Thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ra đời vào cuối tháng 12-2017, đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc phát triển tâm lý học đường (TLHĐ) trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Từ đó đến nay, TLHĐ được đặc biệt quan tâm và ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi từ thực tế cuộc sống của thanh thiếu niên, không còn là chuyện xa vời.
Tâm lý học đường cần có ở mọi cấp trong hệ thống giáo dục
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đối với ngành giáo dục, từ cấp mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, công tác tư vấn TLHĐ có một vị trí quan trọng. “Chúng ta sẽ chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của học sinh khi đảm bảo 100% học sinh phổ thông sẽ được tham gia các chương trình tư vấn TLHĐ chất lượng, hiệu quả, bài bản.
Vì vậy, các cơ sở đào tạo sư phạm cần kết nối với nhiều chuyên gia TLHĐ quốc tế để ngành giáo dục có thể tiếp thu kinh nghiệm hiện đại trong việc triển khai công tác này. Tuy nhiên, các chương trình nên Việt hóa cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngành giáo dục phải có một bộ tài liệu chuẩn về lĩnh vực TLHĐ” – ông Linh cho biết.
Còn theo thạc sĩ khoa học sức khỏe xã hội Lê Thị Minh Tâm thì việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cần thiết ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt là ở giai đoạn khủng hoảng tuổi trưởng thành.
Thực tế đối với các bạn trẻ, bước chân vào ngưỡng cửa đại học cũng giống như bắt đầu một cuộc sống mới nhiều thử thách. Lúc này, sự quan tâm lo lắng quá mức của cha mẹ có vẻ không còn phù hợp nhưng thái độ “bỏ lơ”, không còn là chỗ dựa cho con như trước có thể khiến các em cảm thấy hụt hẫng.
Bà nói: “Chúng ta hay nghĩ rằng các em cảm thấy áp lực là do cha mẹ, nhưng đây chỉ là một phần, nhiều lúc áp lực đó là từ chính bản thân các em cùng các yếu tố sinh học bên trong cơ thể mỗi đứa trẻ. Phần lớn những trường hợp học sinh chán nản, tự tử, đều liên quan đến yếu tố tâm lý, tinh thần trong đó quan trọng nhất là vấn đề xây dựng hình ảnh bản thân.
Trong giai đoạn trưởng thành, các em thường tìm kiểu mẫu để xây dựng hình ảnh bản thân. Nếu các em không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, không nghĩ mình có thể làm nên trò trống gì, cũng không thể tìm thấy kiểu mẫu để trở thành thì các em rất dễ rơi vào khủng hoảng”.
Hiện nay, cuốn Cẩm nang tâm lý Học đường dành cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên (NXB Anbooks) có thể xem là một tài liệu quan trọng trong ngành TLHĐ Việt Nam. Cuốn sách mô tả chi tiết các chứng bệnh – hành vi TLHĐ thường gặp, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp khắc phục.
Ngoài ra, vai trò của các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần ở nhà trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam vẫn chưa chú trọng điều này. Các hội thảo quốc tế về phòng ngừa khủng hoảng – hỗ trợ sức khỏe sinh viên cho biết, ít nhất phải có một chuyên gia tâm lý trên 1.000 sinh viên. Còn ở Việt Nam, hơn 2 triệu sinh viên nhưng số chuyên gia tâm lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý tại trường không chỉ là các chương trình gỡ rối tâm lý thông thường mà còn đưa ra các phương án dự phòng đồng thời có sự đánh giá, can thiệp cần thiết.
Các chương trình phòng ngừa bao gồm: quản lý stress, quản lý cảm xúc tiêu cực, kỹ năng tương tác – xây dựng các mối quan hệ, kỹ năng giải quyết khủng hoảng – vượt qua khó khăn… Một số trường đại học có sự kết nối trung tâm tư vấn với những người làm công tác xã hội sẽ rất thuận tiện vì có thể tham vấn cho cả phụ huynh.
Gia đình và nhà trường quan trọng nhất
Theo mô hình hệ thống sinh thái của Urie Bronfrenbrenner – nhà tâm lý giáo dục học người Nga – có sáu hệ thống tác động đến sự phát triển toàn diện trẻ em.
Thứ nhất là hệ thống sinh lý: các yếu tố sức khỏe thể chất và tinh thần có được do di truyền và môi trường nuôi dưỡng trong gia đình.
Thứ hai là hệ thống vi mô: môi trường mà đứa trẻ sinh sống và tương tác thường xuyên với những thành viên của môi trường đó, từ gia đình, nhà trường đến xã hội.
Thứ ba là hệ thống giao hội là khi các hệ thống vi mô tương tác với nhau, tạo một môi trường có sự kết nối, hợp tác nhằm kết nối trẻ với các bối cảnh bên ngoài.
