các thông tin sai lệch là một thực tế khó chấp nhận. Du học ở Phần Lan không hề giống du học ở Anh, Úc hay Mỹ – nơi mà các trung tâm có thể nhận được tiền hoa hồng từ việc sinh viên đóng học phí nhập học. Không ai có thể giúp bạn đi học Phần Lan ngoài chính bản thân bạn cả.
Chợt nhớ một bạn qua đây học cử nhân, đóng 1.000 USD để một trung tâm du học giúp tìm trường, trong khi bạn phải tự tham gia kỳ thi, phải tự chuẩn bị mọi giấy tờ. Trung tâm kia chỉ việc nộp hồ sơ và nhận được số tiền khá lớn đó. Nếu bạn tự tay “apply” qua Phần Lan, tin tôi đi, công sức bạn bỏ ra vẫn như vậy, tiền bạc chỉ mất đến 30 USD là cùng, nhưng quan trọng hơn cả là bạn có thể tự quyết định được tương lai (trường học) của mình.
Việc tự tìm hiểu thông tin về trường học, địa điểm học, ngành học là cực kỳ quan trọng, vì Phần Lan là một nước có diện tích rộng nhưng dân số rất thưa thớt. Hệ thống giáo dục đại học Phần Lan cũng phân cấp rõ ràng. Không phải mọi trường đại học đều có trình độ tương đương và đơn giản như người ta vẫn quảng cáo!
Du học Phần Lan – thành tích học tập là chính
Nếu không có đủ điểm IELTS, bạn vẫn có thể nhận được thư mời nhập học tại các trường đại học ở các nước nói tiếng Anh. Đơn giản thôi, bởi bạn có thể bỏ ra thêm vài nghìn USD nữa để theo một khóa học từ ba tháng đến một năm để nâng cao trình độ trước khi vào học chính thức hoặc trường có thể gia hạn một thời điểm nhất định mà bạn phải nộp điểm tiếng Anh theo yêu cầu.
Ở Phần Lan thì khác. Không có đủ điểm IELTS thì bạn không thể apply. Khi bạn có IELTS rồi cũng không có nghĩa là tìm được một trường để học nếu không vượt qua kỳ thi vào đại học Phần Lan. Thành tích học tập đại học của bạn làng nhàng thì cũng đừng quá hy vọng vào việc học thạc sĩ ở Phần Lan.
Phải thừa nhận rằng ngay từ ban đầu, việc học hành của tôi đã không hề dễ dàng một chút nào, có lẽ vốn tiếng Anh chuẩn bị từ Việt Nam của tôi là không đủ để bắt đầu. Dù bạn có tin hay không thì đạt được 6.5 IELTS không có nghĩa là tiếng Anh của bạn đã sẵn sàng cho một chương trình thạc sĩ. Khó khăn về ngôn ngữ cộng thêm với cách thức học tập mới và môi trường mới dẫn đến stress trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày học đầu tiên.
Ngẫm nghĩ lại, tôi có lời khuyên cho các bạn sắp du học hoặc có ý định du học đó là, các bạn nên đọc thật nhiều tài liệu tiếng Anh và tìm hiểu cách học tập và nghiên cứu thật kỹ môi trường học tập ở nước sở tại trước khi lên đường. Không ngừng nỗ lực và học hỏi, thay vì chán nản và suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp các bạn vượt qua những thử thách trong giai đoạn làm quen với môi trường học tập mới.
Suy tư từ những câu hỏi không có lời đáp
Sau du học trở về thường là những chuỗi ngày dài tư vấn và tư vấn cho các bạn từ cấp ba đến đại học ở xung quanh nhà tôi, chưa kể các vị phụ huynh. Các cô bác thường chỉ nói “đi du học thích nhỉ, để hôm nào cô cho em sang cháu nói chuyện nhé”. Thế là các em cũng sang và nói chuyện, thi thoảng có những câu hỏi mà tôi không biết phải trả lời thế nào. Giờ tôi cứ đặt ra ở đây, các bạn trả lời giúp nhé:
– Chịơi, đi du học về kiếm việc làm có dễ không?
– Chịơi, học ngành gì thì về nhà dễ xin việc?
– Chịơi, nếu học cấp ba xong mà đi du học ngay, khi về liệu có làm được cho công ty nhà nước không?
– Chịơi, học thạc sĩ có khó không? Em chỉ sợ không theo được thôi.
– Chịơi, em chán học ở nhà lắm rồi, em muốn đi du học lắm, nhưng mà em không dám bỏ học ở trường để đi du học đâu. Em cũng không có nhiều thời gian học tiếng Anh nữa? Em phải làm sao đây?
– Chịơi, em muốn đi du học nhưng chẳng biết học ngành gì cả. Sau này em muốn làm gì, em cũng không biết nữa…
…
Trả lời những câu hỏi thế này nhiều khi thấy khó quá. Hiếm khi thấy các bạn hỏi điều kiện học hành, đất nước con người ở đó thế nào, rồi đi du học sẽ được những lợi ích gì, hình như trong đầu nhiều bạn trẻ hiện giờ chỉ định hình hai chữ “bằng cấp” và “việc làm”. Tất nhiên những thứ đó là quan trọng nhưng tôi đã hy vọng nghe được nhiều hơn những từ kiểu nhưước mơ, đam mê, khát vọng muốn tìm tòi học hỏi kiến thức mới từ việc đi du học.
Trang Vi