Từ một nền giáo dục bị ảnh hưởng mạnh mẽ của giáo dục Pháp, Việt Nam chuyển hướng tiếp nhận giáo dục Đông Âu. Sau một thời gian mất kết nối với giáo dục Đông Âu, Việt Nam nhanh chóng tìm đường và hòa vào dòng chảy của giáo dục Anh – Mỹ. Toàn cầu hóa, đầu tư FDI, cơn sốt học tiếng Anh và du học tại các trường đại học phương Tây đã giúp giáo dục Việt Nam tạm thời không mất phương hướng.
Nhưng đã đến lúc chính giáo dục phương Tây bắt đầu đứng trước những câu hỏi lớn: dạy gì cho trẻ em trong thế kỷ XXI? Những kiến thức mà ông bà, cha mẹ, thậm chí anh chị của những đứa trẻ đã từng học hiện bị “lão hóa” rất nhanh. Báo chí Anh và Mỹ cũng dành rất nhiều thời gian để “tự vấn” về giáo dục của chính họ.
- Xem thêm: Giáo dục – hôm nay và ngày mai
Bản chất của giáo dục Anh – Mỹ là có tính cạnh tranh rất cao. Các bài thi chuẩn hóa, số lượng các bài thi trong suốt 12-13 năm học phổ thông tạo ra áp lực rất lớn cho trẻ em. Tuy không xếp hạng trực tiếp học sinh trong lớp như Việt Nam trước đây, nhưng giáo dục Anh – Mỹ cũng nghĩ ra đủ các loại công cụ để đo lường đứa trẻ. Nào là progression test, check points, MAP test…
Nền giáo dục cạnh tranh về bản chất là tạo ra nguồn nhân lực cạnh tranh cho các tập đoàn kinh tế quốc gia và đa quốc gia. Nó nhấn mạnh những khái niệm to tát như kỹ năng lãnh đạo, quản lý và càng lúc càng xa rời khái niệm khai sáng và hạnh phúc của đứa trẻ. Tư tưởng giáo dục này, hòa với truyền thống văn hóa coi trọng học vấn và bằng cấp của châu Á, cũng đẩy nhiều quốc gia châu Á đến những điểm cực đoan nhất định: giáo dục Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… đều vô cùng cạnh tranh. Kỳ thi Cao Khảo của Trung Quốc cạnh tranh gấp nhiều lần kỳ thi “hai trong một” vào tháng 6 hằng năm của Việt Nam.
Thậm chí ở Trung Quốc, còn có những lớp học mini-MBA dành cho trẻ mầm non và tiểu học. Khóa học này không dạy các kỹ năng lãnh đạo bản thân như các nhà giáo dục mong đợi, mà dạy trẻ cách lãnh đạo người khác, vì đây là “mong muốn cạnh tranh thầm kín” của các phụ huynh.
Làm thế nào để giáo dục bớt tính cạnh tranh, và trẻ em không bị biến thành cỗ máy và công cụ cạnh tranh cho đến khi chúng thực sự rời trường phổ thông? Làm thế nào để trẻ tập trung vào “cạnh tranh với chính mình” và hợp tác với người khác? Các nhà giáo dục tiến bộ đều nhận ra một thế giới hiện đại đầy hỗn loạn và bất ổn có nguyên nhân từ những cách thức giáo dục quá nhấn mạnh vào cạnh tranh, và không đủ tính hợp tác.
Một đứa trẻ được định hướng lành mạnh từ cha mẹ và trường học là đứa trẻ tập trung vào chính nó, cạnh tranh với chính nó của ngày hôm nay để ngày mai nó trở thành một phiên bản tốt hơn. Nó không coi bạn bè là những đối thủ cạnh tranh về điểm số hay cơ hội, vì mỗi cá nhân có một mục tiêu khác nhau. Khi đó, trẻ dễ dàng hợp tác hơn.
