Giáo dục không chỉ dừng ở việc sở đắc kiến thức, thu thập và kết nối các dữ kiện. Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ, để có năng lực nhận biết bản chất của cái vốn đang tồn tại. Nhà giáo dục – triết gia người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti đã nói như vậy. Quả thật, những quan điểm về giáo dục của ông rất đáng suy ngẫm.
Giáo dục phải có ý nghĩa cho cuộc sống
Theo Jiddu Krishnamurti, giáo dục truyền thống đã khiến cho việc tư duy độc lập trở nên khó khăn, vì học sinh đã quen với sự tuân phục và thỏa hiệp. Sự khao khát thành công, mưu cầu một phần thưởng hoặc mong muốn tìm kiếm sự an toàn, khiến chúng ta có nhu cầu náu mình, không muốn đi ngược đám đông. Giáo dục của Việt Nam chúng ta bấy lâu cũng đã khiến học sinh e sợ mình bị khác biệt so với tập thể, sợ mình có những suy nghĩ trái với khuôn mẫu của xã hội. Chính thái độ sợ hãi, cầu an là yếu tố làm cho chúng ta không còn muốn phiêu lưu mạo hiểm và cũng ngăn chúng ta hiểu biết về cuộc sống.
Thông thường, khi nói đến phản kháng, chúng ta hay nghĩ đến phản kháng bằng bạo lực, đó đơn thuần là sự phản kháng thiếu hiểu biết, chống lại trật tự hiện có. Nhưng thực ra còn có sự phản kháng bằng trí tuệ, đó là khả năng tự nhận thức bản thân thông qua việc quan sát tư tưởng và cảm nhận của chính mình. Chỉ khi con người can đảm đối diện với những gì xảy đến thì mới có thể duy trì sự tỉnh giác cao độ về trí tuệ. Sự tỉnh giác ấy chính là trực giác, kim chỉ nam đúng đắn cho ta trong cuộc sống.
Hầu hết trẻ em đều hiếu kỳ và tò mò muốn biết về mọi thứ, nhưng sự tò mò của chúng lại thường bị dập tắt bởi sự cố chấp, thiếu kiên nhẫn của người lớn. Chúng ta thường không khuyến khích các em hỏi quá nhiều, không cổ vũ việc bày tỏ thái độ bất đồng của các em, vì chính người lớn cũng không còn khả năng hoài nghi nữa.
- Xem thêm: Để có một môi trường giáo dục hạnh phúc
Trong nền văn minh hiện đại, chúng ta chia nhỏ cuộc sống của mình thành quá nhiều ngăn đến mức giáo dục chẳng còn mấy ý nghĩa, ngoại trừ việc học hành để có những kỹ năng hay nghề nghiệp nào đó. Thay vì đánh thức trí tuệ toàn diện ở một con người, nền giáo dục lại khuyến khích anh ta tuân theo khuôn mẫu nhất định và vì thế đã cản trở sự hiểu biết về chính mình. Thực chất, con người là một tổng thể hài hòa được cấu thành từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Giáo dục phải hợp nhất các khía cạnh riêng biệt này, chứ không chỉ tập trung giải quyết những vấn đề sinh tồn một cách riêng lẻ. Nếu giáo dục chỉ hướng đến mục tiêu là có nhiều năng lực hơn, giành lấy một công việc tốt, thống trị được nhiều người hơn, kiếm nhiều tiền hơn thì cuộc sống sẽ vô cùng hời hợt và trống rỗng. Nếu chúng ta được đào luyện chỉ để trở thành những nhà khoa học, những học giả chỉ biết sách vở và nghiên cứu, thì sẽ góp phần vào sự khốn cùng của thế giới mà thôi.
Hệ thống giáo dục hiện nay hướng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà mục tiêu chính là không ngừng phát triển tính hiệu quả. Vì thế, chúng ta đang được đào tạo, thông qua giáo dục và môi trường sống, để tìm kiếm lợi ích và sự an toàn cho bản thân. Trong khi đó, cuộc sống nếu chỉ tìm kiếm tham vọng mà thiếu vắng tình yêu thương – thứ giúp ta hiểu biết toàn diện về cuộc sống – thì con người sẽ dần nuôi dưỡng sự nhẫn tâm, và điều đó vô cùng nguy hiểm.
