Trong phiên khai mạc Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tại Quảng Trị ngày 5-6 vừa qua, các nhà tài trợ tỏ ra lo ngại về tình hình nợ nần cũng như làm ăn thiếu hiệu quả của khu vực quốc doanh, đặt ra một số rủi ro quá lớn lên nền kinh tế cũng như sự ổn định tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến người nộp thuế.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2007 đến 2009, tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước là 307%, cao hơn nhiều so với con số tương ứng 183% ở doanh nghiệp tư nhân và 145% của các doanh nghiệp nước ngoài. So sánh về lợi nhuận thì con số 17% mà các doanh nghiệp Nhà nước công bố tưởng như cao, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng danh nghĩa của nền kinh tế (19%) cũng như khu vực doanh nghiệp nước ngoài (27%).
Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhà nước cho thấy tình trạng tài chính thiếu lành mạnh. Vinashin từ chỗ không trả được nợ nước ngoài phải cơ cấu lại bằng nợ nội tệ. EVN cũng thua lỗ trong ba năm liên tiếp và có nợ tích lũy đáng kể so với các doanh nghiệp khác. Gần đây, WB cũng lưu ý tới việc một số doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực xi măng không thanh toán được nợ ngân hàng, buộc Chính phủ phải giải cứu.
Thay vì trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước đang phải vật lộn để bắt kịp với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, sự phát triển của các doanh nghiệp này trong thời gian qua đã tạo nên một sân chơi không bình đẳng trong tín dụng ngân hàng, hợp đồng mua sắm, nghiên cứu và phát triển so với các doanh nghiệp tư nhân.
Trong tình hình như vậy, việc kiên trì với khái niệm “quốc doanh là chủ đạo” cho nền kinh tế là rất đáng lo ngại, nhất là khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đang cần đến sự giúp đỡ hào phóng của chính phủ để giảm bớt nợ nần.
Thế nhưng, khi trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội sáng 8-6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Không thể cứu doanh nghiệp một cách tràn lan, Nhà nước không đủ sức và cũng không nên làm như thế. Điểm mấu chốt hiện nay gọi là cục máu đông – chính là nợ. Cơ cấu lại nợ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được vốn, được cứu”.
Theo ông, doanh nghiệp khó khăn thì Chính phủ phải có trợ giúp chứ thực chất đây không phải là một gói kích cầu như năm 2009. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp cần coi đây là cơ hội để tái cơ cấu lại mình.
Mới đây Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có một kiến nghị gửi đến các đại biểu trong đó đề cao vai trò kinh tế tư nhân thành động lực cho phát triển kinh tế, đồng thời thu hẹp lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Kiến nghị này nếu được chấp nhận sẽ là bước quan trọng trong đổi mới tư duy để việc hoạch định chính sách trở nên thực tế hơn.
Minh Trí