Soi vào giáo dục châu Á, giáo dục cạnh tranh để lại các “khuyết tật” như thế này:
– Trẻ cạnh tranh để có thành tích tốt hơn bạn. Nỗ lực của kẻ thua cuộc ít khi được ghi nhận hoặc cổ vũ (nỗ lực của đứa trẻ 20 điểm đậu đại học được tuyên dương, nỗ lực của đứa trẻ 19 điểm rớt đại học bị quên lãng).
– Trẻ cạnh tranh để vào một trường học tốt hơn ngay từ bậc phổ thông.
– Trẻ lấy động lực từ việc “hạ gục đối thủ”. Đó là niềm vui khi trẻ nhà nghèo giỏi hơn trẻ nhà giàu, trẻ nông thôn có điểm thi đại học cao hơn trẻ em thành phố, học sinh châu Á giành học bổng “khủng” hơn học sinh của Anh – Mỹ ở các trường đại học hàng đầu. Điều đó nói lên điều gì khác ngoài tâm lý phòng thủ của kẻ yếu? Đứa trẻ mang niềm vui từ tâm lý cạnh tranh này mãi mãi là đứa trẻ yếu đuối, không có sức mạnh tự thân.
Trong khi đó, có một dòng chảy giáo dục hoàn toàn khác của Bắc Âu: Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy… và đang chứng tỏ là một triết lý giáo dục sâu sắc dẫn dắt dòng chảy của giáo dục thế giới trong thế kỷ XXI. Đó là giáo dục mang màu sắc tự do, hướng tới khai sáng nhận thức cho đứa trẻ, giúp đứa trẻ tập trung vào chính mình, thiết lập mục tiêu cho chính mình, và hạnh phúc với chính mình. Giáo dục Bắc Âu không coi trọng thi cử, mà hướng tới phát triển con người.
Đó là lý do nó được học tập và mang vào các chương trình giáo dục quốc tế tiến bộ nhất như IB hay IPC. Thay cho cách dạy học tạo ra cạnh tranh giữa những đứa trẻ, giáo dục Bắc Âu nhấn mạnh sự hợp tác và bổ sung lẫn nhau. Một đứa trẻ không giỏi toán sẽ cần có kỹ năng tìm kiếm và hợp tác với một người giỏi toán, một người giỏi âm nhạc biết cách chia sẻ tài năng của mình và làm việc chung với một người mù tịt về âm nhạc. Vì thực tế cho thấy, khi các “cỗ máy cạnh tranh” tập hợp lại với nhau, mà tinh thần hợp tác yếu thì sẽ tự hủy hoại nhau rất nhanh chóng.
Có thể ở trường học, con bạn đã được dạy rằng, cạnh tranh không còn mấy quan trọng nữa, hợp tác quan trọng hơn. Nếu con bạn không “thắng” được bạn của nó, hoặc nó cũng chẳng quan tâm đến việc muốn “thắng” bạn của nó nữa, thì bạn cũng không nên buồn lòng. Vì có thể nó là những đứa trẻ hạnh phúc thực sự. Làm cha mẹ, nếu chúng ta biết rằng con cái mình đang hạnh phúc thực sự từ nội tâm của chúng, chẳng lẽ chúng ta không hạnh phúc hay sao?
Bùi Khánh Nguyên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương TP.HCM, Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông, Đại học Stirling (Anh) và hoàn tất chương trình MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam năm 2018.
Cơ duyên đưa anh quay trở lại với giáo dục sau thời gian dài làm việc trong lĩnh vực kinh doanh là khi tham gia với vai trò cộng tác viên cho một dự án nghiên cứu về các trường quốc tế tại TP.HCM của Viện nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM. Trong thời gian này, anh cũng làm cộng tác viên cho chuyên trang Giáo dục của báo Tuổi Trẻ. Sau đó anh trở thành hiệu trưởng trung học đầu tiên của Trường Vinschool Central Park tại TP.HCM. Hết năm học 2017-2018, anh rời trường và lựa chọn trở thành diễn giả độc lập về giáo dục.