Vì vậy, giáo dục không chỉ cung cấp thông tin và chương trình đào tạo về kỹ thuật, mà nên khuyến khích học sinh có cái nhìn toàn diện về cuộc sống đồng thời tháo dỡ các thành kiến xã hội. Thay vì cổ xúy các em chạy theo danh lợi, nên khuyến khích các em biết quan sát bản thân một cách đúng đắn và trải nghiệm cuộc sống trong tính toàn vẹn của nó.
- Xem thêm: Giáo dục – hôm nay và ngày mai
Giáo dục đúng đắn là sự thấu hiểu từng cá thể
Trí tuệ không phải là chức năng lưu trữ thông tin, mà đó là năng lực nhận biết bản chất, những điều vốn có đang tồn tại. Chỉ có sự thấu hiểu sâu sắc về chính mình thì nỗi lo sợ mới chấm dứt. Nếu mỗi cá nhân buộc phải vật lộn với cuộc sống, buộc phải đối mặt với sự phức tạp của cuộc sống, với những khốn khó và đòi hỏi đa dạng, thì anh ta phải hết sức linh hoạt và do đó phải thoát ly khỏi các lý thuyết hay tư duy khuôn mẫu. Vì vậy, giáo dục phải đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thỏa mãn tự khẳng định bản thân.
Giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục thực sự hiểu trẻ em chứ không áp đặt lên con trẻ những hình ảnh mà chúng ta nghĩ các em nên trở thành. Bao bọc đứa trẻ trong khuôn khổ của một lý tưởng là khuyến khích các em luôn tuân phục, cũng chính là gieo rắc sự sợ hãi, tạo mối xung đột thường trực giữa cái “em đang là” với “em nên là”. Đáng lo ngại là mọi xung đột nội tâm sớm muộn gì cũng sẽ bộc lộ ra bên ngoài. Mọi lý tưởng đều là rào cản ngăn trở chúng ta hiểu về đứa trẻ và không cho đứa trẻ thấu hiểu chính các em.
Nếu thật sự yêu thương con, cha mẹ sẽ quan sát, tìm hiểu khuynh hướng của con, tâm trạng, nét cá tính của con. Chỉ khi không còn tình yêu thương thì mới áp đặt lên con trẻ những lý tưởng, tham vọng của chính mình, buộc các em trở thành “ông này bà nọ” – như những ước mơ chưa thành hiện thực của cha mẹ. Người giáo viên thực thụ sẽ không lệ thuộc một cách cứng nhắc vào phương pháp, mà linh hoạt tìm hiểu từng học sinh của mình. Trong mối tương giao giữa giáo viên và học sinh, thầy cô đang đối diện với những con người sống động, nhạy cảm và có cá tính, chứ không phải những cỗ máy. Vì vậy, nếu chỉ dạy theo phương pháp, khuôn mẫu mà không có lòng yêu thương và sự kiên nhẫn, thì giáo dục e là sẽ thất bại.
Kỷ luật là một phương cách dễ dàng để kiểm soát đứa trẻ, nhưng lại không giúp con trẻ hiểu biết hay tò mò về các vấn đề của cuộc sống. Một hình thức cưỡng bức hay thưởng phạt nào đó có thể cần thiết để duy trì trật tự và sự yên lặng bề ngoài của một lớp học. Nhưng người thầy thực thụ có thể dành thời gian quan sát từng học sinh, để phát hiện ra điều bất ổn ở những em nghịch ngợm, quậy phá, có thể do chế độ ăn thiếu khoa học, nghỉ ngơi không đủ, cãi vã trong gia đình, hay một sự sợ hãi trong tâm thức…
Loại hình giáo dục đúng đắn phải bắt đầu từ nhà giáo dục, đó là cha mẹ và thầy cô. Họ phải là người hiểu biết về chính mình và thoát khỏi những khuôn mẫu lý tưởng đã có sẵn. Nếu nhà giáo dục không hiểu biết chính mình, không hiểu mối tương quan giữa thầy và trò, thì họ không thể dạy gì khác ngoài những kiến thức máy móc trong chương trình.