Ngày nay các công ty tiên tiến đang dùng công nghệ để cải tiến năng suất và hiệu năng để cạnh tranh và phát triển kinh doanh ra toàn cầu. Với hỗ trợ của công nghệ thông tin, các quy trình được tự động hóa, kỹ nghệ được tái cấu trúc khiến cho việc kinh doanh của họ cho hiệu quả và làm tăng lợi nhuận. Vì thế, nhiều việc làm từ các xưởng chế tạo được chuẩn hóa, tự động hóa và thay thế công nhân lao động bằng robot.
Ngày mai đây, hầu như mọi việc làm sẽ theo yêu cầu cao về tri thức của khoa học, công nghệ, kỹ nghệ và toán học (STEM), vì những công nhân tri thức này sẽ phục vụ như động cơ để dẫn lái nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên qua việc biến đổi sang nền kinh tế tri thức, những người “ít giáo dục”, người chỉ có kỹ năng lao động thủ công sẽ bị bỏ lại đằng sau. Đây là vấn đề nghiêm trọng cho nhiều nước vì họ sẽ thấy tình trạng thất nghiệp cao hơn, bất bình đẳng về thu nhập và căng thẳng lao động tăng lên đều đe dọa cho sự ổn định của xã hội.
Nhiều nước trên thế giới đã nhìn thấy xu hướng này và có hành động nhanh chóng. Nhưng một số nước vẫn giữ thái độ “đợi và xem” mà không hiểu rằng với tiến bộ của công nghệ, mọi sự đang xảy ra rất nhanh.
Chẳng hạn, 10 nghìn năm trước mọi người sống trong thời đại săn bắn hái lượm; họ đã chuyển vào thời đại nông nghiệp khoảng 8 nghìn năm trước. Rồi họ đã phát minh ra máy móc và chuyển vào thời đại công nghiệp trong khoảng 2 trăm năm trước. Nhưng thay đổi đang được tăng tốc từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin chỉ trong 50 năm; và bây giờ mọi thứ đang thay đổi ngày càng nhanh hơn. Nếu không có hành động thích hợp, hậu quả có thể là thảm họa đối với xã hội và kinh tế.
Mười năm trước, Nokia là công ty điện thoại di động lớn nhất mãi cho tới khi iPhone xuất hiện; ngày nay Nokia bị mất đi và iPhone chi phối thị trường di động. Trong 20 năm, máy tính cá nhân đã giúp Microsoft, Intel và HP là ba công ty công nghệ hàng đầu mãi cho tới khi iPad được đưa vào. Ngày nay số máy tính cá nhân bán ra đã giảm và ba công ty lớn này không còn là những “kẻ chi phối” nữa. Hai năm trước, màn hình phẳng là tivi bán chạy hàng đầu nhưng ngày nay tivi màn hình cong với độ phân giải cực cao là hàng đầu.
Năm ngoái phần lớn xe hơi có máy tính và wifi gắn sẵn nhưng sang năm những xe này sẽ có khả năng tự lái tới bất kỳ chỗ nào người chủ muốn. Trong hai hay ba năm nữa, mọi người sẽ nói chuyện với xe của họ về nơi họ muốn đi, bảo bếp của họ nấu cái gì đó, và bảo máy giặt giặt quần áo của họ bằng công nghệ vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT). Chẳng mấy chốc máy với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hiểu mệnh lệnh của bạn và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng.
Ngày nay, công nghệ đang thay đổi, tác động và thay thế nhiều thứ, thậm chí thay thế con người bằng robot thông minh. Sự kiện là trong thời đại công nghệ mới này, trí óc được ưa chuộng hơn so với cơ bắp vì phần lớn việc làm yêu cầu các kỹ năng đặc biệt.
Nhưng ngày mai xu hướng này sẽ phát triển xã hội thành “hệ thống giai cấp” giữa “người có giáo dục” và “người ít giáo dục” và phần lớn mọi người sẽ bị thách thức về cách họ kiếm sống lẫn cách họ sống. Theo danh sách những người giàu nhất trên thế giới, 85% số họ tới từ khu vực công nghệ và phần lớn trong họ có bằng đại học. Trong số những người ở “giai cấp trung lưu”, phần lớn trong họ (chiếm 88%) có ít nhất một bằng cử nhân. Rõ ràng là giáo dục đại học đang là điều kiện cần thiết cho cuộc sống hôm nay.
Ngày nay giáo dục bị giới hạn vào một số năm trong trường nhưng ngày mai giáo dục sẽ là việc học cả đời. Giáo dục không dừng lại khi một người rời trường nhưng cơ hội cho việc học sẽ sẵn có cho mọi người, trên khắp thế giới, trong suốt cuộc đời họ ở các dạng khác nhau: toàn thời gian và bán thời gian, hàn lâm và hướng nghiệp, ngoại tuyến và trực tuyến, trong lớp học và qua internet, để giúp mọi người học suốt thời gian còn lại của đời người.