Thứ tư là hệ thống ngoại vi: những môi trường có tác động gián tiếp đến đứa trẻ, chẳng hạn áp lực trong công việc của cha mẹ, điều kiện cuộc sống gia đình, các phương tiện truyền thông nghe nhìn thâm nhập và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lớn với trẻ em.
Thứ năm là hệ thống vĩ mô: liên quan đến văn hóa tập tục xã hội, hệ thống kinh tế chính trị, chính sách quốc gia…
Và thứ sáu là các điều kiện lịch sử xã hội và sự sắp xếp các sự kiện của môi trường cùng các thay đổi đặc biệt trong suốt cuộc sống; các tác động bởi thời gian và các giai đoạn phát triển then chốt.
Theo TS Lê Nguyên Phương, người sáng lập Hiệp hội Phát triển Tâm lý Học đường thế giới (CASP-I), tất cả những điều trên đều ảnh hưởng đến con cái chúng ta, nhưng ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất chính là hệ thống vi mô, trong đó quan trọng nhất là gia đình và nhà trường.
Ông nói: “Với gia đình, dù có dạy con theo kiểu nào đi nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta phải biết lắng nghe, quan sát và thực sự hiểu biết về từng đứa trẻ. Đối với nhà trường, nếu thầy cô thật sự muốn có một lớp học hạnh phúc thì phải có sự chuyển hóa để hiểu được từng đứa trẻ trong lớp học, hay nói cách khác là phải thay đổi bản thân để cả mình và học sinh cùng hạnh phúc”.
PGS-TS Trần Thị Lệ Thu, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Tâm lý Học đường quốc tế (IISP) cho biết: “Con cái chúng ta không phải là con ốc trong xã hội để luôn ngoan ngoãn phục tùng các mệnh lệnh từ người lớn. Chúng cũng không phải là tín đồ thuần thành để sống theo kinh sách. Chúng phải là những cá nhân với đặc tính độc đáo và việc của những người xung quanh là tạo các điều kiện tốt nhất để phát triển các đặc tính của con trẻ một cách khỏe mạnh và hài hòa, trước hết trong thân – tâm con rồi mới tính đến các tương quan với môi trường xung quanh. Đó mới thật sự là cách tiếp cận tập trung vào đứa trẻ”.
Cha mẹ dù có những mặc cảm về quá khứ bất hạnh, thiếu thốn thì cũng không thể bắt con cái phải thành đạt bằng mọi giá để thỏa mãn những ẩn ức, mặc cảm của chính mình. Thầy cô dù có muốn trẻ tiến bộ nhanh chóng mà áp dụng các hình thức kỷ luật không công bằng, lạm quyền hoặc quá khắc nghiệt, đặc biệt là khi các định chế giáo dục và văn hóa thiếu tính nhân văn.
Một giáo viên gọi học sinh là ngu dốt và cấm các em khác không được chơi với học sinh đó cũng là một hiện tượng bạo lực học đường, vì hành vi của giáo viên đã tước đoạt phẩm giá, sự an lành trong tâm trí, vị trí xã hội của học sinh và trấn áp các mối quan hệ xã hội của em.
Cả gia đình và nhà trường, thay vì cố nhào nặn con thành những mẫu hình mà chúng ta khao khát, hãy giúp con đạt được những điều mà tận trong thâm tâm mỗi người chúng ta đang hướng đến, đó không phải là quyền lực, danh vọng, tiền bạc mà là tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và sự bình an trong tâm hồn.
Cùng ý kiến này, TS Lê Nguyên Phương cho rằng gia đình, thầy cô hãy là người đồng hành cùng con trẻ chứ không phải là “kẻ áp giải”. “Chúng ta có mặt bên cạnh đứa trẻ bằng tình yêu thương, để đứa trẻ luôn cảm thấy bình yên tin cậy, từ đó các em mới dễ dàng thổ lộ những tâm sự sâu kín mà không sợ bị chê trách, hoài nghi, mắng mỏ…
Hãy giúp trẻ học tập, thực hành các kỹ năng giao tiếp xã hội, để khi cần chúng có thể chia sẻ với mọi người. Khi có kỹ năng cùng sự tự tin, trẻ sẽ xem nỗi cô đơn hay cả những tổn thương của mình là một trải nghiệm bình thường trong cuộc đời, từ đó chúng sẽ biết đứng vững trên đôi chân của mình”, ông nói.
“Chuyển hóa là một quá trình dũng cảm, vì việc nhìn lại và chuyển hóa những chấn thương đời mình cũng đau đớn và không dễ dàng. Nhưng nỗi đau sẽ lớn hơn nếu ta cứ giấu tổn thương và bắt con trẻ gánh chịu hậu quả của những vô minh đó. Chính vì vậy, chuyển hóa chính mình là con đường đầy hy vọng của cha mẹ và thầy cô để tạo một môi trường hạnh phúc, bình yên cho con cái chúng ta”.