Ngày nay sinh viên học từ sách và thầy, họ ghi nhớ sự kiện để qua các kỳ thi và được cấp bằng. Ngày mai sinh viên học từ cả thầy và tài liệu trực tuyến. Sinh viên dùng công cụ tìm để thu được tài liệu cần thiết để học vì giáo dục là về khám phá ý tưởng và áp dụng chúng. Họ sẽ nhận được hướng dẫn từ thầy giáo nhưng vai trò của thầy sẽ là huấn luyện, hướng dẫn và hỗ trợ thay vì truyền thụ tri thức.
Giáo dục của hôm nay là về phát triển tri thức chung nhưng giáo dục của ngày mai là về thu nhận kỹ năng. Hệ thống giáo dục của ngày nay được cấu trúc như các lĩnh vực hàn lâm tách rời nhưng giáo dục của ngày mai được cấu trúc quanh “kỹ năng năng lực” nơi sinh viên được dạy áp dụng tri thức chứ không cần phải ghi nhớ chúng. Mô hình giáo dục của ngày nay dựa trên “một cỡ khớp cho tất cả” nơi mọi sinh viên học từ cùng chương trình đào tạo với các lĩnh vực hàn lâm tách rời. Mô hình giáo dục của ngày mai được thiết kế là để “học theo nhịp cá nhân” nơi sinh viên phát triển kỹ năng của họ theo nhịp riêng của họ và tốt nghiệp khi họ hoàn thành danh sách các năng lực.
Hệ thống giáo dục của ngày nay dựa trên truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm nơi chương trình đào tạo được một nhóm các thầy giáo và học giả xây dựng ra. Họ tổ chức chương trình đào tạo phân loại theo các lĩnh vực độc lập. Hệ thống giáo dục của ngày mai sẽ là việc học và tư duy liên ngành, đặc biệt trong khoa học, công nghệ, kỹ nghệ và toán học. Việc học liên ngành này sẽ hội tụ vào việc đem doanh nghiệp, công nghệ, khoa học và toán học lại cùng nhau để thúc đẩy nhiều phát kiến.
Trong mô hình giáo dục mới này, sinh viên sẽ khám phá cách họ học tốt nhất và chọn các con đường học tập đa dạng qua các môn học đặc biệt được thiết kế để giúp cho họ thu được kỹ năng và suy nghĩ về việc học của họ. Sau khi có những kỹ năng chung, sinh viên sẽ có sự hướng dẫn của thầy giáo để chuyển sang chương trình học tập đặc biệt, nơi họ làm việc trong nhóm để phát triển “kỷ luật có cơ sở”. Chương trình cuối cùng sẽ thách thức sinh viên chứng tỏ khả năng áp dụng tri thức của họ để giải quyết tình huống thế giới thực.
Đã có những thảo luận về mô hình giáo dục mới trong vài năm qua. Nhiều người thích nó nhưng một số người không thích; điều quan trọng cần hiểu là với tiến bộ của công nghệ, nhiều thứ sẽ thay đổi bất kể liệu mọi người có thích hay không thích. Một nhà kinh tế giải thích: “Thị trường sẽ chỉ đạo tương lai vì mọi người sẽ làm bất kỳ cái gì họ cần để sống còn”. Không hệ thống giáo dục nào được xem là tốt hơn hệ thống giáo dục khác mà nó phải điều chỉnh theo nhu cầu của xã hội.
Các trường đại học ngày nay phải thay đổi nhanh chóng để hỗ trợ cho nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu nơi mọi thứ đang xảy ra với tốc độ của internet, nơi doanh nghiệp vận hành 24 giờ và bảy ngày một tuần. Trong môi trường cạnh tranh này, hệ thống giáo dục phải kéo dài ra ngoài lớp học truyền thống và chương trình đào tạo cứng nhắc phải xóa bỏ để hỗ trợ cho việc phát triển xã hội tri thức. Các đại học mà có thể thay đổi nhanh nhất sẽ sống sót và thịnh vượng trong thế giới thay đổi nhanh này.
Giáo sư John Vũ, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Carnegie Mellon, Mỹ. Trước đây, ông từng là kỹ sư trưởng tại Tập đoàn Boeing.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông có sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ Việt Nam qua các bài viết của mình, đặc biệt là cuốn sách Khởi hành, giới thiệu đến sinh viên cách chọn ngành, cách xác định lĩnh vực học tập phù hợp, phương pháp học tập tiến bộ, cách tư duy khoa học… và cuốn Kết nối là những lời khuyên quý giá trong điểm nút quan trọng nhất cuộc đời, từ khi chuẩn bị rời giảng đường đến quá trình lập nghiệp.
Ngoài ra, ông còn là dịch giả nổi tiếng với bút danh Nguyên Phong cho các cuốn sách nhiều người biết đến như: Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết…